Trao đổi với phóng viên TTXVN tại LB Nga, ông Dương Hoàng Minh cho biết hiện quyết định loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT mới áp đặt đối với 7 ngân hàng của Nga, do đó hoạt động ngân hàng với Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu tình hình tiếp tục leo thang có thể xảy ra tình huống toàn bộ các ngân hàng của Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT, khi đó sẽ có tác động thực sự đến hoạt động ngân hàng với Việt Nam. Theo ông, trước mắt các doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga cần chờ đợi, bình tình theo dõi sát tình hình để có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Thành, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông, LB Nga cho các phóng viên TTXVN được biết có 2 vấn đề đang tác động tới hoạt động thương mại của Việt Nam với LB Nga, đó là vận tải và tỷ giá hối đoái của đồng ruble. Trong ngày 2/3, theo chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông, rất nhiều hãng tàu biển như Maerks Line, KMTC, MCC... đã đồng loạt dừng khai thác tuyến đi Nga. Như vậy, hàng hóa Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu sang Nga.
Theo ông Thành, việc tỷ giá đồng USD so với đồng ruble tăng cao sẽ làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng vào Nga do không thể tăng giá như mức tăng của đồng USD, đồng thời sức mua của người tiêu dùng cũng giảm xuống, do đó thị trường sẽ phải mất một thời gian để thích ứng.
Mặt khác, tình hình hiện nay cho thấy trong trung hạn, lượng hàng nhập khẩu vào Nga được dự báo sẽ giảm nhiều và người Nga sẽ chuyển sang sử dụng hàng nội địa nhiều hơn.
Trước đó, tại chợ bán buôn Liublino (Trung tâm Thương mại Moskva) ở thủ đô Moskva, nơi có đông người Việt Nam kinh doanh, nhiều tiểu thương người Việt đã không dám bán hàng, do giá USD tăng quá cao khiến hàng nhập vào có giá thành cao hơn giá dự kiến bán ra tại chợ.