Tối 16/11 (tức ngày 17/11 theo giờ Việt Nam) tại Trung tâm Thương mại Sapa, Praha, đã diễn ra cuộc tọa đàm của những người con, dâu, rể Nghệ Tĩnh đang sinh sống, học tập và làm ăn tại CH Séc. Cuộc tọa đàm này mang ý nghĩa quyết định số phận của một hội đồng hương thuộc diện đông hội viên nhất và ra đời sớm nhất trong cộng đồng người Việt Nam tại Séc.
Ra mắt Ban Thường vụ lâm thời của Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh tại CH Séc. Ảnh: Quang Vinh |
Những người xuất thân từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cùng dâu, rể vào khoảng 5.000 - 7.000 người, chiếm một tỷ lệ khá lớn trong cộng đồng Việt Nam tại Séc có 65.000 thành viên. Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh ra đời rất sớm so với các hội đồng hương khác. Người Nghệ Tĩnh có đặc tính cần cù, tiết kiệm, gắn kết với nhau và họ tương đối thành đạt trong việc kinh doanh ở CH Séc. Tuy nhiên, việc chưa thể tiến hành đại hội chính thức vì nhiều lý do đã khiến cho Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh suy yếu.
Trước tình hình đó, Ban Chấp hành lâm thời Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh đã tổ chức cuộc tọa đàm để lấy ý kiến theo bốn vấn đề: Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh có tiếp tục hoạt động hay không; nếu tiếp tục hoạt động thì giữ tên gọi cũ hay đổi thành Hội Đồng hương Xứ Nghệ; phương thức gây quỹ và hoạt động của Hội; thông qua điều lệ, ra mắt BCH và Ban Thường vụ lâm thời.
Lắng nghe các ý kiến tâm huyết và tiến hành biểu quyết, BCH lâm thời đã quyết định duy trì hoạt động của Hội theo tên gọi cũ và sẽ sớm tiến hành đại hội. 12 người trong Ban Thường vụ sẽ thay mặt BCH lâm thời gồm 130 ủy viên điều hành hoạt động của Hội cho đến khi tiến hành đại hội. Điều lệ của Hội được thông qua tại cuộc hội đàm có điều khoản: "Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh tại CH Séc sinh hoạt theo hình thức tự nguyện, có tổ chức.
Múa nón của đội múa thành phố Kladno. Ảnh: Đinh Hóa |
Hội hoạt động không mang tính chất chính trị, kinh tế, dân tộc, tôn giáo mà mang màu sắc của một gia đình lớn. Hội tạo điều kiện cho hội viên luôn luôn gần gũi nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, sinh hoạt tại CH Séc, hòa nhập và chấp hành tốt pháp luật của nước sở tại, tôn trọng, bảo tồn và phát huy những truyền thống anh hùng, vẻ vang và hiếu học của quê hương Nghệ Tĩnh".
Cuộc tọa đàm thực sự mang tính ân tình của những người con Xứ Nghệ (Xứ Nghệ theo nghĩa rộng). Các ca sỹ không chuyên quê Nghệ An và Hà Tĩnh cùng đội múa ở thành phố Kladno đã thể hiện đầy cảm xúc những bài ca về mảnh đất miền Trung kiên cường và tình nghĩa.
Ông Đinh Ngọc, doanh nhân, Chủ tịch lâm thời Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh, cho biết: "Tuy việc thông báo về cuộc tọa đàm chưa đến được với nhiều người và sự kêu gọi đóng góp gây quỹ chưa được chuẩn bị kỹ, song số lượng người tham dự lên tới 300 người và số tiền thu được theo hình thức hoàn toàn tự nguyện lên tới 700.000 curon (tương đương 700 triệu đồng Việt Nam) đã vượt quá sự mong đợi của ban tổ chức. Chúng tôi thực sự xúc động trước sự nhiệt tình của những người đồng hương".
Được biết, cộng đồng Việt Nam tại CH Séc có 13 hội đồng hương là thành viên tự nguyện của Hội Người Việt Nam. Các hội đồng hương ở các địa phương đang đóng góp một phần đáng kể để Hội Người Việt Nam và các chi hội thực hiện tốt chức năng của mình. Các hội đồng hương mạnh cũng góp phần tạo ra một cộng đồng mạnh.
Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại Séc)