Trong những ngày đầu tiên của năm mới 2019, bất chấp tình hình bất ổn tại Paris, ngày 12/01, những người Việt trẻ tài năng từ nhiều quốc gia châu Âu đã đổ về thủ đô của Pháp để tham dự Đại hội thường niên lần đầu tiên của AVSE. Sự kiện đánh dấu một bước trưởng thành quan trọng trong các hoạt động nội bộ tổ chức tập hợp vài nghìn chuyên gia, tri thức Việt Nam trên toàn cầu.
Được Giáo sư trẻ Nguyễn Đức Khương – hiện là thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng, và những người bạn thành lập từ năm 2011 tại thủ đô Ánh sáng, AVSE-G đã vượt qua nhiều gian nan trong nỗ lực kết nối trí thức Việt tại Pháp và trên thế giới, để tới hiện nay đã phát triển một mạng lưới mà theo những thành viên của AVSE cho biết là có thể kết nối tới khoảng 10.000 tri thức Việt trên toàn cầu.
Mục tiêu mà AVSE muốn đạt tới là tạo ra một nền tảng để tập hợp trí tuệ Việt đóng góp cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam. Nguồn lực chính mà AVSE có đến từ lực lượng trí thức và chuyên gia Việt Nam đến từ 15 quốc gia, với hơn 300 người đang tham gia thường xuyên các hoạt động của hội và hơn 2000 chuyên gia quan tâm tới các hoạt động của hội.
Theo Kiến trúc sư Đinh Việt Tùng, người phụ trách hoạt động truyền thông của Hội, AVSE hiện đang triển khai nhiều hoạt động tại Việt Nam, trong đó phải kể đến hơn 20 chương trình huấn luyện, đào tạo chủ yếu hiện nay là ngắn hạn; 10 dự án chiến lược (như mạng lưới giáo dục, trung tâm tri thức, chính sách kinh tế, chiến lược thu hút nhân tài Việt Nam trên thế giới…) và tổ chức thường xuyên 7 hội thảo và diễn đàn chính sách (Diễn đàn kinh tế số, Hội thảo về Tài chính-Ngân hàng, Diễn đàn phát triển bền vững,,,)
Nhìn lại năm 2018 vừa qua, AVSE thực sự đã trưởng thành như một tổ chức trí thức Việt đi đầu ở hải ngoại trong nỗ lực hướng về quê hương, với mục tiêu đúng như tôn chỉ ban đầu của Hội là vì một Việt Nam thịnh vượng. Chỉ trong 2 tháng 10 và 11 của năm 2018, AVSE đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức loạt 6 hội thảo và diễn đàn quốc tế. Kết quả của loạt sự kiện được phối hợp tổ chức này đã được AVSE báo cáo lên Thủ tướng chính phủ.
Chủ đề các hội thảo này đề cập tới nhiều lĩnh vực trọng yếu đối với sự phát triển tương lai của Việt Nam như: đô thị thông minh, kinh tế số, năng lượng sạch, tài chính ngân hàng, quản lý và chính sách công. Loạt hội thảo đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của họ ở các tổ chức và doanh nghiệp lớn trên thế giới như Đại học Harvard, ĐH Kyoto, ĐH Fulbright, Trường kinh tế Paris, ĐH Nanyang, World Bank, OECD, công ty Tractebel, tập đoàn ENGIE…
Để chuẩn bị các hội thảo này, khoảng 250 thành viên thường trực của AVSE đã làm việc cần mẫn trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm với hơn 10 đối tác khác nhau. Theo Tiến sĩ Tài chính Đinh Thanh Hương, đồng sáng lập Hội, như để có thể tổ chức được Hội thảo Năng lượng biển và Năng lượng tái tại (VSOE), AVSE đã chuẩn bị trong suốt 2 năm trước đó. Đây là hội thảo đầu tiên trong lĩnh vực này ở Việt Nam. Với sự kết nối của AVSE, một nhóm các chuyên gia Việt trong lĩnh vực liên quan đang làm việc ở Australia, Pháp, Ailen, Na Uy, Hàn Quốc, Anh, UAE đã đề xuất ý tưởng tổ chức sự kiện này; để bàn về thực tiễn tình hình khai thác, sử dụng năng lượng ngoài khơi của Việt Nam. Khoảng 170 đại biểu đến từ 25 quốc gia trên thế giới đã tới tham dự, thảo luận và trình bày 86 bài diễn thuyết được lựa chọn từ chọn từ 160 đề cương tóm tắt (vòng 1) và từ 120 bài (vòng 2) qua quá trình phản biện kín. Kỷ yếu VSOE 2018 đã được nhà xuất bản Springer đăng tải lên mạng và đạt kỉ lục 21,000 lượt tải trong vòng 1 tháng kể từ khi xuất hiện.
Hội thảo năng lượng ngoài khơi đã đưa ra những đánh giá về tình hình sử dụng năng lượng của Việt Nam, ước tính nhu cầu năng lượng của nước ta đến năm 2020. Việc hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo đang là xu hướng của thế giới, tuy nhiên, tại Việt Nam, việc đầu tư cho năng lượng tái tạo vẫn rất khiêm tốn mặc dù ta có những tiềm năng rất lớn về năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng chảy…
Vẫn theo Tiến sĩ Hương, năm 2018, AVSE đã tổ chức ở Việt Nam tất cả 10 sự kiện lớn khác nhau, gồm các Hội thảo, và diễn đàn, các hoạt động kết nối, trao đổi. Chưa kể các hoạt động báo cáo chuyên sâu. Có những hội thảo cần vài năm để chuẩn bị vì là lần đầu tiên như trên, có những hội thảo khác được chuẩn bị nhanh trong vòng 6 trước như Lãnh đạo học và Quản trị công, tổ chức cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Số người Hội phải huy động thường xuyên là 100 người, có giai đoạn cao điểm lên tới 150 người.
Chị Hương chia sẻ thêm việc tổ chức các hội thảo quốc tế tại Việt Nam đòi hỏi nhiều công sức, và nhiều công việc phải làm từ mời diễn giả quốc tế, xây dựng chương trình, đến chọn lọc người tham gia, làm các báo cáo chuyên môn, các kỉ yếu, sách… Trong khi đó, các thành viên Hội về cơ bản đều là hoạt động tự nguyện, đều phải đang đi làm hoặc đi học, và trong điều kiện làm việc ở xa nhau, đa số liên lạc qua mạng chứ không có thời gian để gặp mặt trực tiếp.
Đây cũng là trở ngại lớn đối với việc tổ chức sự kiện vì liên lạc gián tiếp rất dễ gây hiểu nhầm trong việc tiếp nhận thông tin, ý tưởng, Ngô Phương Lê - một thành viên của AVSE tổ chức Hội thảo Tự chủ Đại học tại ĐH Ngoại thương hồi tháng 10.2018 chia sẻ. Được biết, AVSE đang có kế hoạch phát triển Hội thảo Tự chủ đại học thành một Diễn đàn giáo dục thường niên mang tên Vietnam Education Summit. Lê cho rằng nếu không sự đồng thuận và quyết tâm của cả đội thì việc ngồi từ xa điều phối việc tổ chức một hội thảo không bao giờ có thể thực hiện được.
Hiện nay, AVSE-G đã đặt nền móng thành công cho nhiều diễn đàn thường niên, trong đó phải kể tới trong năm vừa qua là Diễn đàn kinh tế số hóa (VDEF) và Hội thảo quốc tế về tài chính ngân hàng (VSBF). Tháng 10 vừa qua là năm thứ 3 liên tiếp VSBF được tổ chức tại Việt Nam, quy tụ hơn 100 học giả chuyên gia đến từ các trường Đại học, tổ chức uy tín thế giới, hơn 80% là người nước ngoài; trong số đó có các chuyến gia đến từ các ĐH lớn của các nước Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Canada, Nhật Bản, Hy Lạp, Bỉ v.v. và các tổ chức như Ngân hàng TW Châu Âu, Ngân hàng TW Nhật Bản. Nhiều vấn đề rất mới của ngành tài chính, ngân hàng đã được đề cập như Tiền mã hóa, Tài chính xanh, giám sát tiền mã hóa, cũng như đề cập tới chủ đề thiết thực đối với tình hình của Việt Nam hiện nay như tăng trưởng tín dụng và bong bóng của nền kinh tế, rủi ro hệ thống của ngân hàng.
Còn VDEF có thể nói là sự kiện thành công nhất của AVSE năm 2018 khi thu hút tới hơn 500 người tham dự. Đề cập tới một chủ đề nóng hiện nay là cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, VDEF 2018 đã chia sẻ tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm thực tế của những người tiên phong và xu hướng của sự chuyển đổi không thể thiếu trong nền kinh tế kỹ thuật số. AVSE tham vọng qua diễn đàn muốn góp phần vận dụng công nghệ số hóa để xây dựng các mô hình kinh tế mới và xây dựng chiến lược đồng bộ về phát triển kinh tế, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Là một tổ chức phi lợi nhuận, AVSE hoạt động dựa trên sự đóng góp tự nguyện với châm ngôn vượt lên chính mình, định hình tương lai và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng. Với mong muốn được kết nối tri thức, kết nối sáng tạo, các hoạt động của AVSE trong năm 2018 đã tạo được tiếng vang lớn khi đặt nền tảng tạo kênh trao đổi giữa giới học giả, doanh nghiệp quốc tế với giới chức lãnh đạo, doanh nghiệp, xã hội Việt Nam. Theo những thông tin từ AVSE, ngay trong tháng 1 của năm mới này, Hội sẽ triển khai Diễn đàn Việt Nam bền vững (VSF) – hội thảo đầu tiên trong loạt hoạt động bận rộn sắp tới của những người Việt trẻ ở nước ngoài song luôn hướng về quê nhà.