Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Đại sứ - Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO, Lê Thị Hồng Vân, đại diện Viện INSA Blois, cùng vợ chồng giáo sư Vật lý Trần Thanh Vân và Kim Ngọc đã tham dự sự kiện.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá cao công lao đóng góp của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân trong việc thành lập và điều hành Quỹ học bổng RVN - Vallet. Đại sứ cho rằng những hoạt động này đã góp phần mang lại cơ hội để nhiều học sinh, sinh viên nghèo nhưng tài năng ở Việt Nam có thể tiếp cận với lâu đài của trí thức và khoa học, để từ đó lại tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của nền khoa học trong nước và quốc tế.
Đại sứ cũng nhấn mạnh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam đối với việc phát triển của khoa học công nghệ và bày tỏ sự trân trọng đối với vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân đối với đóng góp to lớn của ông bà trong sự nghiệp phát triển nền khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo của nước nhà. Về phần mình Đại sứ Lê Thị Hồng Vân đã nhấn mạnh ý nghĩa của buổi gặp gỡ, nhất là trong bối cảnh UNESCO kỷ niệm Năm khoa học cơ bản 2022 trên toàn thế giới.
Hai Đại sứ đều bày tỏ mong muốn Quỹ học bổng RVN - Vallet và tổ chức Gặp gỡ Việt Nam sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn nữa cho các học sinh và sinh viên ở Việt Nam, giúp các em phát huy được tài năng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Giới thiệu về quá trình học tập và làm việc tại Pháp, các thế hệ sinh viên thụ hưởng học bổng RVN - Vallet đều bày tỏ sự biết ơn tới vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và giáo sư Odon Vallet, cũng như tổ chức "Gặp gỡ Việt Nam" đã tạo cơ hội để các em được du học và phát triển. Các em cho rằng học bổng là sự hỗ trợ kịp thời và to lớn để họ trang trải cuộc sống du học xa nhà, tập trung học tập đạt các kết quả xuất sắc. Các giáo sư đại diện Insa Blois cũng đánh giá cao hiệu quả của chương trình hợp tác với các đối tác Việt Nam trong việc tạo cơ hội du học cho các em sinh viên tài năng có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 1993, giáo sư Vật lý Trần Thanh Vân và vợ là giáo sư Kim Ngọc về nước tổ chức chương trình Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam - RVN) lần thứ nhất, thu hút hàng trăm nhà vật lý nổi tiếng trên thế giới, trong đó nhiều người đoạt Giải thưởng Nobel. Một năm sau, Quỹ học bổng Gặp gỡ Việt Nam chính thức được thành lập theo sáng kiến của vợ chồng giáo sư, với mong muốn khuyến khích và chắp cánh cho các tài năng trẻ là học sinh và sinh viên ưu tú của Việt Nam, đặc biệt là những con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Năm 2000, được chứng kiến một buổi lễ trao học bổng đầy xúc động của Quỹ Gặp gỡ Việt Nam, giáo sư Odon Vallet, Tiến sĩ Luật, Giáo sư lịch sử tôn giáo tại Đại học Sorbonne (CH Pháp) đã bày tỏ mong muốn được cùng giáo sư Trần Thanh Vân đóng góp vào chương trình học bổng này. Ông muốn thực hiện di nguyện của người cha, lấy lãi hàng năm từ toàn bộ số tiền thừa kế gửi ngân hàng để tặng học bổng cho các bạn trẻ có thành tích học tập tốt tại Pháp, Bénin và Việt Nam. Cảm kích trước tấm lòng của giáo sư Odon Vallet, giáo sư Trần Thanh Vân đã quyết định đổi tên thành Quỹ học bổng Gặp gỡ Việt Nam - Vallet (RVN-Vallet).
Đều đặn hàng năm, cứ vào dịp năm học mới, giáo sư Odon Vallet và vợ chồng GS Trần Thanh Vân từ Paris sang Việt Nam, cùng nhau đi khắp các miền đất nước để tự tay trao học bổng đến các bạn trẻ. Tuy nhiên từ năm 2020, do dịch bệnh COVID-19, ông bà đã không thể sang trao học bổng trực tiếp, nhưng các hoạt động này vẫn được tiếp tục duy trì thông qua các ban đại diện của quỹ RVN-Vallet tại Việt Nam.
Từ hơn hai mươi năm qua, RVN-Vallet là quỹ học bổng phi chính phủ có quy mô lớn nhất và hoạt động lâu nhất tại Việt Nam. Cho đến nay quĩ đã trao gần 40.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu trẻ, trị giá hơn 350 tỷ đồng với sự gia tăng hàng năm cả về số lượng và giá trị học bổng. Bên cạnh những học sinh ưu tú ở các đô thị, học bổng Vallet đã giúp đỡ nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam tài năng và trẻ em các làng SOS, con em gia đình nghèo tại các vùng sâu, vùng xa từ núi rừng Tây Bắc, qua miền Trung, đến tận Đồng bằng sông Cửu Long. Trong số các em được nhận học bổng RVN - Vallet, có khoảng 400 em giành được huy chương trong các Kỳ thi Olympic Quốc tế các môn khoa học, được nhận vào học tại các trường đại học danh tiếng toàn cầu.
Từ năm 2007, thông qua sự giới thiệu của tổ chức Gặp gỡ Việt Nam, một chương trình hợp tác giáo dục giữa Đại học Huế và Viện khoa học ứng dụng quốc gia, Pháp (INSA Centre Val de Loire và INSA Toulouse) đã được triển khai nhằm đồng hành cùng các sinh viên ưu tú trong lĩnh vực khoa học ứng dụng, khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học - giáo dục. Chương trình bao gồm 2 năm đầu tại trường Đại học Sư phạm Huế và 3 năm tiếp theo tại INSA (Pháp). Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam hỗ trợ học phí cho các sinh viên thuộc chương trình này trong suốt 5 năm học. Đến nay, chương trình đào tạo này đã tạo cơ hội cho hơn 350 bạn trẻ tài năng sang du học tại Pháp trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo; tự động hóa, điện tử, viễn thông, vật lý địa cầu và vệ tinh…
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, giáo sư Trần Thanh Vân bày tỏ sự vui mừng trước những thành công của các em sinh viên và hy vọng các em trong tương lai với vai trò là những nhà nghiên cứu tài năng sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển của nền khoa học trong nước và quốc tế. Ông cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước Việt Nam tiếp tục ủng hộ cho các hoạt động của Quỹ học bổng RVN-Vallet để có thể mang lại nhiều hơn nữa cơ hội học tập và phát triển cho các em học sinh sinh viên tài năng, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn ở mọi vùng miền của đất nước Việt Nam.