Họ là những nhân viên công tác xã hội, những người hàng ngày dù phải đối mặt với cảnh “làm dâu trăm họ” nhưng vẫn cần mẫn gom nhặt nụ cười, thắp lên niềm hy vọng cho những hoàn cảnh khó khăn.
Những pha “cứu thua” ngoạn mục
Mùng 7 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngày đầu tiên quay trở lại công việc sau kỳ nghỉ Tết, Thạc sỹ Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh) nhận được thông tin từ Khoa Hồi sức tích cực về trường hợp bệnh nhân Nguyễn Tấn Cường, 14 tuổi, học sinh lớp 7 bị viêm cơ tim cấp, suy đa cơ quan nguy kịch cần phải chạy ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể). Tuy nhiên, chi phí 140 triệu đồng vượt quá khả năng của gia đình em. Ngay lập tức, vận dụng những mối quan hệ với các nhà hảo tâm quen biết cũng như thông qua các cơ quan báo chí, anh Hiển đã kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng. Chỉ chưa đầy hai ngày sau, 120 triệu đồng đã được các nhà hảo tâm hỗ trợ chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy và cậu bé Nguyễn Tấn Cường đã được cứu sống kịp thời.
Trước đó, chị Hương, một nữ bệnh nhân đến từ tỉnh Bình Thuận cũng được hồi sinh nhờ pha cứu thua tương tự. Bị suy tim giai đoạn cuối, tháng 4/2018 chị được phẫu thuật ghép tim khi số tiền gom góp được chỉ vỏn vẹn 15 triệu đồng. Nhờ sự vào cuộc vận động của Phòng Công tác xã hội, toàn bộ chi phí phẫu thuật và điều trị gần 200 triệu đồng đã được các nhà hảo tâm từ khắp cả nước trợ giúp. Đây là hai trong nhiều trường hợp được “cứu thua” bằng sự vận động, kêu gọi của Phòng Công tác xã hội thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy trong 10 năm qua.
Thạc sỹ Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, từ khi mới chỉ là một đơn vị y xã hội nhỏ bé, đến nay sau 10 năm Phòng Công tác xã hội đã kêu gọi vận động hỗ trợ được cho hàng trăm lượt bệnh nhân với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. “Nguyên tắc của chúng tôi là khi không có bế tắc trong y khoa nhưng có bế tắc trong hoàn cảnh thì Phòng Công tác xã hội sẽ vào cuộc. Có những trường hợp khó khăn tưởng như phải buông tay nhưng bệnh nhân vẫn được cứu, mỗi lần như thế nghĩa là một cuộc đời được hồi sinh, một gia đình được trọn vẹn”, thạc sỹ Lê Minh Hiển chia sẻ.
Còn anh Ngô Văn Minh, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Quận 2, lại nhớ như in trường hợp bệnh nhân Lê Minh Trí, một nạn nhân tai nạn giao thông được đưa vào cấp cứu trong tình trạng tổn thương đa cơ quan vào năm 2017. Sau khi cấp cứu, bệnh nhân phải trải qua ba lần phẫu thuật và 4 bốn tháng nằm ở Phòng hồi sức tích cực, chi phí điều trị dần tăng lên gần 500 triệu đồng. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể chi trả, Bệnh viện đã đứng ra kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và cuối cùng bệnh nhân đã được hỗ trợ gần như toàn bộ chi phí điều trị. “Đến giờ bệnh nhân đã khỏe mạnh, làm việc bình thường, thỉnh thoảng tái khám và có đến thăm chúng tôi, chúng tôi rất vui vì đã góp sức hỗ trợ em trong lúc ngặt nghèo”, anh Minh chia sẻ.
Làm dâu trăm họ
Không chỉ vận động, kêu gọi hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, những người làm công tác xã hội bệnh viện còn trở thành người đồng hành đáng tin cậy mỗi khi người dân đến bệnh viện. Bất cứ ngóc ngách nào trong bệnh viện cũng đều có mặt của nhân viên công tác xã hội. Họ hướng dẫn bệnh nhân đến khám bệnh đúng nơi, hỗ trợ người bệnh thực hiện đầy đủ các thủ tục giấy tờ như bảo hiểm y tế, giúp tìm lại giấy tờ thất lạc… “Mỗi năm chúng tôi lại nghĩ ra thêm một hình thức hỗ trợ người bệnh. Mới đây nhất là triển khai thêm một quầy hướng dẫn tại Khoa cấp cứu và một tủ thu gom giấy tờ thất lạc của bệnh nhân. Chúng tôi nhận được phản hồi rất tốt từ người bệnh”, anh Lê Minh Hiển hồ hởi cho biết.
Tại Bệnh viện Quận 2, sau ba năm thành lập, Phòng Công tác xã hội của bệnh viện hiện có 22 nhân sự, được phân thành những bộ phận riêng biệt, hoạt động chuyên nghiệp như: bộ phận chăm sóc khách hàng, khám sức khỏe, truyền thông, vận động tài trợ, tiếp dân, khảo sát hài lòng người bệnh… Tác phong nhanh nhẹn, nụ cười thường trực trên môi, hướng dẫn người bệnh tận tình là chân dung về những nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện. Một ngày của nhân viên công tác xã hội bệnh viện bắt đầu từ 5 giờ sáng và khi bác sỹ kết thúc việc khám bệnh, bệnh nhân cuối cùng ra về trong hài lòng thì công việc của người làm công tác xã hội bệnh viện mới kết thúc. “Người làm công tác xã hội không chỉ là người đồng hành với bệnh nhân mà còn là cầu nối giữa bác sỹ với bệnh nhân, giữa bệnh viện với bệnh nhân”, anh Trần Quang Châu, Trưởng Phòng Công tác xã hộ (Bệnh viện Quận 2), nhìn nhận.
Mặc dù vậy, không ít lần những người làm công tác xã hội ở bệnh viện không tránh khỏi gặp chuyện “thị phi”. “Chuyện người dân không hiểu hết quy trình khám bệnh hay vướng thủ tục bảo hiểm y tế, quay qua chửi mắng cả mình diễn ra như cơm bữa”, anh Đào Xuân Bình, nhân viên Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Quận 2) chia sẻ. Còn chị Nguyễn Thị Phượng Liên, phụ trách quầy hướng dẫn tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, thì luôn mỉm cười, nhẫn nại trước những phản ứng thái quá của thân nhân người bệnh: “Mình luôn đặt mình vào vị trí của thân nhân người bệnh vì họ đang rất bối rối, lo lắng khi người nhà của mình ở trong phòng cấp cứu để thấu hiểu và cảm thông, hỗ trợ họ giải quyết các thủ tục giấy tờ một cách nhanh chóng nhất”.
Ngay cả Thạc sỹ Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng không ít lần bị một số người gây hấn vì “dám” từ chối không cho họ vào bệnh viện phát cơm. “Hiện bệnh viện đã có hơn 4.000 suất ăn sáng, trưa, chiều được phát mỗi ngày nên chúng tôi không nhận thêm cơm từ thiện nữa vì nhận nữa sẽ thừa. Chúng tôi đã khuyên nhà hảo tâm chuyển sang hình thức hỗ trợ khác như phát sữa chẳng hạn chứ chưa bao giờ gây khó dễ với thiện ý của người khác”, anh Hiển chia sẻ.
Thậm chí mới đây Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy còn bị người nhà một nữ bệnh nhân ở Tây Ninh nghi ngờ “ỉm” 50 triệu đồng mà Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ cho bệnh nhân này. Tuy nhiên, theo anh Lê Minh Hiển, thực tế số tiền đó đã được chuyển trả lại cho nhà hảo tâm do bệnh nhân không thực hiện phẫu thuật và gần hai triệu viện phí của bệnh nhân đã được bệnh viện hỗ trợ hoàn toàn. “Đứng trước sự nghi ngờ của một số người, mình buồn lắm nhưng cuộc sống mà, người ta có quyền nghi ngờ vì chỗ này chỗ kia còn có những sự gian dối, lấp liếm. Nhưng cái tâm của người làm công tác xã hội là phải minh bạch, rõ ràng và luôn tỉnh táo. Những bệnh nhân nào cần được hỗ trợ, hỗ trợ đến đâu cần phải xác minh kỹ để vừa không bỏ sót, bỏ lọt những người cần được giúp đỡ nhưng cũng không để một số người lợi dụng lòng tốt của người khác”, anh Hiển bộc bạch.
“Làm dâu trăm họ” và đi qua không ít niềm vui nỗi buồn của nghề công tác xã hội trong bệnh viện, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy Lê Minh Hiển vẫn không nản lòng: Nếu được chọn lại, mình vẫn chọn công việc này bởi ở đây mình thấy cuộc đời thật ý nghĩa, mỗi ngày có thể mang lại cho người bệnh một chút niềm vui, một chút hài lòng, một tia hy vọng. Dẫu đâu đó ngoài kia vẫn còn những tranh giành, đấu đá... thì nơi đây vẫn sáng tình người.