Tới thăm Trường Sao Mai ở Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương tại thủ đô Béclin (Đức), chúng tôi rất xúc động trước sự tận tâm của các cô giáo trong việc dạy tiếng Việt và không chỉ tiếng Việt cho các cháu thuộc thế hệ thứ hai của người Việt tại Đức.
Trường hiện có 60 học sinh, được chia thành 4 lớp, học vào chủ nhật hàng tuần. Trường có cô Nguyễn Thị Hoàng Liên là người phụ trách và hai giáo viên là cô Nguyễn Lan Hương và Nguyễn Thanh Tâm. Lớp có trình độ cao nhất đã học được 4 năm, trong khi có lớp mới học được 1 năm.
Tham dự một giờ dạy học của cô giáo Nguyễn Thanh Tâm ở một lớp còn tương đối mới, nghe cô nói rõ ràng, giọng Hà Nội chuẩn, hết sức truyền cảm, đọc cho các em học sinh mà cô gọi là "con" nghe bài "Mùa thu đẹp", sau đó kể chuyện cho các con nghe về sự tích hoa cúc, nói lên tấm lòng hiếu thảo của con đối với cha mẹ, hỏi các con đã làm gì, khi cha mẹ bị ốm, bị mệt... chúng tôi cảm nhận được rằng đây không chỉ là một lớp dạy tiếng Việt thuần túy, mà qua đó, các cô muốn dạy cho các con đạo đức, nếp sống và sinh hoạt của người Việt.
Các em học sinh đọc tiếng Việt còn lơ lớ, mất dấu và cô kiên nhẫn đọc đi, đọc lại, sửa chữa cho các cháu từng câu, từng chữ một. Sau đó, cô viết lên bảng câu ca dao: "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Đọc và giải thích ý nghĩa cho các con nghe, dặn các con về học thuộc lòng, đọc cho cha mẹ nghe, qua đó để các con có điều kiện gần gũi, gắn bó hơn với cha mẹ.
Sau khi đi học, nhiều con đã dành thời gian để giãi bày tâm sự với cha mẹ. Cháu Mai Uyên cho biết, khi mẹ mệt, cháu đã biết pha trà để mời mẹ uống. Một cháu khác kể, khi vào bữa ăn đã biết nói: "Con mời bố, mẹ xơi cơm ạ!". Các cô còn dạy cho các con cách nói chuyện với ông, bà ở Việt Nam sao cho phải phép.
Tại Đức có một giai thoại dựa trên một câu chuyện thực. Khi bố, mẹ đi làm về, con khoe: "Hôm nay, ông nội gọi điện thoại sang đấy!". Bố, mẹ ngạc nhiên: "Sao con biết đấy là ông nội?". "Thì, Nó bảo Nó là ông nội!", con trả lời.
Những cháu đã đi học lớp tiếng Việt, chắc sẽ không bị rơi vào tình huống cười ra nước mắt đó.
Cô giáo Thanh Tâm cho biết, trước đây cô là giáo viên trường cấp 2 Quang Trung, Hà Nội. Năm 1992, cô theo chồng sang Đức. Hàng ngày, cô vẫn đi làm, tối về, sau khi làm xong việc nhà, từ 10 giờ đêm cô dành thời gian soạn bài vở để dạy cho các con. Trẻ em sinh ra và lớn lên ở Đức có những đặc thù riêng, nên hầu như các cô phải thức khuya để tự mình soạn giáo án. Bản thân cô cũng có hai con, nên việc soạn giáo án của cô cũng theo kiểu "du kích", có nghĩa là cô thấy cần phải dạy cho con mình những gì thì cô soạn bài để dạy cho các con ở lớp.
Theo cô Thanh Tâm, một trong những khó khăn lớn là nhiều gia đình người Việt ở Đức chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt cho các con mình, nên khi bất chợt có việc bận gì đó, họ cũng không đưa con tới trường, các con lại phải nghỉ học. Cô cho rằng việc dạy học cho các con rất cần sự quan tâm của các bậc cha mẹ. Trước khi 12 tuổi, các cháu còn dễ uốn nắn và còn chịu học tiếng Việt, sau đó sẽ rất khó. Ngoài ra, vì chỉ có 4 lớp, nên các cháu trong một lớp ở các lứa tuổi khác nhau, trình độ cũng khác nhau, không đồng đều, nên việc tiếp thu cũng khác nhau.
Một khó khăn nữa là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất. Mặc dù trường đã được sự quan tâm của bà Trịnh Thị Mùi, Giám đốc Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương, cho mượn các phòng học, chỉ phải đóng một ít tiền vệ sinh, nhưng cho tới nay, trường chưa xin được sự tài trợ thường xuyên của chính quyền Đức như một số cơ sở khác. Vì vậy, mặc dù rất bận rộn, phải dốc toàn tâm toàn ý vào việc dạy và dỗ các con, các cô giáo chỉ được nhận được sự bồi dưỡng ít ỏi do cha mẹ học sinh đóng góp. Nhưng các cô không phàn nàn về điều đó, mà chỉ mong sao mỗi giáo viên có được một bộ giáo trình được biên soạn dành cho người Việt ở nước ngoài. Một mong muốn tưởng là đơn giản như vậy mà không dễ thực hiện. Hiện nay, Nhà xuất bản Thế giới đã xuất bản một bộ giáo trình như vậy, nhưng mới là sách thử nghiệm nên không có bán, các cô đã nhờ người nhà ở Việt Nam tìm mua nhưng không được. Các cô hy vọng rằng các cơ quan hữu quan ở quê nhà sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình hỗ trợ việc dạy tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài.
Nhìn các con quấn quýt quanh cô Thanh Tâm trong giờ nghỉ và thái độ của cô dịu dàng, kiên nhẫn chỉ bảo cho các con, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong một môi trường pha trộn giữa hai nền văn hóa Việt và Đức, trong lòng chúng tôi trào dâng lên lòng cảm phục các cô, những người đã vượt qua được sự cám dỗ của nền kinh tế thị trường để dồn sức lực và tình cảm của mình dạy tiếng Việt cho các con, giúp cho các con giữ được những bản sắc của văn hóa Việt. Các cô đúng là những Người Mẹ từ tâm.
Bài và ảnh: Văn Long - Thanh Hải (P/v TTXVN tại Đức)