Nhưng rồi, như có phép lạ, chị lại hồi phục và tiếp tục hành trình từ thiện tái tạo bộ phận sinh dục cho hàng trăm trẻ em không may mắn.
Sự “ảnh hưởng” khó lý giải…
Đón tôi tại căn nhà riêng xinh xắn, nhà báo Mai Anh, người vừa được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017, cười bảo: “Hôm nay, cả 3 cu cậu đều đi vắng cả, một cậu nữa thì học đại học thỉnh thoảng về, nên chỉ mình chị ở nhà”.
- “Ủa, không lẽ chị mới nhận thêm con nuôi?”. Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của tôi, chị Mai Anh lại bật cười đáp: “Chị có nhiều con lắm, chắc là hơn 10 đấy, bao gồm cả những bé mà chị tự nhận và những bé chủ động đề nghị chị nhận”.
Chia sẻ về cậu con nuôi mà tôi chưa biết, chị Mai Anh “bật mí”, đó là chàng sinh viên năm cuối tên Thắng, quê ở Hòa Bình. Chị và 3 “chàng trai” Thiên Minh, Hải Minh, Thiện Nhân vẫn quen gọi Thắng bằng nick name anh Tôm.
Chị Mai Anh kể, cách đây hơn 5 năm, Thắng thường gọi điện, gửi mail chia sẻ với chị mọi chuyện. Rồi một lần, Thắng đề nghị: “Cháu sẽ cố gắng đỗ đại học, để ra Hà Nội ở để cùng cô chăm sóc các em. Khi đấy cháu sẽ gọi cô là Mẹ nhé?”.
Ai ngờ, năm 2013, Thắng đỗ đại học và “khăn gói quả mướp” đến nhà chị Mai Anh ở thật cho dù gia đình Thắng cũng mua cho cậu con trai một căn nhà ở Hà Nội. Ngoài giờ đi học, Thắng giúp bà, giúp mẹ Còi (tên thân mật ở nhà của chị Mai Anh) chăm sóc, dạy dỗ các em học. Nhiều lần bị Mẹ mắng tơi tả nhưng sau những lúc buồn bã, cậu chàng vẫn rất vui vì: “Coi con như con thật thì Mẹ mới mắng, mới bảo ban như vậy”.
Nhưng thực ra, đâu chỉ có các cậu bé, cô bé bị Mẹ Còi “mê hoặc”, có rất nhiều người, bao gồm mọi tầng lớp, từ nghèo khổ, giàu sang, quyền lực, ở trong nước cũng như ngoài nước… đều dành cho mẹ nuôi bé Thiện Nhân sự quan tâm đặc biệt và những tình cảm tin yêu, ngưỡng mộ.
Với các bác sĩ hàng đầu đến từ Ý, Mỹ, như bác sĩ Roberto DeCastro, Emilio Merlini hay bác sĩ Aurelie Chiappinelli… cũng vậy. Ban đầu, họ chỉ yêu quý Mẹ Còi thông qua cuộc mổ cách đây 7 năm cho bé Thiện Nhân, một bé trai bị bỏ rơi trong rừng ở Quảng Nam, bị động vật ăn mất chân phải và bộ phận sinh dục, được chị Mai Anh nhận làm con nuôi rồi vất vả đưa đi khắp nơi để chữa trị.
Nhưng sau đó, tận mắt chứng kiến tấm lòng yêu trẻ vô điều kiện của chị Mai Anh qua chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” do chị sáng lập (tháng 6/2011), các bác sĩ ngày càng quyến luyến và muốn gắn bó hơn với Việt Nam. Để rồi, cứ đều đặn mỗi năm 1 lần, họ lại sang Việt Nam cùng chị tổ chức Chương trình và tham gia phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho cả trăm trẻ em không may mắn.
“Vui lắm, nhiều bạn theo và hỗ trợ chúng tôi suốt gần chục năm nay, có bạn đầu năm bỏ ống và cuối năm thì “nộp” lợn. Cũng có người đều đặn hàng tháng cắt lương, chuyển tiền vào tài khoản của Chương trình. Một số cá nhân còn gửi hải sản, thực phẩm chức năng… để mẹ Mai Anh bồi bổ sức khỏe”, chị Mai Anh kể.
Còn nhớ, trong sinh nhật chị Mai Anh năm 2016, sau khi đọc những dòng chia sẻ về những vướng mắc kinh phí cho kỳ phẫu thuật cuối năm, một bạn đọc trên facebook đã nhắn tin đề nghị chuyển tặng 500 triệu đồng còn thiếu, coi như món quà sinh nhật chị.
“Tới phút chót, số tiền mà bạn bè gần xa gửi về quỹ của Chương trình cũng đủ để phẫu thuật cho 45 bé nên tôi nhắn tin: Bạn hãy giữ lại món tiền đó, nếu đợt phẫu thuật tới thiếu kinh phí Chương trình xin nhận sau. Tuy nhiên, người bạn facebook ấy vẫn tự chuyển khoản 200 triệu đồng vào quỹ Chương trình”, chị Mai Anh kế.
Nói như vậy nhưng cũng không có nghĩa lúc nào mọi việc cũng xuôi chèo mát mái. Để có thể tiến hành được hơn 220 ca phẫu thuật tái tạo lại bộ phận sinh dục và hơn 800 ca khám, tư vấn cho trẻ em trong gần 6 năm qua (hơn 30 triệu đồng/ca), chị Mai Anh và các đồng sự nhiều lúc đã phải căng não vì lo khinh phí và luôn phải đôn đáo khắp nơi để chu toàn mọi việc. Đã có thời điểm, ngân quỹ còn không có đủ 64 triệu đồng để tiêm 3 mũi tiêm khẩn cấp cho 1 bé gái, chị Mai Anh và cộng sự thân thiết Na Hương đã phải viết giấy đảm bảo, xin được chia thanh toán làm 3 lần để chờ tới kỳ lĩnh lương của 2 chị em.
Cảm động về tấm lòng yêu thương vô điều kiện của Mai Anh đối với con trẻ, một người bạn trên facebook đã chia sẻ rằng: “Hôm gặp Mai Anh để trao 100 triệu đồng, khoản tiền đủ để trao cho 3 bé cơ hội làm người trọn vẹn, Mai Anh hỏi xem cần cảm ơn ngân hàng chúng tôi thế nào, tôi bảo "riêng lòng tốt vô điều kiện của bạn đã là món quà vô giá". Chứng kiến quá nhiều điều xấu khiến tim chúng tôi sắp đóng cửa như một cách tự vệ tiêu cực, thì Mai Anh đã cho chúng tôi niềm tin để tim mở ra và kết nối vì những điều tử tế”.
Cổ tích sinh ra từ lòng người
- “Đã khi nào chị tính chuyện sẽ dừng hành trình tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em, để giữ sức và dành thời gian nhiều hơn cho con cái và bản thân chưa?”. Rất nhanh, chị Mai Anh đáp lời: “Chị chưa bao giờ nghĩ mình đang làm từ thiện, hay ban phát gì cho ai. Tự chị thấy yêu trẻ, thương những em bé còn chịu nhiều thiệt thòi và thấy bản thân mình có khả năng làm điều gì đó cho các bé thì làm thôi”.
Mai Anh nói, chị coi những ngày đồng hành cùng các bé phẫu thuật tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội là những chuyến du lịch, hoặc cơ hội có những mối quan hệ mới, những công việc mới. Còn đối với con cái, chị vẫn luôn có dành thời gian để ở bên các con, cùng nhau nắm bắt những khoảnh khắc yêu thương hay chủ động chăm sóc các con đủ 3 bữa cơm mỗi ngày.
- “Nhưng sức khỏe của chị có đảm bảo để mãi đeo đuổi, mãi căng não vì lo tiền phẫu thuật cho các bé không?”. Ngẫm nghĩ giây lát, chị Mai Anh trả lời: “Đúng là sức khỏe cũng là một vấn đề. Hình như để có thể dồn sức “tiêu xài” cho cả một năm thì mỗi năm, chị cần trải qua một ca phẩu thuật mổ đầu, mổ mắt, mổ mũi... hoặc phải kinh qua một lần nhập viện sinh tử. Khoảng cuối năm ngoái thôi, chị phải nằm trong phòng cấp cứu, người thân phải canh từng phút từng giây vì tiểu cầu hạ xuống mức nguy hiểm, cận kề với cái chết”.
Vài năm trước đó, chị Mai Anh cũng đã được đưa vào phòng mổ sinh tử với các động mạch chủ đoạn lên não chực nổ tung. Lúc đó, chị cũng đã lom khom trên giường bệnh cố viết đủ di chúc cho 3 cậu con trai. Di chúc đó giờ vẫn do ông Ngoại cất giữ và nội dung ấy chưa bao giờ cũ.
“Do đó, năm ngoái, trong lúc ở giữa sự sống và cái chết, chị đã cố giải mã cho câu hỏi: Tại sao lại để mình mòn mỏi hao lực vì bọn trẻ con nhà người ta thế này? Câu trả lời là không phải vì lòng nhân ái. Có lẽ, số mệnh đã không giao cho bất kỳ ai khác mà giao cho chị như một việc phải làm, số mệnh bắt chị vật lộn, phải khổ phải hao tâm hao lực với sự trợ cứu của nhiều người. Số mệnh luôn cử cho chị người trợ cứu phù hợp, thường xuất hiện khi chị đuối hay nản để không thể bỏ cuộc”, chị Mai Anh chia sẻ.
Cũng vậy nên, sau mỗi lần ốm dậy, thậm chí là thập tử nhất sinh, chị Mai Anh lại tiếp tục lao vào công việc và đem hành trình yêu thương đến với những cô bé, cậu bé đang phải chịu khiếm khuyết ở bộ phận sinh dục. Tiếng lành đồn xa nên danh sách, số điện thoại liên hệ với gia đình có trẻ em cần được hỗ trợ phẫu thuật từ hành trình Thiện Nhân và những người bạn mỗi lúc một dài hơn. Nhiều đến mức, trong điện thoại của chị, tôi nhìn thấy cách lưu tên rất lạ: Cheem Sẹo 8 Lần, hay Cheem Bố Thương Binh…
“Tất cả những dòng tên lưu trên danh bạ đều có một cái Họ chung - Cheem (cho lịch sự). Sau Họ Cheem thì bắt đầu đến các cái Tên. Như Cheem Sẹo 8 Lần là số của mẹ của cậu bé, mà trước đó đã bị mổ tới 8 lần không thành công, lần phẫu thuật nào cũng để lại sẹo ở Cheem chằng chịt, sẹo làm tắc đường tiểu, gây nguy hại đến thận. Hay Cheem Bố Thương Binh là trường hợp ông bố là thương binh, và ông bố đề nghị hãy lấy Cheem của bác ý lắp cho con trai…”, chị Mai Anh lý giải.
Rất vui, là sau khi được phẫu thuật, nhiều cậu bé, cô bé đã bớt tiểu dầm dề, nhiều chàng trai đã lập gia đình và có được hạnh phúc đón thiên thần nhỏ trên tay. Và nhiều lần, chị Mai Anh được đã được các gia đình trân trọng đề nghị: “Mong chị hãy đặt tên cho em bé”.
Tạm biệt ra về, câu chuyện về chị Mai Anh, về hành trình Thiện Nhân khiến tôi cứ day dứt mãi về việc sẽ làm gì để góp phần nhỏ bé, cùng chị hỗ trợ cho 1.000 em đã nộp hồ sơ và đang chờ được giúp đỡ. Chợt nhận ra mình cũng bị bị ảnh hưởng bởi lòng tốt từ chị Mai Anh từ lúc nào và cũng đã tìm thấy đáp án cho câu hỏi: Vì sao nhà báo Mai Anh và hành trình Thiện Nhân lại có sức ảnh hưởng và nhận được sự yêu thương của cộng đồng đến thế.
Và cũng giống như vô số người đã bị trái tim nhân hậu của chị Mai Anh chinh phục, tôi thầm mong cho người phụ nữ nhỏ nhắn ấy luôn mạnh khỏe để chị bước tiếp hành trình nối dài những giấc mơ được sống làm người bình thường cho những cậu bé, cô bé còn thiệt thòi. Tôi hiểu, với chị, đó chỉ là cách sống như ai đó vẫn thích đi shopping, du lịch…; nhưng với các em nhỏ và xã hội đó là những việc làm thiện nguyện vô cùng đáng quý không phải một cá nhân, thậm chí một tổ chức nào cũng có thể làm được.