Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu tại phiên khai mạc. |
Phát huy hiệu quả các tiềm năng tri thức của cộng đồng khoa học và chuyên gia người Việt Nam tại Pháp, tiếp nối truyền thống của các thế hệ trí thức người Việt tại Pháp đã từng tạo nên "Thế hệ vàng" trước đây về đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước là chủ đề nổi bật của sự kiện.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, đây là cuộc gặp gỡ những gương mặt tiêu biểu đại diện cho các hội đoàn và các cá nhân người Việt Nam tại Pháp đã và đang tích cực đóng góp vào các dự án hợp tác khoa học-kỹ thuật và công nghệ với Việt Nam, tham gia tư vấn cho các Bộ, ngành của Việt Nam về các chính sách phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, giáo dục...
Phát biểu khai mạc cuộc gặp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn cho biết buổi gặp mặt là sự kiện đã được ấp ủ từ lâu nhằm tiếp tục truyền thống kết nối giữa trí thức người Việt Nam tại Pháp. Theo Đại sứ, cộng đồng người Việt tại Pháp có quyền tự hào về đội ngũ trí thức và các nhà khoa học gốc Việt được đào tạo tại Pháp, với những đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước từ gần một thế kỷ qua.
Sẽ mãi mãi lưu danh tên tuổi những người con đất Việt được đào tạo tại Pháp góp phần làm nên lịch sử dân tộc Việt Nam đương đại như Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Hồ Đắc Di, Trần Hữu Tước, Võ Đình Quỳnh, Võ Quí Huân, Trần Văn Khê, Nguyễn Thiện Đạo…
Ngày nay, nhiều dự án, công trình của các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức trên mọi lĩnh vực đang được triển khai ở Việt Nam. Đặc biệt có thể kể tới các hoạt động khoa học không mệt mỏi của của vợ, chồng Giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc, các giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, Lê Văn Cường, Nguyễn Quý Đạo… Mỗi người, trên cương vị của mình, đều có những đóng góp tích cực, bằng hình thức này hay hình thức khác vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Nhấn mạnh chính sách được Đảng và Nhà nước xác định trong những năm tới theo đó khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu nhằm tránh sự tụt hậu, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực và trên trường quốc tế, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng đội ngũ trí thức Việt Nam tại Pháp với tiềm năng to lớn là hàng chục nghìn các chuyên gia và nhà khoa học hiện đang giữ trọng trách trong nhiều lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, kể cả chính trị của Pháp, có nhiều thế mạnh để đóng góp vào sự nghiệp hội nhập và phát triển đất nước, đưa đất nước tham gia thành công vào cuộc "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Phát biểu nhân dịp này, Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE) đã giới thiệu mạng lưới liên kết chuyên gia và các nhà khoa học người Việt tại Pháp do AVSE thiết lập trong những năm gần đây.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu có mặt tại cuộc gặp. |
Theo GS Nguyễn Đức Khương AVSE đã kết nối thành công, phối hợp hành động, góp phần nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt tại Pháp và tham gia tích cực trong nhiều dự án khoa học-kỹ thuật, đào tạo nhân lực, tham vấn chính sách phát triển kinh tế-xã hội với các đối tác là thể chế và tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam.
Ông cũng cho rằng môi trường làm việc tốt, cơ chế đãi ngộ và đón tiếp phù hợp là một trong những yêu cầu cơ bản trong việc huy động trí thức và chuyên gia người Việt ở nước ngoài, đồng thời qua đó có thể thu hút sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài, tạo ra sự cộng hưởng tích cực, đóng góp xây dựng quê hương.
Theo ông, đến thời điểm hiện nay, nhiều trường đại học và tổ chức trong nước đã có cách làm tốt để thu hút các đối tượng này. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một cơ chế chung, bao trùm, tạo hành lang để các cơ quan, tổ chức thực hiện một cách hệ thống và thống nhất việc thu hút và sử dụng nguồn chất xám này.
Về phần mình, Giáo sư Nguyễn Quý Đạo, Giám đốc cao cấp danh dự của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), người từng được nhận danh hiệu "Vinh danh nước Việt" đã giới chương trình hợp tác song phương Pháp-Việt về đào tạo kỹ sư chất lượng cao mà ông là một trong những người sáng lập.