Quyết định này khiến nhiều người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam, muốn nhập cảnh vào Australia quan tâm, lo lắng.
Phóng viên TTXVN tại Australia đã trao đổi với luật sư Đỗ Gia Thắng, tổ hợp luật sư đa quốc gia Nguyen Do Lawyers, thành phố Melbourne, để tìm hiểu xem quy định này ảnh hưởng thế nào đối với người Việt Nam đang định cư, làm việc, du học hay thăm người thân tại Australia trong thời gian dịch bệnh.
Đối với người Việt Nam muốn nhập cảnh vào Australia, luật sư Đỗ Gia Thắng cho biết, người có quốc tịch Việt Nam hoặc người gốc Việt vẫn được Chính phủ Australia cho phép nhập cảnh nếu thuộc một trong ba trường hợp sau: 1/ Đồng thời là công dân Australia, có quốc tịch Australia hoặc công dân New Zealand đang sinh sống tại Australia; 2/ Có thị thực thường trú tại Australia như thị thực đầu tư bước hai 888, thị thực đầu tư 132, thị thực tay nghề độc lập 189, 190 hay thị thực vợ chồng 801, 100 và 3/Người thân trực tiếp của những người thuộc hai đối tượng nêu trên, bao gồm vợ hoặc chồng, người phụ thuộc, bao gồm con đẻ, con nuôi và con riêng dưới 18 tuổi, và người giám hộ hợp pháp.
Trong trường hợp người đã nộp thị thực vợ/chồng với công dân Australia, được cấp visa bắc cầu loại B (BVB) để về Việt Nam thì vẫn được phép quay lại Australia trước khi BVB hết hạn.
Người phụ thuộc trên 18 tuổi nhưng dưới 25 tuổi, nếu chứng minh được đang đi học toàn thời gian, phụ thuộc tài chính vào cha mẹ và chưa lập gia đình thì vẫn thuộc trường hợp được phép nhập cảnh.
Luật sư Đỗ Gia Thắng cho biết những người thuộc đối tượng là người thân trực tiếp muốn nhập cảnh vào Australia cần lưu ý một số nội dung. Cụ thể, nếu chưa có thị thực nhập cảnh, thì bắt buộc vẫn phải xin thị thực, nhưng cần bổ sung trong hồ sơ các bằng chứng chứng minh mối quan hệ nhân thân với hai đối tượng nêu trên.
Nếu đã có thị thực vào Australia, cần gửi cho Bộ Di trú nước này các bằng chứng chứng minh mối quan hệ nhân thân với hai đối tượng ở trên và nhận được thư chấp nhận của Bộ Di trú trước khi khởi hành. Kể cả khi đã có thị thực, những người này cũng sẽ không được nhập cảnh khi chưa có thư xác nhận này.
Theo luật sư Đỗ Gia Thắng, đối với những người Việt tuy không thuộc ba trường hợp trên, nhưng nếu có lý do thật sự đặc biệt và cần thiết phải đến Australia khẩn cấp thì cũng có thể liên hệ với Bộ Di trú Australia để xin được áp dụng ngoại lệ. Lý do có thể được bộ trên chấp nhận trong thời điểm này có thể vì lý do nhân đạo, vì lợi ích công cộng hay bảo vệ việc làm cho nhiều người lao động Australia.
Luật sư Thắng nhấn mạnh, nếu quyết định tới Australia vào thời điểm này, người nước ngoài cần chú ý quy định về tự cách ly trong 14 ngày kể từ ngày đến, áp dụng cho cả công dân Australia. Nếu vi phạm, sẽ bị phạt, mức phạt có thể lên tới 20.000 AUD (13.200 USD) đối với cá nhân hay 100.000 AUD (66.000 USD) đối với doanh nghiệp và thậm chí phải ngồi tù, tùy theo luật về tình trạng y tế khẩn cấp của mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ.
Đối với người Việt đang ở Australia, luật sư Đỗ Gia Thắng cho biết, với những người có thị thực tạm trú, đang ở Australia mà chưa có điều kiện trở về Việt Nam, cần xin thị thực mới trước khi thị thực hiện tại hết hạn. Nếu thị thực của người đó quy định không được xin thị thực mới khi còn ở trên nước Australia (điều kiện 8503, 8534 và 8535) thì người đó có thể xin Bộ Di trú miễn áp dụng điều kiện này để có thể xin gia hạn thị thực hiện tại thêm một thời gian nữa. Trong trường hợp thị thực đã hết hạn mà vẫn chưa thể rời Australia, người đó cần xin thị thực bắc cầu loại E (BVE) càng sớm càng tốt, để tạm thời hợp pháp hóa tình trạng thị thực ở Australia.
Theo luật sư Đỗ Gia Thắng, chủ trương chung của Chính phủ Australia là sẽ áp dụng linh hoạt ở mức tối đa trong khuôn khổ pháp luật cho phép, tạo điều kiện cho những người đang mắc kẹt tại Australia có thể xin gia hạn thị thực hoặc cấp thị thực mới trong thời gian dịch bệnh.
Trong truờng hợp một người mới quay lại Australia và thay đổi ý định muốn về Việt Nam, người đó vẫn phải thực hiện đủ 14 ngày tự cách ly rồi mới được về vì quy định tự cách ly 14 ngày tại nhà áp dụng bắt buộc cho mọi trường hợp, chỉ trừ nhân sự trong ngành hàng không.
Riêng đối với du học sinh Việt Nam, ngày 20/3/2020, Bộ trưởng Giáo dục Australia đã có thông báo không áp dụng cứng nhắc áp dụng quy định của Quy chế Đào tạo học sinh quốc tế, tạo điều kiện cho các trường được phép thiết kế khoá học linh hoạt, kể cả học trên mạng (nếu có thể) và cho phép du học sinh Việt Nam được phép học từ xa tại Việt Nam. Tuy nhiên, du học sinh cần chủ động liên hệ với trường của mình về việc học từ xa các môn đã đăng kí cũng như hình thức thi để đảm bảo việc học không bị gián đoạn.