“Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc...", giai điệu quen thuộc của bài “Tiến quân ca” vang lên giữa xứ người vào một buổi sáng mùa xuân nhưng đất trời còn nguyên giá lạnh sau đợt tuyết muộn màng khiến chúng tôi lặng đi vì xúc động. Tay ấp lên ngực, mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng, miệng hát vang. Tôi có cảm nhận dường như trong mỗi trái tim sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước Anh, hai tiếng Tổ quốc thật bình dị...
Lễ chào cờ khai mạc Giải bóng đá sinh viên Việt Nam tại Anh năm năm 2013. |
Khi bắt đầu ngược đường về phía bắc đến thành phố Birmingham dự lễ khai mạc vòng chung kết Giải bóng đá sinh viên Việt Nam tại Anh (SVUK Cup) năm 2013, tôi không thể nào hình dung được không khí sôi động nơi đây. Ồn ào, náo nhiệt đúng với "chất" sinh viên, vậy mà khi MC yêu cầu vào vị trí chuẩn bị làm lễ chào cờ, bạn nào bạn ấy se sẽ chỉnh lại trang phục rồi sắp thành hàng ngũ chỉnh tề, hướng về lá cờ Tổ quốc.
Phút thiêng liêng...
Nhạc cất lên, hàng trăm bạn trẻ trong hội trường rộng lớn đồng thanh hòa nhịp “Tiến quân ca” trầm hùng, nghiêm trang mà rung động lòng người. Họ đã hát bằng cả trái tim và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, bằng cả tình yêu quê hương đất nước chân thành. Dường như hát quốc ca là điều rất tự nhiên, không hề khiên cưỡng với mỗi sinh viên nơi đây. Đó cũng chính là một lần họ được sống trong tình đồng hương, nghĩa đồng bào sâu đậm, của tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt.
Sinh viên Việt Nam tại Anh với giai điệu quê hương mừng xuân. |
Hồ hởi gặp tôi sau lễ khai mạc, Nguyễn Thục Nga, Trưởng ban tổ chức SVUK Cup 2013 chia sẻ: Chào cờ và hát quốc ca là phần quan trọng nhất trước một giải đấu lớn, thường niên như SVUK Cup của cộng đồng sinh viên Việt Nam ở Anh. Vì thế, ban tổ chức đã cố gắng tạo ra một bầu không khí thật đầm ấm nhưng cũng không kém phần hào hứng, sôi nổi cho buổi lễ khai mạc. Mọi thành viên sẽ có cảm giác như mình đang ở ngay tại Việt Nam, và được sống trong khí thế sôi nổi của tuổi trẻ nỗ lực học tập để mai sau trở về xây dựng Tổ quốc.
Đối với Hội Sinh viên Việt Nam tại các trường đại học Anh (Vietsoc), chào cờ và hát quốc ca đã trở thành một nghi lễ không thể thiếu tại bất cứ sự kiện nào, dù lớn hay nhỏ. Các Vietsoc đều có quốc kì được giữ gìn cẩn thận, và phần nghi thức được luyện tập thành thục, vì thế không quá khó để chuẩn bị chu đáo cho lễ chào cờ - hát quốc ca. Vấn đề quan trọng nhất, theo bạn Thục Nga, có lẽ là khí thế và tinh thần của các bạn sinh viên. "Dù đang ở Anh, nhưng bọn em mong muốn các bạn học sinh được nghe, được hát quốc ca quen thuộc cũng như nhìn thấy lá cờ Tổ quốc đầy tự hào trước khi bước vào giải đấu", Thục Nga nói.
Lúc đầu, ban tổ chức cũng có đôi chút lo lắng, sợ mọi người ngại ngùng và hát quốc ca không đủ to, nhất là trong một không gian lớn. Vì thế, Thục Nga quyết định dùng bản nhạc có lời ca sĩ hát, thay vì chỉ dùng nhạc nền. Tuy nhiên, những lo lắng đó có lẽ là thừa khi tất cả mọi người đều đã cất cao giọng hát, thể hiện một khí thế hào hùng và trang nghiêm. Thục Nga chia sẻ: "Chỉ một chi tiết nhỏ như vậy cũng đủ để thấy ý chí của tuổi trẻ Việt Nam ở khắp năm châu. Đối với riêng cá nhân em, đó là một trong những lần hát quốc ca đáng nhớ nhất".
Hướng về đất nước
Gặp gỡ những sinh viên đầy nhiệt huyết nơi đây, tôi chợt nhận ra nhiều cung bậc mới mẻ của tình yêu quê hương đất nước của người Việt khi xa xứ. Tình yêu đó thật dễ hiểu và chân thật. Đúng như Thục Nga tâm sự, khi còn là một cô bé sống trong sự bao bọc của gia đình ở Việt Nam, những ngày lễ như 30/4 hay 1/5 cũng như những ngày nghỉ bình thường khác, cô thường được đi chơi, được xem nhiều chương trình hấp dẫn trên tivi.
Khi sang đây, Nga nhớ đến nao lòng những ngày lễ đó. Và để vơi đi nỗi nhớ, để hướng về Tổ quốc trong ngày thống nhất non sông, mọi người thường tập trung lại, cùng nhau đi chợ và nấu những món ăn Việt. Chia sẻ với nhau niềm vui và nỗi nhớ, lòng nhủ lòng cố gắng học tập để nhanh chóng về với gia đình, với quê nhà. "Những lúc đấy, tình yêu quê hương đất nước chính là nguồn năng lượng lớn nhất tiếp thêm sức mạnh cho mỗi sinh viên Việt Nam đang sống và du học tại Anh", Thục Nga chia sẻ.
Tìm về với nguồn cội để có thêm sức mạnh vững bước đi lên, các Vietsoc tại nhiều trường đại học của Anh đã thực sự trở thành cầu nối, không chỉ quảng bá hình ảnh đất nước mà còn giúp đỡ sinh viên mới hội nhập với môi trường giáo dục. Các Vietsoc còn tổ chức hoạt động gây quỹ giúp đỡ người nghèo và nạn nhân chất độc da cam/điôxin ở trong nước, nhất là vào những dịp lễ lớn. Thật thiêng liêng nhưng cũng rất bình dị, Tổ quốc đang chắp cánh cho mỗi sinh viên du học "tiến lên, cùng tiến lên” để “Nước non Việt Nam ta vững bền”.
Bài và ảnh: Lê Phương (P/v TTXVN tại Luân Đôn)