Mưa lũ kéo dài gây ngập lụt trên diện rộng đã khiến hàng chục nghìn hộ dân ở tỉnh Quảng Trị chới với bởi bị chia cắt, cô lập. Bên cạnh thiệt hại về tài sản, người dân nơi đây đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm do đồ ăn, thức uống dự trữ dần cạn kiệt. Khó khăn chồng chất khó khăn, những món quà, sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương đã phần nào giúp đỡ người dân trong cơn hoạn nạn.
Tình người trong lũ dữ
Mưa, gió thổi sàn sạt vẫn không ngăn được các chuyến xe chở hàng từ thiện về "rốn lũ" huyện Hải Lăng. Những gói quà được gói sẵn với những túi cơm, thức ăn, bánh chưng, nước uống đã được chuyển lên những chiếc ca nô của các lực lượng quân sự, để chở đến tận tay bà con đang bị cô lập. Mọi người đều tập trung vận chuyển hàng hóa với mong muốn, số quà này sẽ giúp bà con vùng lũ vượt qua những ngày khó khăn, lạnh giá.
Chiều 13/10, đi vào vùng tâm lũ huyện Hải Lăng, chúng tôi mới thấy hết sự tàn phá khốc liệt của đợt lũ này. Hàng ngàn ngôi nhà chìm sâu trong nước chỉ còn thấy nóc, cây xanh, cột điện gãy đổ, gia súc, gia cầm chết trôi nổi trên mặt nước. Hoa màu, tài sản của người dân chìm sâu trong dòng nước lũ. Người dân tránh trú trên gác lửng của những ngôi nhà đã dỡ bỏ ngói và chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống nước lũ dâng cao ngập hết. Phương tiện duy nhất để di chuyển chủ yếu là thuyền, xuồng cỡ nhỏ.
Đã nhiều ngày liền, người dân vùng lũ cầm cự sống qua ngày nhờ gói mì tôm hay thỏi lương khô của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân hỗ trợ. Khó khăn lớn nhất bây giờ đối với họ chính là thiếu đồ ăn, nước uống.
Bà Lý Thị Mỹ Lan, thôn Trung Đơn, xã Hải Định, huyện Hải Lăng chia sẻ: Đã 5 ngày nay, gia đình tôi không được ăn cơm, chỉ sống nhờ vào những gói mì tôm sống. Mưa khiến nhà tôi ngập sâu hơn 2m nên không thể nấu cơm được. Gạo, lúa, đồ dùng trong nhà cũng ướt hết.
Người dân xã Hải Định, huyện Hải Lăng vốn đã sống chung với lũ nên có nhiều kinh nghiệm trong việc chạy lũ. Thế nhưng, 5 ngày trước, nước lũ đổ về nơi này quá nhanh, hầu hết không kịp trở tay.
Chị Lê Thị Thương (sinh năm 1985), trú tại thôn Trung Đơn, xã Hải Định kể: "Lũ lên nhanh, tôi chỉ nhặt được 2 cái nồi, 3 cái tô, vài xô chậu nhựa, lúa gạo ướt và hư hỏng hết. Bây giờ, nước trong nhà ngập lên đến cổ. Cả nhà phải ăn mì tôm cầm cự. Hôm nay, rất may nhận được quà hỗ trợ của các cán bộ, chiến sỹ Biên phòng".
Ngôi nhà tránh lũ 2 tầng của xã Hải Định là nơi trú ngụ của khoảng 50 người ở thôn Trung Đơn. Tầng 1 nước ngập gần hết, toàn bộ 50 người lên tầng 2 ở trong suốt những ngày qua. Ông Lý Đình Du (sinh năm 1976), trú thôn Trung Đơn, xã Hải Định cho hay: "Đã 5 ngày nay, những người trú ở nhà tránh lũ không có hạt cơm vào bụng. Lương thực dự trữ sẵn của bà con giờ đã cạn kiệt, chỉ còn trông chờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và các đoàn từ thiện. Bà con ở đây san sẻ với nhau từng gói mì tôm, ngụm nước, ưu tiên cho trẻ em. Nhận được những phần cơm, gói mì tôm này, chúng tôi rất vui mừng và cảm động".
Gác lại việc nhà, lo cho dân trước
Hình ảnh màu áo xanh của người lính đã đọng lại trong tâm trí của mỗi người dân vùng lũ Quảng Trị, bởi ở đâu gặp nạn hay khó khăn đều có các cán bộ, chiến sỹ Biên phòng hỗ trợ giúp dân. Không quản ngại hiểm nguy, khó khăn, gian khổ, các anh đã nỗ lực hỗ trợ bà con vận chuyển đồ đạc, di dời người dân đến nơi an toàn hay triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.
Mặc dù ngôi nhà của mình ở xã Hải Trường bị ngập sâu trong nước gần 2m, thế nhưng, Thượng úy Trần Trọng Nhật, Phòng Tham mưu thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị vẫn xung phong tham gia cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân vùng lũ.
Anh Nhật tâm sự: "Nhà tôi bây giờ cũng ngập hết. Cả gia đình có 8 người, trong đó có 3 cháu nhỏ đều giao lại hết cho anh trai. Tôi cùng với đơn vị đi hỗ trợ bà con. Chịu khó vất vả nhưng lại có thể giúp đỡ rất nhiều người trong cơn hoạn nạn, mình lại có động lực để cố gắng hơn".
Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã cử 2/3 quân số về hỗ trợ giúp dân. Vừa lái ca nô, Thiếu tá Hoàng Ngọc Lương, Phòng Tham mưu thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Khó khăn nhất trong quá trình tham gia cứu hộ cũng như vận chuyển hàng hóa hỗ trợ bà con chính là mưa lớn, nước lũ trên thượng nguồn đổ về nhiều khiến dòng nước chảy xiết, rất nguy hiểm, dễ bị lật ca nô. Nhiều ngày liền dầm mình trong mưa nhưng anh em trong đơn vị ai cũng thấy vui, vì góp một phần sức mình để hỗ trợ bà con vượt qua những thiếu thốn, vất vả.
Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có gần 41.000 hộ với gần 125.500 nhân khẩu bị ảnh hưởng do ngập lụt. Riêng huyện Hải Lăng có hơn 16.800 hộ dân, với hơn 5.600 hộ đang bị ngập lụt. Những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã đến hỗ trợ nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, cuộc sống của bà con bây giờ vẫn rất khó khăn, đặc biệt là ở những vùng bị chia cắt, cô lập.
Ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, mưa lũ khiến nhiều địa phương của huyện đang bị ngập sâu, chia cắt. Dù chính quyền địa phương đã có sự hỗ trợ kịp thời, song, do nước lũ ngập nhiều ngày, cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn. Chính quyền địa phương mong muốn các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội tiếp tục quan tâm, chia sẻ với bà con vùng rốn lũ.