Trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 5/3 tại Slovakia đảng Định hướng Dân chủ Xã hội (SD-Smer) của Thủ tướng đương nhiệm Robert Fico thu 28,6% số phiếu, để mất ưu thế đa số trong Quốc hội – chỉ giữ được 49 chỗ trong tổng số 150 nghị sỹ thay vì 83 ghế trong nhiệm kỳ trước.
Bà Phạm Thị Nga trả lời phỏng vấn của phóng viên. Ảnh: Trần Quang Dũng |
Tổng thống Slovakia Andrej Kiska đã chỉ định Thủ tướng Robert Fico thành lập chính phủ liên minh. Do nhiều đảng từ chối liên kết với SD-Smer nên ông Fico buộc phải bắt tay với Đảng Dân tộc Slovakia (SNS) và hai đảng khác nữa. Theo thỏa thuận giữa lãnh đạo 4 đảng liên minh thì SNS sẽ có ba bộ trưởng trong chính phủ mới ở Slovakia.
SNS là một đảng cánh hữu có quan điểm dân tộc chủ nghĩa, ít có thiện cảm với cộng đồng người nước ngoài ở Slovakia. Lực lượng quá khích nhất trong SNS đã tách ra thành lập Đảng Nhân dân “Slovakia của chúng ta” mang tư tưởng cực hữu, bài ngoại quyết liệt.
Việc đảng này giành được 8% số phiếu và có đại diện trong Quốc hội mới của Slovakia là một cú sốc đối với các cộng đồng nước ngoài ở Slovakia nói chung và người Việt nói riêng. Chính khách tại nhiều nước EU, đặc biệt là ở nước láng giềng gần gũi CH Séc, đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước việc một lực lượng cực hữu, thậm chí có thể gọi là phát xít, có ghế trong Quốc hội mới của Slovakia.
Ông Nguyễn Đông Hải, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Slovakia, tâm sự với phóng viên: “Chúng tôi cũng rất ngạc nhiên về kết quả bầu cử đó. Nó làm chúng tôi sửng sốt là vì không ai nghĩ rằng một đảng công khai bài ngoại theo cách hết sức cực đoan lại giành được 8% số phiếu ủng hộ. Nếu tính cả số phiếu của SNS thì lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc ở Slovakia có hơn 16% số phiếu. Người Việt và những cộng đồng nước ngoài khác ở Slovakia lo ngại rằng trong tương lai cuộc sống và việc làm ăn của họ sẽ bị ảnh hưởng rất xấu. Những người bi quan nhất đã tính đến việc sẽ phải đi tìm mảnh đất lành khác”.
Bà Phạm Thị Nga, một người Việt định cư lâu năm ở Slovakia, cũng cho biết: “Thực sự thì tôi và cả gia đình rất lo ngại khi lực lượng trước đây gọi là đảng phát xít nhưng bây giờ đổi tên là “Đảng nhân dân” lại có số lượng phiếu cao như vậy trong cuộc bầu cử Quốc hội. Chúng tôi chưa biết tình hình sẽ biến chuyển ra sao nữa”.
Những người thạo tin trong cộng đồng ngươi Việt lý giải vì sao đảng cực hữu “Slovakia của chúng ta” lại giành được thắng lợi bất ngờ trong cuộc bầu cử vừa qua: Nguyên nhân đầu tiên là do cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu. Người tị nạn Trung Đông và Bắc Phi tràn vào CH Áo láng giềng gây ra làn sóng bài ngoại tại Slovakia.
Nguyên nhân thứ hai là do có lỗ hổng trong việc giáo dục lịch sử đối với thế hệ trẻ. Chính ở nơi quân đội phát xít Đức đã mở chiến dịch tàn sát dã man người dân Slovakia thì tại đó đảng cực hữu “Slovakia của chúng ta” lại giành được số phiếu cao nhất, chủ yếu là nhờ các cử tri dưới tuổi 30.
Nguyên nhân thứ ba là sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế kéo theo nạn thất nghiệp khá cao trong tầng lớp thanh niên dẫn đến xu hướng cực đoan trong một số bộ phận dân chúng Slovakia.
Dấu hiệu tích cực mà cộng đồng người Việt ở Slovakia hiện nay ghi nhận và đặt nhiều hy vọng là các lực lượng chống phát xít của nước sở tại đã tổ chức những cuộc biểu tình để bày tỏ sự bất bình về kết quả bầu cử, thậm chí kiến nghị Tổng thống và Tòa án Hiến pháp dùng quyền hạn của mình để loại bỏ Đảng Nhân dân “Slovakia của chúng ta” ra khỏi Quốc hội và cấm đảng này hoạt động.
Tổng thống Andrej Kiska từ chối gặp mặt người cầm đầu “Slovakia của chúng ta” sau cuộc bầu cử và hầu hết các đảng có đại diện trong Quốc hội mới ở Slovakia đều từ chối liên minh với đảng cực hữu này.
Ông Nguyễn Đông Hải cho biết: “Chúng tôi đang chờ đợi xem tình hình sẽ xoay chuyển theo hướng nào. Nhưng chúng tôi hy vọng rằng xu thế chung của toàn châu Âu sẽ không chấp nhận sự hiện diện công khai của những đảng phái mang tư tưởng phát xít”.