Đầu tháng 12/2019, men theo những con đường nhỏ giữa rừng cao su bạt ngàn của tỉnh Bình Phước, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Nhân Ái trong cái nắng đổ lửa. Nằm chênh vênh trên sườn đồi giữa bạt ngàn cao su, cây cối, Bệnh viện Nhân Ái như một thế giới biệt lập với bên ngoài bởi nơi đây điều trị cho đối tượng bệnh nhân rất đặc biệt - bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
“Khu nghỉ dưỡng” của bệnh nhân nhiễm AIDS
“Chào mừng các bạn đến với resort Nhân Ái - Khu nghỉ dưỡng tuyệt vời dành cho những bệnh nhân HIV”, lời giới thiệu bông đùa, dí dỏm của Bác sỹ Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái đã phần nào xua cảm giác u ám trước khi chúng tôi đặt chân đến đây.
Với diện tích 170 ha, Bệnh viện Nhân Ái nằm trên một ngọn đồi trải dài hơn 1,5 km thuộc địa bàn xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Dưới chân đồi là hồ nước thơ mộng thỉnh thoảng mang tới làn gió mát xua tan đi cái nóng bức của vùng đất Đông Nam Bộ những ngày cuối năm. Thật ngạc nhiên khi đây lại là nơi điều trị, chăm sóc cho những bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối.
Ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là hình ảnh khuôn viên xanh mát của bệnh viện, hàng trăm bệnh nhân tham gia sinh hoạt tập thể hết sức náo nhiệt. Người khỏe mạnh sẽ phụ nhân viên bệnh viện nhổ cỏ, chăm sóc cây kiểng, người yếu hơn tản bộ thư thái. Dưới những căn chòi lá, một nhóm bệnh nhân ngồi ôm đàn hát vu vơ. Khung cảnh thanh bình yên ả lạ thường, có lẽ nếu không có những bộ đồng phục, ít ai nghĩ rằng đây lại là bệnh viện cũng những con người mang trong người "án tử".
Được thành lập từ năm 2006, Bệnh viện Nhân Ái là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của TP Hồ Chí Minh đảm nhận nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là chăm sóc và điều trị miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS, cung cấp dịch vụ y tế, điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng virus HIV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác. Nơi đây đã từng chăm sóc, điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối trước khi họ trở về với cát bụi.
Theo Bác sỹ Nguyễn Đức Long, Bệnh viện Nhân Ái hiện có 18 phòng/khoa, trong đó 7 khoa trực tiếp chăm sóc và điều trị bệnh nhân với quy mô 350 giường bệnh. Nơi đây đang điều trị, chăm sóc toàn diện cho gần 500 bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối.
“Nói chăm sóc toàn diện bởi bệnh nhân ở đây rất đặc thù, đều không có người thân, tất cả phó mặc cho nhân viên y tế từ tắm rửa, thay quần áo, ăn cơm, ăn cháo… đến những chuyện tâm tình buồn vui trong cuộc sống họ đều tìm đến nhân viên y tế. Lâu dần, họ coi nơi đây là nhà, mái nhà cuối cùng của cuộc đời họ”, Bác sỹ Long chia sẻ.
Khi bệnh viện là nhà, bác sỹ là người thân
“Đợt này, Thảo tăng được 2 kg, ăn ngon hơn, ngủ cũng ngon hơn, cô Tâm thấy Thảo giỏi không? - Dạ, chị giỏi quá, phải ăn nhiều mới khỏe nha chị. Cuối tuần này, Thảo đi mua quần áo mới, cô Tâm đi với Thảo không? - Đi chứ, Tâm đi lựa đồ giúp chị Thảo nhen”. Những lời tâm tình, thủ thỉ vô tình nghe được khi đi ngang qua một căn chòi nghỉ chân trong khuôn viên Khoa Nội 3 khiến chúng tôi ngạc nhiên. Vừa ngồi tết tóc cho bệnh nhân Lâm Thị Thu Thảo (50 tuổi), điều dưỡng Hoàng Thị Thanh Tâm vừa trò chuyện tâm tình như hai người bạn.
Cảnh tượng này có lẽ “hiếm có khó tìm” ở bất cứ cơ sở y tế nào nhưng lại trở nên quen thuộc tại Bệnh viện Nhân Ái. Dù chuyên điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV nhưng ở đây dường như không tồn tại khoảng cách giữa người bệnh và nhân viên y tế mà nhường chỗ cho tình bạn, tình thân.
“Vui nhất là có gần 300 nhân viên y tế nhưng đi đến đâu bệnh nhân cũng đều nhớ rõ tên từng người. Mỗi lần thấy mình đi ngang qua, bệnh nhân lại hỏi: Cô Tâm ăn cơm chưa? Cô Tâm hôm nay trông vui thế? Chỉ thế thôi mà mình cảm thấy rất vui và ấm áp”, điều dưỡng Hoàng Thị Thanh Tâm chia sẻ.
Ở ngoài khuôn viên là vậy còn trong phòng bệnh, một điều dưỡng đang thay tã, làm vệ sinh cho bệnh nhân Tạ Trung Ngọc phải nằm một chỗ vì quá yếu. Rơm rớm nước mắt xúc động, anh Tạ Trung Ngọc kể, anh được chuyển đến Bệnh viện Nhân Ái khi đã bước vào giai đoạn nặng, phải nằm một chỗ, vì thế mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ tới điều dưỡng.
“Tôi có gia đình của mình nhưng chưa từng được chăm sóc, làm vệ sinh chu đáo như vậy. Tôi bị bệnh là họ bỏ tôi luôn, vì thế ơn này của các cô tôi mang đến suốt đời”, anh Ngọc chia sẻ.
“Gia đình Nhân Ái” là cái tên trìu mến mà bệnh nhân đặt cho bệnh viện này. Bởi ở đây, họ được các nhân viên y tế chăm sóc đặc biệt từ miếng ăn đến giấc ngủ, chu đáo hơn cả với những người ruột thịt. Nơi đây vẫn luôn dang rộng vòng tay chào đón những con người bị xã hội, người thân chối bỏ, kỳ thị. Ở đây, họ gặp những người bạn đồng cảnh ngộ, lâu dần trở thành người thân, cùng dìu nhau vượt qua bóng đêm tăm tối. Trước khi qua thế giới bên kia, đây là nhà, là nơi sưởi ấm tâm hồn đầy mặc cảm, chốn bình yên nhất trong cuộc đời của những con người từng một thời lầm lỡ.
Ở đây, ngày Tết trở thành ngày sum họp đặc biệt của đại gia đình Nhân Ái. Dù hàng ngày phải đối diện với những cái chết được báo trước nhưng Tết đến ở Nhân Ái vẫn đủ đầy với việc gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, chưng cây đào, cây mai và cùng quây quần bên nhau đón đợi thời khắc năm mới đến.
Bác sỹ Nguyễn Đức Long chia sẻ: “Tết năm nào bệnh viện cũng tổ chức chương trình đón Xuân cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân. Chúng tôi ở bên họ trong khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, dành cho họ những lời chúc đầu năm chân thành nhất bởi họ cũng như bao người bình thường khác, Tết là thời khắc thiêng liêng và Tết nghĩa là vẫn còn hy vọng”.
Bài cuối: Hồi sinh khát vọng sống