Nồng ấm "Tết cộng đồng" tại SécTừ đầu tháng 2 đến ngày 17/2 người Việt tại CH Séc bắt đầu rải rác tổ chức Tết Cộng đồng ở các địa phương, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cụ thể. Ngày vui thường diễn ra vào dịp cuối tuần, khi một số cửa hàng đóng cửa và các cháu học sinh được nghỉ học.
Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Hồ Minh Tuấn chúc Tết bà con ở tỉnh Pardubice. Ảnh: Trần Quang Vinh
|
Hội Người Việt Nam tại thành phố Hradec Kralove thuộc tỉnh cùng tên ở phía Đông Bắc Séc, và Hội Người Việt Nam tại tỉnh Pardubice ở phía Đông Séc, cùng giáp giới với Ba Lan, năm nay tổ chức cho bà con ăn Tết Mậu Tuất sớm.
Ban Chấp hành Hội đã có nhiều nỗ lực để thuê hội trường đẹp, có sức chứa trên 500 người ở khu trung tâm.
Công việc quyên góp tài chính và tổ chức hậu cần được tổ chức chu đáo để bà con có một cái Tết gợi nhớ không khí quê nhà với cành đào hoa nhựa kết khéo, bánh chưng, giò chả, xôi đỗ…
Đại sứ Hồ Minh Tuấn và lãnh đạo Hội Séc – Việt đã đến chung vui với bà con, chúc bà con vượt qua khó khăn trên thương trường để đón một mùa Xuân thành công cả về tinh thần lẫn vật chất.
Phần được mong đợi nhất đối với các cháu thiếu nhi là phát phong bao mừng tuổi. Số tiền lì xì tuy không lớn nhưng thể hiện sự quan tâm của Ban Chấp hành Hội và của ông bà, cha mẹ đối với con cháu, vừa nhắc lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Các tiết mục văn nghệ mừng Xuân, ca ngợi quê hương đất nước tại Hradec Kralove và Pardubice chủ yếu là do câu lạc bộ phụ nữ địa phương đảm nhận.
Tiết mục mừng Xuân tại Hradec Kralove. Ảnh: Trần Quang Vinh |
Chị em vừa là người tổ chức, vừa là hạt nhân văn nghệ, vừa là đạo diễn, biên đạo múa cho đội văn nghệ thiếu nhi.
Những “ngôi sao” ca nhạc ở các địa phương lân cận lại có dịp giao lưu với nhau, góp phần làm nên sự sôi động của đêm gặp gỡ Tất niên.
Trong các chương trình Tết cộng đồng bà con đều muốn cuộc vui kéo dài thật lâu vì đây là dịp hiếm có để mọi người gạt sang một bên áp lực mưu sinh, hàn huyên tâm sự, nhắc lại những kỷ niệm ở quê nhà.
Với rất nhiều người, sau đêm vui này là “hết Tết”, từ sáng hôm sau lại bắt đầu cuộc vật lộn với thương trường triền miên không có ngày nghỉ.
Việc kinh doanh phụ thuộc vào lịch sinh hoạt của người dân bản địa, thời gian nghỉ lễ do pháp luật nước sở tại quy định và do sống xen lẫn với người Séc ở vùng sâu, vùng xa nên một số lượng lớn người Việt ít có điều kiện tụ họp với nhau vào dịp Tết.
Ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc, cho biết: Tổ chức Tết Cộng đồng là nhiệm vụ của tất cả 50 chi hội địa phương với sự tham gia của 16 hội đồng hương cấp tỉnh và 30 hội viên tập thể như Hội Cựu chiến binh, CLB Phụ nữ, Hội Phật tử, Hội Thanh niên – Sinh viên…
Tuy nhiên, tổ chức vào thời điểm nào, quy mô ra sao, hình thức lớn hay nhỏ là do các chi hội địa phương quyết định sau khi có sự bàn bạc, thống nhất với các đoàn thể khác.
Ban Chấp hành Hội ở cấp trung ương chỉ yêu cầu Tết Cộng đồng đảm bảo các yếu tố: Vui, đoàn kết, giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc, ưu tiên chăm lo cho thế hệ tương lai, hướng về quê hương, an toàn và tiết kiệm.
Nhịp cầu "Tết đoàn viên"Trong không khí rộn ràng chào đón Xuân Mậu Tuất 2018, chiều 4/2, tại Hội trường Trung tâm Minh Ái ở Khu Hành chính Đặc biệt Ma Cao (Trung Quốc), Hội Đồng hương Tương trợ Việt Nam tại Ma Cao đã tổ chức Liên hoan văn nghệ mừng Xuân mới 2018.
Phó Chủ tịch Tổng hội Hoa kiều tại Ma Cao, bà Liêu Lệ Quỳnh; Tổng Thư ký Trung tâm Minh Ái, ông Phan Chí Minh, đại diện các đoàn thể xã hội Ma Cao, cùng đông đảo bà con người Việt đang sinh sống, làm ăn và học tập tại khu hành chính đặc biệt này đã tham dự liên hoan.
Chủ tịch Hội Đồng hương Tương trợ Việt Nam tại Ma Cao, bà Trần Thị Thu cho biết đã thành thông lệ, từ nhiều năm nay, cứ đến dịp Tết đến Xuân về được sự cho phép của chính quyền Ma Cao, Hội Đồng hương Tương trợ Việt Nam đều tổ chức liên hoan văn nghệ mừng Xuân đón Tết.
Với mục đích tạo ra sân chơi để bà con người Việt gặp gỡ, chia sẻ vui buồn và những khó khăn trong cuộc sống lao động xa quê hương đất nước, Hội Đồng hương Tương trợ Việt Nam tại Ma Cao luôn mong muốn bà con người Việt tại đây được hưởng niềm vui chung trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Qua đó, nhắc nhở những người con đất Việt sống xa Tổ quốc thể hiện trách nhiệm của mình với quê hương đất nước, nỗ lực lao động, vượt qua khó khăn, tích cực góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.
Đươc biết, tại Khu Hành chính Đặc biệt Ma Cao hiện có trên 20.000 người lao động Việt Nam.
Tại Bangladesh, hòa chung không khí đón Tết của kiều bào ở khắp nơi trên thế giới, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh cũng vừa tổ chức trang trọng buổi gặp mặt “Tết Đoàn viên” dành cho cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Bangladesh.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Trần Văn Khoa nhấn mạnh chương trình Tết do Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh tổ chức đã nối thêm nhịp cầu giữa bà con với quê nhà, thắt chặt sợi dây tình cảm của người Việt ở xa tổ quốc với quê hương, đất nước. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng đối với các thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên tại Bangladesh.
Bên cạnh đó, hoạt động này nhằm giúp tăng cường hơn nữa sự gắn kết trong cộng đồng người Việt, giúp mọi người thêm hiểu về cuộc sống của nhau, về những niềm vui, những khó khăn của nhau khi định cư, làm việc hay học tập tại Bangladesh.
Hơn nữa, việc duy trì hoạt động thường niên này cũng nhằm giúp bà con hiểu hơn về vai trò và trách nhiệm của cộng đồng, chính là cầu nối quan trọng, củng cố tình hữu nghị giữa hai nước và nhân dân hai bên, đặc biệt là khi hai nước đang kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Năm nay, kiều bào tới tham dự buổi gặp mặt Tết Cộng đồng cảm thấy phấn khởi hơn bởi trong năm qua, với sự quan tâm của Đại sứ quán, cuộc sống của cộng đồng đã được chuyển tải chân thực và sinh động tới đông đảo đồng bào trong nước thông qua nhiều chương trình, phóng sự, tin và bài.
Sống trong không khí Tết đoàn viên, sum họp, được thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị quê hương như phở, bánh chưng, dưa hành, giò, chả cá, gỏi cuốn… và cùng tham gia biểu diễn những tiết mục văn nghệ mừng Xuân mới đã khiến cho kiều bào cảm thấy xúc động, thỏa nỗi nhớ nhà và dường như quên đi cảm giác đang đón Tết ở một nơi cách quê nhà hàng nghìn cây số.
Tại buổi gặp mặt, không chỉ có cộng đồng, Đại sứ quán còn mời cả những người bạn Bangladesh đến tham dự để họ hiểu hơn về những nét đặc sắc trong văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam và qua đó góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Để đem đến không khí của ngày Tết cổ truyền, Đại sứ quán đã lên kế hoạch chuyển những loại nguyên liệu, gia vị, rau thơm, đồ trang trí từ Việt Nam sang từ trước khi chương trình diễn ra, rồi lên thực đơn, cùng kiều bào tất bật nấu nướng, trang hoàng lại trụ sở và tập luyện các tiết mục văn nghệ. Sự chu đáo, tỉ mỉ trong công tác tổ chức cùng với sự tích cực, nhiệt tình tham gia đóng góp của kiều bào đã góp phần vào thành công của chương trình.
Cộng đồng người Việt tại Bangladesh có khoảng 100 người, chủ yếu là các cô dâu người Việt lấy chồng Bangladesh và người nước ngoài, các cán bộ, kỹ sư đang làm việc trong các dự án công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở hạ tầng và các du học sinh.
Mặc dù có số lượng khá khiêm tốn nhưng cộng đồng tại đây rất đoàn kết, luôn hướng về quê hương và là cầu nối hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Bangladesh.