Học và làm theo Bác: Người bí thư chi bộ 'ba sáng' ở bản vùng cao

Với cương vị là Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Cao Hoong, xã Lũng Cao, huyện miền núi Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa), bà Hà Thị Tự luôn được người dân nơi đây tin tưởng, nhắc đến với cái tên bà Tự “ba sáng”.

Chú thích ảnh
Bà Hà Thị Tự luôn là cô giáo mang ánh sáng tri thức cho các lứa học trò ở bản vùng cao Cao Hoong. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Bà vinh dự là một trong những điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024.

Đem ánh sáng về cho dân bản

Từ trung tâm xã Lũng Cao, men theo con đường bê tông với nhiều khúc cua tay áo và dốc cao trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, căn nhà sàn đơn sơ trên con dốc cheo leo đầu thôn Cao Hoong là nơi bà Hà Thị Tự (sinh năm 1961) đang sinh sống. Nước da rám nắng, giọng nói vồn vã, thân thiện, cởi mở, bà Tự kể về cuộc sống còn nhiều khó khăn của gia đình bà và các hộ dân trong bản Cao Hoong.

Là thôn vùng sâu, vùng xa của xã Lũng Cao, thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, trước đây, thôn Cao Hoong hầu như biệt lập với thế giới bên ngoài vì không có đường giao thông, không có điện chiếu sáng, không sóng điện thoại... Khí hậu nơi này rất khắc nghiệt, mây mù bao phủ quanh năm. Người dân quen với canh tác truyền thống, chưa biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; trồng lúa nương, trồng ngô năm được, năm mất; tình trạng đói giáp hạt vẫn diễn ra, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Thấu hiểu những vất vả, thiếu thốn của người dân, bà Hà Thị Tự đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, mang ánh sáng tri thức, ánh sáng điện về cho người dân thôn Cao Hoong.

Từ khi còn là cô gái bản, dù không được học chuyên ngành sư phạm, nhưng được sự tín nhiệm của người dân, từ năm 1979, bà Hà Thị Tự được dạy lớp vỡ lòng cho trẻ nhỏ trong thôn Cao Hoong và là giáo viên mầm non của các thôn Kịt, Cao Hoong (xã Lũng Cao) từ năm 1983-2008. Luôn tâm niệm học tập là con đường duy nhất để thoát khỏi cái đói, cái nghèo, bà Tự đã cùng cán bộ xã đến từng nhà vận động các gia đình có con, cháu trong độ tuổi ra lớp học tập.

Năm 2008, bà Hà Thị Tự được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Cao Hoong. Trên cương vị này, suốt nhiều năm, bà Tự cùng các tổ chức đoàn thể của thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng. Bà luôn đồng hành gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường.

Trăn trở trước cái đói, cái nghèo của người dân trong bản, tháng 3/2015, bà Tự hăng hái xin “xuất ngoại” để tham gia khóa học lắp ráp thiết bị năng lượng mặt trời tại Trường Cao đẳng Barefoot Tilonia (Rajasthan, Ấn Độ), do Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (Dự án GREAT) tài trợ.

Với quyết tâm đem ánh sáng điện về cho nhân dân trong thôn, bà Tự đã vượt qua khó khăn rào cản về ngôn ngữ để nỗ lực học tập. Sau 6 tháng hoàn thành khóa học trở về nước, bà đã tự lắp ráp 83 hệ thống năng lượng mặt trời, đem ánh sáng tới nhiều hộ dân tại các thôn Pốn, thôn Cao Hoong, thôn Kịt của xã Lũng Cao. Vì thế, người dân các thôn này được sử dụng ánh sáng và điện sinh hoạt từ thiết bị năng lượng mặt trời suốt 7 năm (từ 2015 đến năm 2022, khi các thôn cuối cùng của xã Lũng Cao có điện lưới quốc gia). Từ khi có điện năng lượng mặt trời, có điện lưới quốc gia, cuộc sống của người dân thôn Cao Hoong đã thay đổi hoàn toàn…

Nhắc đến bà Hà Thị Tự, ông Ngân Văn Hoan (thôn Cao Hoong, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước) cho biết: "Người dân trong thôn đều ghi nhận công sức của bà Tự, bà luôn hết lòng vì công việc chung của cộng đồng, xây dựng thôn, bản ngày càng đổi mới, được dân mến, dân tin. Tới đây có bầu lại trưởng thôn, chúng tôi vẫn tín nhiệm bà Tự, vì người dân đã quen với việc bà Tự làm công việc này".

Tận tâm, tận lực

Chú thích ảnh
Bà Hà Thị Tự (đứng giữa) tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Vào Đảng từ tháng 3/2002, suốt 22 năm nay, bà Tự là cầu nối đưa “ánh sáng của Đảng” đến với người dân Cao Hoong bằng cách truyền tải những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, được nhân dân trong thôn tin tưởng, nghe và làm theo. Những đóng góp của bà Tự được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn ghi nhận và đánh giá cao.

Năm 2019, bà Tự được đảng viên chi bộ thôn Cao Hoong tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn. Bà Tự đã phát huy vai trò là người đứng đầu, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, đến nay chi bộ thôn Cao Hoong đã có 7 đảng viên.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bà Hà Thị Tự luôn nhớ lời Bác dạy: "đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu, dám nghĩ, dám làm". Làm theo lời dạy của Bác, bà Tự luôn hăng hái tham gia làm việc cho thôn, cho người dân với mong muốn thôn Cao Hoong sẽ đổi thay từng ngày. Không ít người nói, bà “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, nhưng bà Tự luôn tâm niệm rằng, việc gì tốt cho dân, cho bản là còn nỗ lực hết mình.

Bà Hà Thị Tự cho biết: "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, tôi luôn tâm niệm xây dựng chi bộ vững mạnh, dìu dắt những quần chúng ưu tú vào Đảng để chi bộ vững mạnh hơn, từ đó vận dụng những chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống để nhân dân thôn tôi đỡ vất vả”.

Là thôn đặc biệt khó khăn của xã Lũng Cao, Cao Hoong hiện có 24 hộ, với 110 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Thôn có 24 hộ dân thì có tới 18 hộ nghèo (chiếm 75%), 5 hộ cận nghèo (chiếm 20,8%), đời sống các hộ còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 17,5 triệu đồng/năm. Với quyết tâm vượt đói nghèo, Chi bộ thôn Cao Hoong cùng nhân dân đã đồng lòng, đồng sức phát triển cây trồng, vật nuôi. Thôn Cao Hoong đã trồng được cây lá giang và cây mướp đắng, giá trị kinh tế gấp 10 lần trồng lúa.

Từ năm 2020 đến nay, thôn Cao Hoong đã vận động nhân dân hiến đất vườn, hiến công lao động để đào, đắp đất xây hai tuyến đường nội đồng dài 310m. Người dân trong thôn cũng đã đóng góp hơn 100 triệu đồng tiền mặt, hiến hơn 3.000m2 đất làm đường giao thông, các công trình phúc lợi của thôn, góp phần làm thay đổi diện mạo của thôn Cao Hoong.

Trăn trở lớn nhất của bà Tự là Cao Hoong vẫn chưa được đầu tư hạ tầng thông tin, nơi đây vẫn là 1 trong 3 thôn của xã Lũng Cao chưa có sóng điện thoại, chưa có Internet…

"Sóng điện thoại di động vẫn là thứ "xa xỉ" đối với người dân Cao Hoong. Mỗi khi xã, huyện có việc cần liên lạc vẫn phải nhờ người chạy xe máy vào thôn để thông báo. Hoặc, mỗi khi thôn có việc, tối nào tôi cũng phải đi đến từng nhà để thông tin. Không có sóng điện thoại nên thông tin trao đổi qua lại bị hạn chế nhiều. Người dân Cao Hoong mong muốn Nhà nước quan tâm xây dựng trạm phát sóng tại khu vực này để việc liên lạc được dễ dàng hơn…", bà Tự mong muốn.

Ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao (huyện Bá Thước) khẳng định: “Thôn Cao Hoong có được diện mạo như ngày hôm nay là nhờ những nỗ lực không ngưng nghỉ của đồng chí Hà Thị Tự - người Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn gương mẫu, luôn hết mình vì công việc tập thể. Đồng chí Hà Thị Tự chính là cầu nối đưa ánh sáng của Đảng đến với người dân, là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân. Đồng chí là minh chứng sống động về việc thấm nhuần lời dạy của Bác, tận tâm, tận lực với công việc, với nhân dân".

Những nỗ lực của Bí thư Chi bộ Hà Thị Tự và người dân đã đưa Cao Hoong trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục của xã Lũng Cao, của huyện Bá Thước.

Bài, ảnh: Việt Hoàng (TTXVN)
Câu lạc bộ gương điển hình học và làm theo Bác trên quê hương xứ dừa
Câu lạc bộ gương điển hình học và làm theo Bác trên quê hương xứ dừa

Thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân tỉnh Bến Tre thực hiện bằng những việc làm thiết thực. Trong đó, Câu lạc bộ gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh huyện Ba Tri là nơi tập hợp những gương điển hình tiêu biểu nhằm giao lưu, học hỏi, để các thành viên tiếp tục phấn đấu, gương mẫu trong mọi hoạt động. Câu lạc bộ là điểm sáng đang được nhân rộng ra nhiều địa phương khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN