Bạch Long Vĩ là đảo xa bờ nhất của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ. Nếu xuất phát từ Bến Bính bằng tàu thủy cũng phải mất khoảng 5 giờ lênh đênh trên biển mới đến đảo. Giữa ngoài khơi vịnh Bắc Bộ ấy có một cơ sở y tế duy nhất - Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ. Trung tâm có chức năng lưỡng dụng: vừa đảm bảo công tác y tế dự phòng, vừa đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị; vừa có quy mô tổ chức hoạt động thời bình vừa có dự phòng thời chiến, theo Đề án "Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020" của Chính phủ.
Bác sĩ Phạm Văn Hải, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ cho biết, Trung tâm vừa là tuyến đầu vừa là tuyến cuối trong công tác khám chữa bệnh và cấp cứu bệnh nhân. Mặc dù trang thiết bị y tế, nhân lực còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tập thể y, bác sĩ nơi đây không quản ngại, vẫn đang ngày đêm lặng lẽ dõi theo, ân cần chăm sóc sức khỏe cho quân và dân huyện đảo.
Cứu sống thêm nhiều bệnh nhân, nhất là những ca bệnh trong tình trạng nguy cấp, là điều mà tập thể y, bác sĩ Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ luôn trăn trở. Một ngân hàng máu sống dự bị ra đời cách đây gần 6 năm, bước đầu đã thu được những kết quả tích cực. Ban đầu có khoảng 40 tình nguyện viên, trong đó có 20 tình nguyện viên có nhóm máu O sẵn sàng hiến máu cứu người.
Năm 2018, số lượng tình nguyện viên tăng lên 45 người từ các đơn vị như quân đội, hải quân, đoàn thanh niên, thanh niên xung phong và các y, bác sĩ của Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ. Theo định kỳ, Trung tâm thường xuyên rà soát, khám lại và bổ sung số lượng các tình nguyện viên... Mô hình ngân hàng máu dự bị tại huyện đảo Bạch Long Vĩ đã được các chuyên gia huyết học đánh giá cao trên lâm sàng và biểu dương tại các hội nghị sơ kết về y tế biển đảo hằng năm.
Là người từng tham gia hiến máu tình nguyện, y sĩ trẻ Phùng Tiến Đạt chia sẻ, ở đâu đó còn có biết bao người đang từng giờ chống chọi với những cơn đau của bệnh và rất cần máu. Nghĩ đến việc người bệnh sẽ được nhận giọt máu của mình, những người tình nguyện cho máu hạnh phúc lắm. Hiến giọt máu đào còn là thể hiện, tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc Việt.
Kết nối trái tim - kết nối sự sống, năm 2018, Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ đã sử dụng gần 10 đơn vị máu tươi toàn phần cấp cứu cho hơn 10 ca mổ khó như: chửa ngoài tử cung vỡ thể ngập máu ổ bụng, viêm ruột thừa cấp giờ thứ 24, vết thương đứt động mạch đùi, đa vết thương do cá mập tấn công...
Trong số nhiều ca bệnh nặng và khó đã được Trung tâm xử lý thành công phải kể đến trường hợp ngư dân Lê Chi (41 tuổi, ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) bị cá mập tấn công trong khi đang đánh bắt hải sản trên biển ở cách đảo hơn 10 hải lý. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc do đau, mất máu cấp, huyết áp không đo được. Nhiều vết thương vùng 1/3 giữa cánh tay chiếm 2/3 chu vi cánh tay của bệnh nhân, thấm nhiều máu, nhiều máu cục, đứt khối cơ cánh tay trước và sau, đứt thần kinh quay. Nhiều vết thương 1/3 giữa cẳng tay, đứt khối cơ cẳng tay trước và sau xương trụ... Kíp trực của Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ đã tiến hành hồi sức chống sốc, bệnh nhân qua cơn nguy kịch và xuất viện sau 10 ngày điều trị tích cực.
Trường hợp bệnh nhân Đinh Thị Lụa, 29 tuổi, ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), được Trung tâm chẩn đoán chửa ngoài tử cung vỡ thể ngập máu ổ bụng. Nhận thấy dấu hiệu không bình thường, bệnh nhân được chuyển ngay sang phòng mổ cấp cứu, truyền dung dịch thay thế máu; đồng thời Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ báo cáo xin ý kiến của lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng và huyện Bạch Long Vĩ để huy động ngân hàng máu sống...
Thành công trong việc cấp cứu và điều trị những ca bệnh nguy cấp, khẳng định trình độ chuyên môn vững giỏi của tập thể y, bác sĩ nơi đảo xa. Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ là điểm tựa tin yêu về chăm sóc sức khỏe cho quân, dân huyện đảo và cho ngư dân các tỉnh làm ăn trong vùng vịnh Bắc Bộ. Trong năm 2018, gần 6.000 lượt bệnh nhân đã đến Trung tâm khám và điều trị, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2017. Cùng với đó, Trung tâm luôn đảm bảo công tác sẵn sàng chiến đấu theo quy định.
Hướng tới trở thành Trung tâm y tế cho toàn vịnh Bắc bộ, đảm bảo y tế chiến lược tầm quốc gia, phù hợp với mô hình y tế biển đảo của cả nước, Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ mong tiếp tục nhận được quan tâm, hỗ trợ từ Bộ Y tế, từ thành phố và các đơn vị về đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết bị y tế, phương tiện cần thiết phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh; bổ sung bác sĩ chuyên khoa đáp ứng yêu cầu thực tế của huyện đảo.
Tiếp nối hành trình của các thế hệ cha anh, những bác sĩ trẻ như Đinh Duy Thanh, Phạm Trọng Thường, y sỹ Vũ Thành Đạt hay kỹ sư Đinh Xuân Nguyên… đã rời xa gia đình tình nguyện ra huyện đảo. Tết Kỷ Hợi 2019 là Tết xa nhà đầu tiên, những người trẻ cảm nhận rõ hơn trọng trách lớn lao, thiêng liêng của mình đối với việc giữ gìn và phát triển vì sự trường tồn của biển, đảo quê hương; và viết tiếp khát vọng blouse trắng - gieo niềm tin, y đức nơi đầu sóng như Bác Hồ hằng mong.