Trăn trở vì sức khoẻ cộng đồng
Tôi gặp PGS.TS Trương Thanh Hương, giảng viên cao cấp trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Trưởng phòng Q2 tim mạch nhi và tim bẩm sinh (Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai) vào một ngày đầu năm khi bà đang bận rộn với rất nhiều dự định, kế hoạch cho các công trình nghiên cứu y khoa và công tác chuyên môn. Sự nhiệt huyết, đam mê công việc nghiên cứu khoa học dễ nhận ra qua ánh mắt, cử chỉ của một người vừa là thầy thuốc vừa là giảng viên đại học đã dìu dắt bao thế hệ y bác sĩ trưởng thành.
Biết chúng tôi tìm đến gặp bà nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), tìm hiểu về Giải thưởng Kovalevskaia, bà đã hồ hởi: “Tất cả tiền giải thưởng tôi sẽ để dành hết cho những công trình nghiên cứu sắp tới”.
Ở gần PGS.TS Trương Thanh Hương, chúng tôi như cảm nhận được trái tim của người thầy thuốc trong mọi nỗ lực cố gắng để mang đến sức khoẻ cho người dân. Từ sự quan tâm, điều trị người bệnh đến những trăn trở để tìm ra những giải pháp ngăn chặn dịch bệnh...
Công việc của một bác sĩ, thực tế khám và điều trị cho người bệnh trong hành trình đi nhiều nơi đã cho PGS.TS Trương Thanh Hương những ý tưởng nghiên cứu có tính ứng dụng cao, ý nghĩa lớn với lĩnh vực y tế. Bà dám nghĩ, dám làm khi tự tin đi “mở lối”, xây nền móng cho những nghiên cứu, phương pháp điều trị mới dù “không có gì trong tay” ngoài kiến thức và tâm huyết với người bệnh.
Nổi bật nhất có thể kể đến như công trình “Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam” do bà chủ trì đã xây dựng thành công mô hình sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam và chuyển giao đến các cơ sơ y tế.
Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên về bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam, đã thực hiện giải trình tự gen thành công cho 128 người, trong đó 63 người được phát hiện có đột biến gen gây bệnh; đã có ứng dụng ngay vào xây dựng quy trình phát hiện và quản lý bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Công trình nghiên cứu đã được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu vào tháng 2/2020; ngay lập tức đã được chuyển giao và hỗ trợ thiết lập mạng lưới quản lý bệnh lý này tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Tĩnh, Thái Bình.
Đến nay, công trình đã sàng lọc được cho hàng nghìn người có nguy cơ mắc bệnh, lần đầu tiên hàng chục phả hệ đã được tư vấn di truyền bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam. Đặc biệt, khi công trình này được áp dụng rộng khắp, số bệnh nhi được phát hiện mắc bệnh đã tăng lên nhanh chóng.
Chia sẻ về công trình tâm huyết của mình, PGS.TS Trương Thanh Hương cho biết: “Từ năm 2014, khi các nước trên thế giới bắt đầu quan tâm đến bệnh tăng cholesterol máu gia đình, tôi đã xin kết nạp ngay vào các Hội nghiên cứu trong khu vực và thế giới. Quá trình điều trị cho người bệnh, đi khám chữa bệnh ở nhiều vùng, miền với những kinh nghiệm thực tế tích luỹ, tôi bắt đầu đưa vấn đề này vào các hội nghị, hội thảo chuyên ngành, vào bài giảng tại Trường Đại học Y Hà Nội và cũng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các đồng nghiệp, học trò. Năm 2016, khi đề tài “lên khuôn” thành đề án trình Bộ Y tế đã thuyết phục được Hội đồng chuyên môn và sau đó đưa vào triển khai nghiên cứu”.
Trong quá trình nghiên cứu, điều trị, PGS.TS Trương Thanh Hương có nhiều ấn tượng với các bệnh nhân mắc căn bệnh này; trong đó có 1 bệnh nhân nhi (ở Ninh Bình) mắc bệnh tăng cholesterol máu gia đình thể đồng hợp tử. Nhìn đứa trẻ mới 9 tuổi đã phải đặt stent mạch vành, phải áp dụng biện pháp lọc mỡ máu; trong khi gia đình cũng có bố, mẹ và người chị ruột của bệnh nhi đều bị mắc rối loạn tăng cholesterol máu, càng khiến người thầy thuốc trăn trở phải tìm ra các biện pháp ngăn chặn nguồn gen bệnh lây lan, quản lý ca bệnh trong cộng đồng.
Hay như có gia đình ở Tuyên Quang, khi kiểm tra thì cả 2 vợ chồng đều mắc bệnh và điều đặc biệt là trong số 11 người con thì có tới 9 người mang gen bệnh. Trong đó, có 4 người con có biểu hiện bệnh nặng dạng đồng hợp tử, các xét nghiệm gen này đều được khẳng định bởi phòng xét nghiệm uy tín tại Australia. Việc này là cần thiết, bởi khác với bệnh tăng cholesterol máu thông thường, bệnh tăng cholesterol máu gia đình di truyền là hệ quả của đột biến gen gây ảnh hưởng đến quá trình đào thải cholesterol xấu ra khỏi huyết tương.
Đặc biệt, trẻ em mang đột biến này dù thể nặng hay nhẹ thì nồng độ cholesterol xấu cũng tăng cao đáng kể từ khi mới sinh ra, âm thầm diễn biến dẫn đến các biến chứng nặng nề như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, xơ vữa động mạch, thậm chí gây tử vong. Nếu cha hoặc mẹ mang đột biến gây bệnh thì nguy cơ mắc bệnh ở con lên tới 50%.
Chính những lần “vấp” phải các trường hợp bệnh nhân như vậy, càng thôi thúc PGS.TS Trương Thanh Hương nghiên cứu tiến tới xây dựng thành công mô hình sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam.
Đây là công trình có ý nghĩa rất quan trọng khi ước tính tại Việt Nam có gần 500.000 bệnh nhân mắc bệnh này. Khi được tiếp cận chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh tối ưu, sẽ giảm chi phí điều trị biến chứng; quản lý và chăm sóc bệnh lý di truyền này giúp phát hiện sớm nguồn gen bệnh, ngăn ngừa phát tán trong cộng đồng.
Tuy nhiên, để có được thành quả ấy là biết bao khó khăn phải trải qua, có nhiều khó khăn không chỉ là vật chất.
“Đôi khi, thuyết phục được người dân tham gia vào quá trình nghiên cứu là vấn đề vô cùng khó. Đặc biệt, đây lại là căn bệnh di truyền, có những gia đình đã phát hiện ra ca bệnh chỉ điểm nhưng họ không hợp tác. Có người còn sợ hãi thắc mắc: “Bệnh gì mà mang cả họ ra khám?”, họ sợ con em họ sẽ khó lập gia đình… những lo lắng này cũng là điều dễ hiểu", PGS.TS Trương Thanh Hương cho biết.
Cũng theo PGS.TS Trương Thanh Hương, để người dân hợp tác, bà đã mất rất nhiều thời gian, có những khi phải tìm mọi kênh để kết nối, phối hợp với cán bộ y tế cơ sở, các vị trưởng họ để dễ làm việc. Có những khi mất thời gian xuống địa bàn rồi lại chịu “về tay không”, nhưng với quyết tâm không được bỏ cuộc, bằng tình cảm của người thầy thuốc, dần dần bà cũng gắn bó được với người dân, sau quá trình làm nghiên có những gia đình thậm chí còn quý mến tới mức coi nhau như người thân.
Với đề tài nghiên cứu nào cũng vậy, hay điều trị cho người bệnh, mỗi việc làm đều là sự nỗ lực hết mình của người thầy thuốc tận tâm, luôn tìm cách bứt phá, hoàn thiện mình để phục vụ người bệnh.
Là một trong hai bác sĩ nội trú tim mạch khóa đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội, có cơ hội tiệp cận, đào tạo một cách bài bản tại các trung tâm y khoa của thế giới; đặc biệt từng được cử sang Pháp đi học về tim mạch học lâm sàng và siêu âm - Doppler tim, với chuyên môn dày dặn, PGS.TS Trương Thanh Hương luôn tự tin dám đưa ra các ý tưởng nghiên cứu mới.
Từ năm 1997, khi trở về nước, với những kiến thức đã học hỏi được cùng thực tiễn lâm sàng điều trị hàng ngày, BS. Trương Thanh Hương đã nhìn ra xu hướng gia tăng bệnh tăng huyết áp và rối loạn lipid máu tại Việt Nam trong tương lai; nhất là trong bối cảnh sau chiến tranh, kinh tế đã được khôi phục, điều kiện về vật chất, ăn uống của người dân tốt hơn, cuộc sống thuận tiện hơn sẽ hình thành thói quen giảm vận động có hại cho sức khoẻ. Trong hoàn cảnh đó, BS. Trương Thanh Hương đã nghĩ đến việc cần nghiên cứu về các rối loạn lipid máu để đón đầu xu hướng bệnh tật trong tương lai.
Mở đường, đi vào khoảng trống chưa có người nghiên cứu, lúc đó, ý tưởng này chưa nhận được ngay sự đồng tình của một số giáo sư. Tuy nhiên với quyết tâm thực hiện cùng với sự ủng hộ của thầy Phạm Gia Khải, Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch, đề tài đã thuyết phục được Hội đồng khoa học.
Là lĩnh vực nghiên cứu mới nên trong quá trình triển khai đã gặp không ít khó khăn về tìm nguồn hóa chất làm xét nghiệm, gửi bệnh phẩm để làm xét nghiệm... BS. Trương Thanh Hương đã phải tìm mọi cách để đàm phán với các công ty dược và xin được nguồn cung cấp hóa chất miễn phí; rồi lại thuyết phục lãnh đạo khoa Hoá sinh của Bệnh viện Bạch Mai để được triển khai kỹ thuật xét nghiệm lipid máu. Nhờ việc xét nghiệm này đã đưa ra được những chỉ số rất quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh, xác định rối loạn lipid máu để qua đó có phác đồ điều trị chuẩn cho từng thể trạng bệnh nhân.
Cống hiến vô tư, hết mình cho khoa học
Tiếp xúc với PGS.TS Trương Thanh Hương mới cảm được sự nhiệt huyết, cháy hết mình vì công việc, vì khoa học của một chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực tim mạch.
Đi đầu, mở lối nghiên cứu khoa học của PGS.TS Trương Thanh Hương không hề đơn giản, nhiều công trình đã phải đánh đổi bằng sự nỗ lực vượt khó; nhất là sự cống hiến vô tư, chẳng màng hơn - thiệt mới có ngày hái “quả ngọt”.
PGS.TS Trương Thanh Hương chia sẻ: “Khi đề tài “Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam” được duyệt với tôi đã là thành công bước đầu vì mình đã được tin tưởng lựa chọn. Tuy nhiên sau bước khó khăn nhất đó lại là bước khó khăn tiếp theo khi công trình này chúng tôi không có nguồn kinh phí hỗ trợ và phải tự túc hoàn toàn. Nhưng đã quyết tâm là phải thực hiện, tôi phải tự tìm nguồn kinh phí để có điều kiện làm. Lúc đó tôi nghĩ chỉ cần mình mạnh dạn đứng ra sẽ có người đồng hành với mình chứ không thể ngồi “thở vắn than dài”.
PGS.TS Trương Thanh Hương còn nhớ như in những ngày đầu tiên triển khai đề tài. Vì khó khăn nên đã nghĩ đến việc huy động sự hỗ trợ của gia đình. Và may mắn gia đình bà đều là những người có tinh thần vì cộng đồng nên cùng với những thuyết phục trước đó, bà chỉ “hô hào một tiếng” người thân, anh em trong gia đình đã hỗ trợ “mỗi người một tay”.
“Tôi rất may mắn khi được mọi người ủng hộ, người thân thì đóng góp, hỗ trợ các chuyến xe đi thực tế, người thì lo bữa ăn cho chúng tôi khi đến các địa bàn nghiên cứu… Khi đến làng, xã, đi đến đâu cũng được người quen giúp đỡ. Nhờ đó, nhóm nghiên cứu luôn được hỗ trợ tối đa để làm việc. Cho đến việc gửi mẫu xét nghiệm gen đi nước ngoài, nếu tính chi phí tới vài chục triệu đồng/mẫu nhưng tôi cũng có mối quan hệ với các bạn Việt kiều nên họ lại nhận mang đi giúp, thậm chí gửi mẫu đến tận nơi”, PGS.TS Trương Thanh Hương chia sẻ.
Có được sự hỗ trợ ấy cũng là nhờ những mối quan hệ tốt đẹp, sự nể phục của mọi người mà bà đã xây dựng được trong quá trình làm việc bằng uy tín của cá nhân mình.
“Những lúc được mọi người ủng hộ tôi lại thấy mình mạnh mẽ hơn rất nhiều vì thấy được niềm tin yêu vô bờ bến mà mọi người dành cho mình. Và cùng với đồng nghiệp, học trò vượt khó tôi cũng thấy được sự yêu thích, say mê công việc của các em, tạo cơ hội cho các em biết đoàn kết, thương yêu lẫn nhau và trưởng thành hơn”.
Luôn đặt mục tiêu lồng ghép giữa các nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy và điều trị bệnh cho bệnh nhân là một chứ không tách rời, PGS.TS Trương Thanh Hương luôn có một “đàn” học trò bên cạnh, trưởng thành từ chính những nhiệm vụ khoa học ấy.
Từ các ý tưởng nghiên cứu, những kinh nghiệm thực tế luôn được PGS.TS Trương Thanh Hương đưa vào các bài giảng, tạo nguồn cảm hứng nghiên cứu khoa học cho học trò đến việc luôn “mang” theo các bác sĩ trẻ, các em sinh viên cùng tham gia các công trình nghiên cứu, đề tài cơ sở đó là những bài học thực tế quý giá về ứng dụng các kiến thức đã học chứ không chỉ dựa trên kết quả trong labo; sự chia sẻ ấy là sự “đồng hành để cùng đi xa hơn”, PGS.TS Trương Thanh Hương tin tưởng.
Với định hướng nghiên cứu chính là lĩnh vực Bệnh lý tim mạch bẩm sinh và di truyền, Dược lý học di truyền trong cá thể hóa điều trị bệnh tim mạch, Phát triển các kỹ thuật mới về siêu âm tim, điện tim, PGS.TS. Trương Thanh Hương từng tham gia và chủ trì 19 đề tài khoa học các cấp, công bố 75 bài báo khoa học trong và ngoài nước. Bà cũng tham gia đào tạo cho nhiều học viên, tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa và là chủ biên và thành viên soạn thảo của 20 giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu y khoa có giá trị.
“Dự định, mong muốn của tôi thì còn nhiều, nhưng trước mắt tôi chỉ mong có sức khoẻ, tinh thần tốt để đi mãi con đường của mình. Tôi không nghĩ nghề của mình là vất vả vì nghề nào cũng cao quý, cũng có những khó khăn, nguy hiểm riêng. Với tôi được ngày đêm ở bên người bệnh, có được sự tin yêu của người bệnh đã là thành quả hết sức đáng quý”, PGS.TS Trương Thanh Hương tâm sự.