Năm 1996, trong một lần bảo vệ đất đã được Nhà nước giao nhận khoán cho gia đình mình, ông Nguyễn Tấn Đức đã xảy ra ẩu đả với nhóm 5 người. Hậu quả khiến một người chết, hai người khác bị thương. Với tội "Giết người", ông Nguyễn Tấn Đức bị kết án tù chung thân. Quá trình cải tạo tốt, ông được xét đặc xá. Năm 2010, ông Nguyễn Tấn Đức được ra tù sau hơn 14 năm chấp hành án phạt. Đứng dậy sau vấp ngã, cùng sự động viên của gia đình, cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương, ông Nguyễn Tấn Đức đã bắt đầu làm lại cuộc đời.
Ông Nguyễn Tấn Đức chia sẻ: "Nhận bản án chung thân nhưng chưa một lần tôi mất hy vọng về cuộc sống và có suy nghĩ tiêu cực. Nghĩ về vợ con, gia đình, tôi tự động viên mình phải cải tạo thật tốt để trở về và làm lại cuộc đời. Với sự nỗ lực của bản thân trong lao động cải tạo, tôi đã được cán bộ quản giáo tin tưởng, yêu quý. Năm 2010, được Nhà nước đặc xá, tôi được ra tù trước thời hạn sau hơn 14 năm, 4 tháng chấp hành án phạt".
Ông Nguyễn Tấn Đức cho biết, sau khi ra tù, ông bắt đầu làm lại cuộc đời bằng quyết tâm phát triển kinh tế để chứng minh, mình vẫn là người có ích cho gia đình, xã hội. Khi mới ra tù, ông cũng gặp nhiều khó khăn, cùng với kinh tế eo hẹp, mặc cảm với xã hội là điều ai cũng gặp phải. Tuy nhiên, cùng sự động viên của gia đình, giúp đỡ của cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương, ông đã dần lấy lại được sự tự tin và nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.
Với suy nghĩ, ngã ở đâu sẽ đứng dậy ở đó, ông Nguyễn Tấn Đức đã cùng vợ phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Với lợi thế địa phương đất đai màu mỡ, ông Đức đã mạnh dạn nhận thầu đất trống, đồi trọc của xã để tiếp tục trồng rừng, phát triển kinh tế theo hướng trang trại VAC.
Cùng với vợ là bà Đoàn Thị Hiền và các con, gia đình ông cặm cụi bên từng hố đất, từng gốc cây từ cuốc đất, cắt cỏ, bón phân. Đất không phụ công người, những cây cam, cây ổi đã ra những mùa trái ngọt đầu tiên. Đàn bò không ngừng sinh sôi nảy nở trên đồi. Ông biết, mình đã thắng lớn trên mặt trận kinh tế. Lấy ngắn nuôi dài, ông tiếp tục mở rộng diện tích, tăng quy mô đàn vật nuôi theo từng năm.
Hiện nay, nhìn cơ ngơi của ông Nguyễn Tấn Đức, nhiều người bày tỏ sự khâm phục. Với hàng chục ha trồng rừng, cây ăn quả gồm ổi, cam, bưởi và đàn bò trên 30 con... trung bình mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu về lợi nhuận khoảng trên dưới 300 triệu đồng. Kinh tế ổn định, con cái ông đều đã có gia đình riêng.
Nhiều năm liền, người "cựu tù" này được công nhận là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã Giai Xuân. Năm 2020, ông Nguyễn Tấn Đức được công nhận điển hình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện; được Công an huyện Tân Kỳ công nhận là điển hình tái hòa nhập cộng đồng.
"Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp phải chịu sức ép, cạnh tranh lớn từ nhiều phía khi ra đến thị trường. Tuy nhiên, tôi không hề giữ bí quyết làm giàu cho riêng mình. Bất cứ ai có nhu cầu học hỏi mô hình phát triển kinh tế trang trại, tôi đều nhiệt tình chỉ dẫn, chia sẻ kinh nghiệm. Đó là cách để tôi trả nợ cuộc đời. Bởi khi rơi vào hố sâu tăm tối nhất, tôi luôn được trao niềm tin, niềm yêu để vực mình đứng lên", ông Nguyễn Tấn Đức nói.
Ông Trần Khắc Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cho biết, bên cạnh gia đình, sau khi ông Nguyễn Tấn Đức ra trại, tổ tự quản, chính quyền địa phương đã đến gặp gỡ động viên, giúp đỡ ông Đức trong quá trình hòa nhập. Với ý chí, nghị lực vươn lên, ông Nguyễn Tấn Đức hòa nhập cộng đồng rất nhanh, luôn đi đầu trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân người dân địa phương. Ai cũng yêu quý bởi bản chất tính hiền lành, chịu khó của ông. Đặc biệt, ông Nguyễn Tấn Đức còn là điển hình phát triển kinh tế của địa phương, là hội viên sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Tân Kỳ. Ông là tấm gương về nghị lực vươn lên, làm lại cuộc đời sau vấp ngã, trở thành những công dân có ích cho gia đình, xã hội.