Trong đời làm báo, tôi nhiều lần được cử làm phóng viên thường trú của TTXVN tại Liên Xô trước đây và LB Nga hiện nay. Qua những năm tháng ấy tôi đã đúc rút được một số kinh nghiệm.
Phóng viên TTXVN (phải) tác nghiệp trong cuộc bầu cử tổng thống Nga tháng 3/2012. |
Thứ nhất, làm báo ở Nga không tránh được yếu tố nguy hiểm nên vấn đề hàng đầu cần chú trọng là bảo đảm an ninh.
Tôi còn nhớ như in ngày 23/10/1993 khi xe tăng bắn vào "Nhà Trắng" lúc đó còn là trụ sở Xôviết tối cao (Quốc hội) Liên Xô. Cánh phóng viên nước ngoài chúng tôi bò giữa hai làn đạn, từ trong bắn ra và từ ngoài bắn vào. Một phóng viên Pháp đã trúng đạn, hy sinh khi bò cách tôi chỉ hơn 3 mét (ngày hôm đó có tới 3 phóng viên nước ngoài thiệt mạng và 2 người bị thương).
Còn nhớ, thời Liên Xô còn tồn tại, an ninh hầu như được bảo đảm tuyệt đối cho người địa phương và dân nước ngoài nên không có điều gì phải băn khoăn. Sau khi Liên Xô tan rã, LB Nga rơi vào một thời kỳ dài bất ổn và an ninh yếu kém, khiến cho ai đến Nga cũng áy náy.
Công việc đòi hỏi phóng viên phải đi lại nhiều, bất kể thời gian nào. Đi ô tô chưa chắc đã an toàn vì vẫn hay xảy ra cảnh chặn xe trấn lột, thậm chí kẻ xấu đóng giả cảnh sát để cướp, hoặc kẻ xấu ở đâu bỗng xông tới đập kính xe để cướp hoặc giật túi ngay giữa thanh thiên bạch nhật khi bạn dừng xe nơi có tín hiệu giao thông đèn đỏ.
Tôi từng là nạn nhân của một vụ trấn lột năm 1993 khi đưa ô tô đến sửa chữa tại một trung tâm nằm trên đường Varsava ở Mátxcơva. Tôi đi một mình và bị bốn người đàn ông lực lưỡng vây quanh, một tên chĩa con dao dài như lưỡi lê vào mạng sườn tôi và rít lên "Kêu là chết". Liếc thấy chiếc nhẫn cưới trên tay tôi, chúng bảo: "Thôi, để bọn tao chặt ngón tay lấy cho nhanh" khiến tôi phải dùng răng lấy nhẫn ra nộp cho chúng. Hậu quả của vụ trấn lột này là tôi phải nằm viện hai tuần để trị thương do các cú đánh hiểm của bọn người xấu. Trước khi bỏ đi, chúng không quên dặn lại "Lần sau nhớ mang theo nhiều tiền để khỏi bị đòn đau nhé".
Không chỉ dân châu Á "nhỏ con" dễ bị trấn cướp, mà người châu Âu, châu Mỹ và châu Phi cao to như dân bản xứ cũng có thể trở thành nạn nhân như tôi. Cảnh bọn cướp giết người hoặc mang nạn nhân vào rừng thả đã trở nên phổ biến trong những năm 1990. Còn sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc đi bộ về nhà, nhất là vào ban đêm, thì càng nguy hiểm hơn. Để "phòng bệnh", chúng tôi hạn chế đi ban đêm và thường rủ đồng nghiệp ở những cơ quan báo chí khác cùng đi tác nghiệp.
Một yếu tố khác cần lưu ý là phải có ý thức tránh những trường hợp "rủi ro". Cuối năm 2002, chúng tôi đi đưa tin về sự kiện bọn khủng bố bắt cóc con tin tại Nhà hát Dubrovka ở thủ đô Mátxcơva. Khi tôi đi theo mấy đồng nghiệp Nga đang xuyên qua hàng rào cảnh sát để tiếp cận Nhà hát thì bị một lính cơ động gạt tay trúng cổ với tiếng quát "Nhe mêsai" (có nghĩa là “Đừng quấy rầy”). Tôi chỉ nghe một tiếng "rắc" và cảm giác đau nhói ở cổ. Mấy ngày sau đó, cổ tôi cứng ngắc, đau và không thể quay như bình thường. Sau gần hai tuần bóp mật gấu và chườm ngải cứu, tôi mới lành "bệnh cổ".
Điều thứ hai cần chú ý khi tác nghiệp tại Mátxcơva là nạn tắc đường. Thủ đô nước bạn rộng mênh mông, có tới ba đường vành đai và riêng đường vành đai ngoài cùng (MKAD) đã dài tới 125 km, đồng thời đa số đường phố đều nhiều làn và rộng thênh thang. Mátxcơva không có xích lô, không người bán hàng rong tham gia giao thông, hầu như không có xe máy đi lại... Nhưng thủ đô Nga có hơn 4,6 triệu đầu xe con, chưa kể các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe điện bánh hơi, ô tô buýt cùng 2-3 triệu đầu xe "vãng lai" hàng ngày đến từ các tỉnh, thành khác. Mặc dù 12 tuyến tàu điện ngầm (Metro) ở Mátxcơva hàng ngày đã tải tới 8-9 triệu lượt người, nhưng cảnh tắc đường vẫn diễn ra "như cơm bữa'. Sở giao thông Mátxcơva cho biết vào lúc cao điểm, tổng chiều dài của nạn tắc đường ở thủ đô Nga lên gần 3.800 km, bằng chiều dài đường bộ Mátxcơva –Mađrít (Tây Ban Nha).
Trong bối cảnh đó, vào ngày làm việc bình thường, chúng tôi thường đi xe đến bến tàu điện ngầm gần nhất để tới mọi địa điểm cần thiết, và chỉ vào cuối tuần mới dám phóng xe "trên từng cây số" để đi tác nghiệp.
Vấn đề thứ ba rất cần quan tâm là tệ quan liêu giấy tờ mang tính "thâm căn cố đế" của bộ máy hành chính Nga. Đầu năm 2012, để được phép quay phim thực hiện ghi nhanh về chợ Sadovod (dân ta hay gọi là "Chợ Chim"), nơi có hàng nghìn tiểu thương người Việt buôn bán, không bị đóng cửa, mà chỉ cải tạo lại, chúng tôi đã làm đơn gửi ban quản lý đạo chợ. Mãi đến hai tuần sau, ông Tổng Giám đốc chợ Sadovod mới ký giấy đồng ý, cho dù ngày nào chúng tôi cũng gọi điện thoại hỏi và chỉ nhận được câu trả lời là "TGĐ chưa tới văn phòng, các ông phó không được quyền ký".
Đối với hoạt động báo chí, muốn tham dự các sự kiện thì phóng viên phải đăng ký trước theo mẫu định sẵn và gửi qua thư điện tử. Chỉ cần bạn sai một lỗi chính tả, chẳng hạn Hà Nội mà viết là hà Nội hoặc Hà nội, đều bị từ chối ngay. Sau khi hết thời gian đăng ký, cơ quan chủ quản sẽ công bố danh sách phóng viên được quyền tham dự qua thư điện tử. Nếu bạn không có tên mặc dù đã gửi đăng ký, gọi điện thoại chất vấn thì sẽ nhận được trả lời: "Chúng tôi không rõ". Nếu bạn đề nghị được bổ sung thì dứt khoát sẽ nhận được trả lời "Hết thời hạn đăng ký".
Điều thứ tư cần nhớ là phóng viên ở Nga “ít được hoan nghênh”. Nga quy định mọi nhà báo đều có quyền tác nghiệp tại mọi nơi không bị cấm. Tuy nhiên, rất nhiều nơi không bị cấm lại có quy định riêng của họ vì "phép Vua thua lệ làng". Ví dụ, việc chụp ảnh - quay phim tại các ga tàu điện ngầm, các siêu thị hay các chợ ngoài trời... thường bị cảnh sát hoặc bảo vệ cản trở, nhiều khi phóng viên còn bị tịch thu công cụ tác nghiệp.
Tại các diễn đàn và sự kiện lớn hoặc mang tính quốc tế, các cơ quan chức năng Nga bao giờ cũng gửi đề nghị đăng ký qua mạng Internet. Tuy nhiên, khi sự kiện diễn ra, thông thường PV được triệu tập tới một căn phòng rộng rãi để xem màn hình lớn truyền hình trực tiếp sự kiện, như lễ nhậm chức của tổng thống hay tổng thống đọc thông điệp liên bang. Thế là bỏ bao nhiêu thời gian và công sức để tới được nơi diễn ra sự kiện mà chẳng khác nào ngồi xem truyền hình trực tiếp ở nhà.
Trong suốt hơn chục năm làm báo tại Nga, duy nhất Đuma Quốc gia là cơ quan nước bạn mà chúng tôi có thể ra vào vào mọi lúc có sự kiện với tấm Thẻ Nhà báo do Bộ Ngoại giao LB Nga cấp. Mong rằng tất cả các cơ quan lập pháp - hành pháp Nga đều áp dụng cơ chế thoáng đó để "những nếp nhăn” trên mặt giới báo chí nước ngoài chúng tôi không ngày càng nhiều thêm.
Đình Lanh (P/v TTXVN tại Nga)