Có lẽ cũng bởi thế mà họ cùng đoàn tụ dưới một mái ấm mang tên “Làng trẻ em SOS Thái Bình” và dành cho nhau sự quan tâm, yêu thương như để bù đắp những thiệt thòi đã qua…
Chị Phạm Thị Hằng chăm sóc bé Phạm Ngọc Bảo Anh tại làng trẻ em SOS Thái Bình. |
Làng trẻ em SOS Thái Bình là ngôi làng thứ 16 tại Việt Nam. Làng bắt đầu xây dựng từ tháng 5/2013 trên khuôn viên rộng gần 3 ha với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng. Làng hoạt động dựa trên nền tảng gia đình với nguyên tắc sư phạm của Làng trẻ em SOS quốc tế.
Hiện Làng trẻ SOS Thái Bình có 14 ngôi nhà được đặt tên theo các loài hoa như hoa hồng, hoa đào, hoa thược dược… do 14 mẹ phụ trách. Mỗi mẹ nhận chăm sóc từ 4 đến 8 trẻ nhỏ. Dù khó khăn, vất vả nhưng niềm vui của con trẻ cũng là hạnh phúc của những người phụ nữ nơi đây.
Ngôi nhà số 4 mang tên “Hoa đào” của 8 mẹ con chị Dương Thị Yên là một trong những ngôi nhà khá đặc biệt. Những đứa con của chị đều đang ở độ tuổi đi học, đứa lớn nhất học lớp 9, nhỏ nhất cũng chuẩn bị bước vào lớp 1. Nhà đông con, mỗi đứa mỗi tính nết nhưng 5 năm nay chị vẫn một mình đảm đang nuôi dạy, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ hàng ngày cho những đứa trẻ.
Chị Yên chia sẻ, bản thân mình là người độc thân, không có gia đình riêng nên dành toàn bộ thời gian chăm sóc cho bọn trẻ. Những ngày đầu khi mới vào làng, tiếp xúc với môi trường mới, nhiều bé khóc ngặt cả ngày đêm. Nhìn trẻ, các mẹ, các dì đều thương. Dần dần, sự gần gũi của những người mẹ trong làng đã giúp các bé hòa nhập với cuộc sống mới, gia đình mới.
Trong ngôi nhà của chị Yên, cá biệt có 3 anh em ruột Trần Văn Nam (8 tuổi), Trần Thu Trang (6 tuổi) và Trần Ngọc Thư (5 tuổi) cùng chung sống. Do bệnh tật nên bố mất sớm, mẹ bị tâm thần không có khả năng lao động, từ nhỏ các em sống chung với ông bà ngoại. Rồi ông bà cũng ngày một già yếu, không thể chăm lo được cho 3 đứa trẻ đến tuổi ăn, tuổi học. May mắn được người quen giới thiệu đến Làng trẻ em SOS Thái Bình, năm 2016 bà đã gửi cả ba cháu vào làng nhờ chăm sóc, nuôi dưỡng.
Những trẻ em trong làng đều có hoàn cảnh rất khó khăn, có trẻ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng, có trẻ bơ vơ khi cha mẹ vướng vòng lao lý, không thể nuôi dạy con, hay có trẻ cha mẹ bệnh tật, qua đời sớm…
Sự thiệt thòi, kém may mắn của những đứa trẻ nơi đây khiến những người mẹ, người dì trong làng cảm động và càng ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc nuôi dạy những đứa con không mang nặng đẻ đau, không chung dòng huyết thống. Qua năm tháng chăm sóc, dạy dỗ, tình mẫu tử giữa những đứa trẻ và những người phụ nữ cứ thế nhân lên một cách tự nhiên..
Không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa, do hoàn cảnh khó khăn nên bé Dương Thùy Kiều Linh được gia đình gửi vào Làng trẻ em SOS Thái Bình từ khi em lên 6 tuổi. Đến với ngôi nhà mới, Kiều Linh được các mẹ chăm sóc và được đi học, vui chơi cùng bạn bè - điều mà trước đây em luôn ao ước.
Kiều Linh chia sẻ, ở đây em có mẹ và các em. Dù không chung bố mẹ sinh ra, nhưng chị em trong nhà đều thương yêu, nhường nhịn nhau như ruột thịt. Mọi chuyện vui buồn hai mẹ con đều tâm sự và mẹ sẽ chỉ cho em thế nào là đúng, là sai. Đây cũng chính là gia đình thứ hai, là điểm tựa cho em trong hành trình cuộc sống.
Chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của trẻ em tại Làng trẻ em SOS Thái Bình, bà Đặng Thị Loan (xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng) cảm thấy yên tâm khi gửi hai cháu ngoại vào đây, nhờ các mẹ, các dì chăm sóc. Bà cho biết, không may bố các cháu bị tai nạn giao thông và qua đời, mẹ bỏ đi mất tích nên hai cháu ở với bà ngoại. Mấy năm nay, bà lo lắng cho tương lai hai đứa trẻ khi sức khỏe của bà ngày càng yếu, kinh tế eo hẹp, lại thiếu vắng tình cảm thương yêu của cha mẹ. Nay có Làng trẻ em SOS giúp đỡ, chăm sóc nên bà yên tâm hơn nhiều.
Làng trẻ em SOS Thái Bình hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 104 trẻ em tại 14 nhà gia đình, trong đó có 5 trẻ đang theo học bậc trung học phổ thông và 11 trẻ học bậc mầm non. Giám đốc Làng trẻ em SOS Thái Bình Nguyễn Văn Tân cho biết, hiện nay Làng trẻ em SOS Thái Bình đang áp dụng phương pháp sư phạm cộng đồng làng và gia đình theo mô hình chung của Làng trẻ em SOS Quốc tế.
Tất cả trẻ em trong Làng SOS đảm bảo được nuôi dưỡng, giáo dục, phát triển thể lực và trí lực. Năm học 2017 - 2018, Làng có 13 học sinh giỏi, 55 học sinh khá ở cả ba bậc học: Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Đây cũng là thành quả và nỗ lực phấn đấu của các con và các mẹ, các dì trong Làng.
Để giúp trẻ xác định, lựa chọn được con đường phát triển, Làng trẻ em SOS Thái Bình đã thực hiện tư vấn, định hướng nghề nghiệp đối với những học sinh bậc Trung học phổ thông. Ngoài ra, thực hiện Chương trình chăm sóc trẻ tại cộng đồng do Văn phòng SOS Việt Nam phát động, đến nay Làng trẻ em SOS Thái Bình đã hỗ trợ, giúp đỡ 210 trẻ em tại các huyện trên địa bàn tỉnh.
Những hoạt động chăm lo, bảo vệ trẻ em nói chung và hoạt động tại làng trẻ em SOS Thái Bình nói riêng đã góp phần chia sẻ và thể hiện trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước, đồng thời giúp các em có môi trường, điều kiện sống tốt hơn.