TS. Ali Safarnejad của tổ chức UNAIDS Việt Nam phát biểu tại hội nghị. |
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, tính đến 30/4/2018, Hà Nội có gần 20.000 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, đứng thứ 2 toàn quốc, chiếm khoảng 10% tổng số người nhiễm HIV/AIDS cả nước, số lũy tích tử vong là gần 6.000 người.
Tất cả các quận, huyện của thành phố Hà Nội đều có nhiều người nhiễm HIV, 554/584 xã, phường, thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV, chiếm 94,9%. Đa số người nhiễm HIV được phát hiện trong độ tuổi trẻ, số người nhiễm HIV từ 25-49 tuổi chiếm 70%. Tỷ lệ nam giới nhiễm HIV mới được phát hiện là 70,6%, cao gấp 2,4 lần nữ giới (29,4%). Tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường máu, đường tình dục, đường mẹ con mới phát hiện trong 4 tháng đầu năm lần lượt là 36,9%; 63,1% và 0%. Khó khăn nhất hiện nay là tình trạng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục gia tăng mạnh, cộng thêm tính chất di biến động dân cư của Thủ đô làm cho dịch khó kiểm soát và khó phát hiện.
Kết quả thực hiện mục tiêu 90 – 90 – 90 đến năm 2017 còn thấp, chỉ đạt 67,8% số người nhiễm HIV còn sống biết tình trạng nhiễm HIV của mình; trên 53% người nhiễm HIVđược điều trị ARV. Tình trạng kỳ thị với HIV vẫn còn, đây là rào cản chính làm người có nguy cơ và người lây nhiễm HIV không muốn tiếp cận dịch vụ điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV, dẫn tới việc xét nghiệm phát hiện và đưa người nhiễm HIV vào điều trị ARV gặp nhiều khó khăn, tại cộng đồng còn khoảng 10.000 người nhiễm HIV chưa được điều trị ARV.
Ngày 18/6, UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS thực hiện mục tiêu 90 – 90 – 90 vào năm 2020, Hà Nội sẽ có 90% số người nhiễm HIV trên thực tế được xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV và biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV); 90% số người đang được điều trị bằng ARV có tải lượng vi rút (HIV) dưới ngưỡng ức chế.
Để thực hiện kế hoạch này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Lê Hồng Sơn đề nghị các sở, ban, ngành chức năng và quận, huyện của thành phố chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện mục tiêu 90 – 90 – 90 vào năm 2020 trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, thực tế, thời gian qua, công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS ở Hà Nội chưa được sâu rộng nên người dân nhận thức vấn đề này chưa đầy đủ; các đơn vị chưa có chương trình phối hợp, hành động cụ thể.
Thời gian tới cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân; chống kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS, nhất là trong trường học và các khu vực dân cư. Ngành Y tế có ngay chương trình hành động cụ thể để triển khai các hoạt động phòng chống AIDS; tổ chức các cơ sở cai nghiện ma túy cho người nghiện bằng methanol; triển khai công nghệ thông tin kết nối để người nghiện đi đâu cũng có thể được cai nghiện bằng methanol.
Sở Y tế tham mưu cho thành phố có các giải pháp toàn diện; các quận, huyện rà soát lại các nhiệm vụ, đề xuất kinh phí để thực hiện kế hoạch. Thành phố đề nghị các bệnh viện Trung ương tăng cường phối hợp cơ sở y tế thành phố để chẩn đoán, điều trị và chuyển giao người nhiễm HIV đến các cơ sở điều trị. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng cam kết sẽ dành nguồn lực tối đa để thực hiện mục tiêu 90 – 90 – 90.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Ali Safarnejad của tổ chức UNAIDS Việt Nam bày tỏ tin tưởng rằng, với những cam kết vững chắc và chỉ đạo mạnh mẽ, với những kinh nghiệm và thành tựu đã giành được từ cuộc chiến với HIV, với sự hỗ trợ to lớn từ các đối tác phát triển, Hà Nội nhất định sẽ thành công trong nỗ lực thực hiện mục tiêu 90-90-90, dồn tổng lực tiến tới chấm dứt dịch AIDS.
Ông Ali Safarnejad nhấn mạnh: “Chung sức cùng nhau, chúng ta sẽ cứu được nhiều hơn nữa sinh mạng của người dân. Chúng ta hoàn toàn có thể chấm dứt dịch AIDS, để dịch bệnh này không còn là mối nguy hại cho sức khỏe của nhân dân, và chúng ta sẽ hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030”.