Ông Hoàng Văn Chất, 59 tuổi, người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, thuộc bản Củ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Năm 1978, ông Chất tham gia công tác tại Khoa Sinh hóa, Bệnh viện Quân y 6 (Cục Hậu cần Quân khu 2). Năm 1989, ông nghỉ chế độ, trở về quê hương tích cực tham gia phát triển kinh tế.
Nhận thấy tại địa phương có diện tích đất rộng, ông đã đầu tư khai hoang 7 ha đất để trồng cây cà phê, mía và mận hậu. Tuy nhiên, do chu kỳ sương muối 4-5 năm lại xảy ra một lần dẫn đến diện tích cây trồng của ông có năm bị mất trắng, phải chặt bỏ toàn bộ, gây thiệt hại lớn đến kinh tế của gia đình.
Quyết tâm không chịu thua "ông trời", năm 2012, ông Chất đầu tư nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ một số mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn. Theo đó, ông đã đầu tư mua 200 cây cam giống từ Trường Đại học Nông nghiệp 1 về trồng thử nghiệm. Sau 2 năm trồng, cây phát triển tốt, chịu được sương muối.
Theo chủ trương của tỉnh, huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2014, ông chuyển đổi một phần diện tích đất trồng cà phê sang trồng cây ăn quả có múi. Đến nay, gia đình ông đã trồng được khoảng 4.000 cây trên diện tích 4 ha gồm 7 loại: Cam Vinh lòng vàng, cam V2, cam C36, cam đỏ, cam Mỹ, bưởi da xanh, cam đường; đồng thời duy trì 2ha cà phê trồng xen cam, bưởi, bơ đã cho thu hoạch.
Để chủ động một phần phân hữu cơ cho cây trồng, gia đình ông duy trì nuôi 10 con bò nhốt chuồng, 300 - 400 con gia cầm. Năm 2018, gia đình ông cung cấp ra thị trường 62 tấn quả có múi, 40 tấn hạt cà phê, doanh thu đạt hơn 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi gần 1 tỷ đồng.
Xét thấy còn nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, do vậy, năm 2018, ông đã đề xuất với các cấp chính quyền để thành lập Hợp tác xã Trường Tiến do ông làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đến nay, Hợp tác xã có 17 thành viên liên kết, hỗ trợ nhau tạo thành vùng trồng với diện tích 15 ha cam, 20 ha cà phê và đã được cấp chứng chỉ sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGap.
Nhằm hỗ trợ một số hợp tác xã khác và nông dân cùng phát triển kinh tế, Hợp tác xã Trường Tiến đang triển khai chuyển giao, tư vấn khoa học kỹ thuật, cung cấp giống, với tổng diện tích 260 ha cam, bưởi da xanh tại các huyện Sông Mã, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp, Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn và thành phố Sơn La. Với tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, đến nay, cựu chiến binh Hoàng Văn Chất không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ nhiều hộ dân trong bản, xã xóa đói, giảm nghèo, từng bước phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Theo ông Lò Văn Khửn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn: Cựu chiến binh Hoàng Văn Chất luôn tích cực tham gia quyên góp, ủng hộ công sức, tiền cho các hoạt động phong trào, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 15 lao động, với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho các cựu chiến binh và nhân dân trong xã.
Ông Đèo Đức Thun, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mai Sơn nhận xét: Thời gian qua, cựu chiến binh Hoàng Văn Chất luôn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống, tích cực tìm tòi, học hỏi, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Ông sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ lao động không có việc làm, hội viên Hội cựu chiến binh nghèo, tích cực tham gia các hoạt động phong trào của địa phương, có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội.
Với những đóng góp trên, ông nhiều lần được các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể Trung ương, tỉnh Sơn La, huyện Mai Sơn biểu dương, khen thưởng.