Thương binh Nguyễn Xuân Thủy làm cỏ tại vườn cà phê. |
Sinh năm 1955 tại thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, sau khi học hết lớp 10 năm 1971, ông Thủy thi đỗ Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Song theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông không đi học mà ở lại quê hương, tham gia đội du kích trực chiến chống máy bay tầm thấp của Đế quốc Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai.
Đến giữa năm 1972, ông Thủy viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đầu năm 1973, ông theo đơn vị hành quân vào huyện Lộc Ninh (thuộc tỉnh Bình Phước hiện nay), sau đó về Bình Thuận, tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 130 Pháo binh, từ năm 1973 đến năm 1975.
“Trong thời gian chiến đấu, tôi hai lần bị thương. Lần đầu vào tháng 12/1974 trong cuộc tấn công giải phóng huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Tuy trước đây. Một lần khác, khi tôi tham gia chiến dịch giải phóng huyện Hoài Đức, tỉnh Bình Tuy thì hầm bị sập. Do sức ép của pháo, bị cây cối đè lên nên tôi bị thương khá nặng”, ông Thủy nhớ lại. Cũng từ đây, hai tai của ông bị chấn động, ảnh hưởng tới việc nghe.
Nỗi đau về thể xác vẫn không thể so sánh với nỗi đau về tinh thần, khi cả ba người con của ông đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Người con gái đầu sinh năm 1987 của ông bị mỏng giác mạc, cận bẩm sinh; người con gái thứ hai sinh năm 1989 và người con trai út sinh năm 1991 bị ảnh hưởng nặng, không thể đi học và nói chuyện bình thường như những đứa trẻ khác.
“Các con tôi tuy bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nhưng tôi cảm thấy vẫn may mắn hơn nhiều người. Con gái lớn chỉ bị cận bẩm sinh, con gái thứ hai vẫn hỗ trợ được bố mẹ việc nhà”, ông Thủy chia sẻ.
Thấu hiểu nỗi đau đó, sau khi nghỉ hưu vào năm 2002, ông Thủy tham gia Hội Cựu chiến binh huyện Chư Sê, rồi giữ chức Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê năm 2006. “Làm cha của những đứa con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả của những người có hoàn cảnh như tôi, chính vì vậy tôi muốn chia sẻ, giúp họ vơi bớt khó khăn”, ông Thủy nói.
Theo đó, mặc dù đã ngoài 60 tuổi, song ông Thủy vẫn thường xuyên đến cơ quan làm việc và sẻ chia, giúp đỡ những người không may bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam như ông.
Những năm qua, thương binh Nguyễn Xuân Thủy và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê thường xuyên tổ chức đi thăm hỏi, động viên, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn. Ngoài ra, ông cũng tích cực vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp vào Quỹ “Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam” của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê. Đặc biệt, trong các năm 2015 và 2016, Quỹ “Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam” đã vận động được 500 - 600 triệu đồng.
Nhằm giúp đỡ gia đình nạn nhân chất độc da cam có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, ông Nguyễn Xuân Thủy và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê đã thực hiện các chương trình hỗ trợ vay vốn. Từ năm 2015 đến nay, 36 gia đình nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn được hỗ trợ vay vốn sản xuất, chăn nuôi. Đến cuối năm 2016, có 7 gia đình nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thoát nghèo bền vững.
Ngoài làm việc tại Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê, thương binh Nguyễn Xuân Thủy cũng gia tăng sản xuất, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Từ 4.000 m2 cà phê trồng năm 1987, hai vợ chồng ông cố gắng dành dụm để mua thêm đất sản xuất. Đến nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về từ 300 - 400 triệu đồng.
“Tuy đã có tuổi nhưng tôi cảm thấy mình vẫn khỏe, còn có thể cống hiến được. Tôi sẽ tiếp tục làm việc, sẻ chia cùng những người lầm vào cảnh khó, giúp họ thêm nghị lực để vượt qua nỗi đau trong cuộc sống”, ông Thủy chia sẻ.
Bà Lê Thị Ngọc, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Chư Sê cho biết, tuy là thương binh, hưởng chế độ của người bị ảnh hưởng chất độc hóa học song ông Nguyễn Xuân Thủy luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào.
Làm việc tại Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê, ông Thủy đã tích cực vận động quỹ để giúp đỡ về nhà ở, phát triển kinh tế cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Ông là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo.