Theo phóng viên TTXV tại Đức, phát biểu chào mừng hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Thính – Chủ tịch VGI Network, bày tỏ mong muốn buổi tọa đàm trực tuyến đầu tiên do VGI Network tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực sẽ giúp cung cấp một bức tranh toàn cảnh về đại dịch COVID-19, đồng thời giải đáp, làm rõ thêm những vấn đề liên quan dịch bệnh. Giáo sư Nguyễn Xuân Thính cũng cho biết VGI Network đã và đang góp phần tích cực vào việc chia sẻ kiến thức, lấy khoa học làm định hướng để cung cấp các thông tin khoa học liên quan dịch bệnh cho cộng đồng.
Tại hội thảo, những người tham gia đã cung cấp những thông tin về tình hình dịch Covid-19 ở Đức, trong đó nhận định bất chấp những số liệu cho thấy số ca nhiễm mới đã giảm, song còn quá sớm để nhận xét về xu hướng của dịch trong thời gian tới khi chưa có thuốc và vaccine đặc hiệu. Các đại biểu cũng đưa ra nhận định cho rằng Chính phủ Đức đã và sẽ tiếp tục có những điều chỉnh chính sách phù hợp để người dân có thể sống chung với dịch cũng như kiểm soát chặt các ổ dịch, tránh những bùng phát mới.
Tiến sĩ Lê Đức Dũng, chuyên gia miễn dịch học thuộc Đại học Würzburg, nhận định sự lây lan của virus sẽ giảm vào mùa Hè, một mặt bởi trong mùa Hè, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn, mặt khác bởi cấu trúc virus nhạy cảm với nhiệt độ cao và chúng sẽ không thể tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài, do đó sẽ làm giảm tốc độ lây nhiễm.
Tiến sĩ Hoàng Xuân Chiến, chuyên gia về công nghệ sinh học, cũng cho biết các nhà khoa học và các viện nghiên cứu trên thế giới đang nỗ lực hết sức nhằm nhanh chóng phát triển các bộ kít xét nghiệm, thuốc và vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2. Theo thống kê sơ bộ, hiện có trên 100 loại thuốc và vaccine đang được phát triển trên thế giới, trong đó một số đang được thử nghiệm lâm sàng. Các đại biểu cũng cung cấp thông tin về các bước phát triển thuốc cũng như thử nghiêm lâm sàng, trong đó nhận định do đặt hệ số an toàn lên cao nhất nên thuốc và vaccine khó có thể được đưa ra thị trường trước cuối năm nay.
Liên quan các thông tin giả (fake news) trong thời kỳ dịch bệnh, các chuyên gia cũng nhấn mạnh khía cạnh tiêu cực do tin giả gây ra, có thể gây hoang mang, hoảng loạn và lo lắng không cần thiết trong cộng đồng, làm sai lệch việc bảo vệ cơ thể trước virus cũng như không góp phần vào nỗ lực chung chống đại dịch.
Về những ảnh hưởng của các doanh nghiệp người Việt ở Đức trong và sau dịch bệnh, Luật sư Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức cho biết các doanh nghiệp người Việt, đa phần là những doanh nghiệp nhỏ và tự lập, đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi không còn doanh thu do các biện pháp hạn chế chống dịch bệnh.
Hội Doanh nghiệp cũng đã có những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp như cung cấp thông tin về các gói cứu trợ, tham gia các diễn đàn để lan tỏa thông tin cần thiết cho các doanh nghiệp người Việt. Giám đốc nhà xuất bản Horami và là người đồng sáng lập chiến dịch #Hayonha (hãy ở nhà), chị Hạnh Nguyễn-Schwanke, cũng chia sẻ thông tin cụ thể về những gói hỗ trợ và tín dụng ưu đãi của Chính phủ cho các doanh nghiệp và hộ gia đình. Chị cũng giới thiệu cổng thông tin với sự bảo trợ, đồng hành của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để cung cấp các thông tin tin cậy cho cộng đồng người Việt cũng như các doanh nghiệp người Việt ở Đức.
Thay mặt Đại sứ quán, Tham tán Công sứ Đặng Chung Thủy đã đánh giá cao sáng kiến tổ chức buổi hội thảo trực tuyến, giúp cộng đồng hiểu rõ, không chủ quan, song cũng không hoang mang trước dịch bệnh COVID-19. Ông Đặng Chung Thủy cũng cho biết ngay khi dịch bệnh bùng phát ở Đức, Đại sứ quán đã phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn người Việt, các cơ quan hữu quan của Đức và Việt Nam để cung cấp kịp thời thông tin cho bà con về công tác phòng chống dịch bệnh. Đường dây nóng của Đại sứ quán hoạt động 24/7 để hỗ trợ tối đa và giải đáp mọi thắc mắc của bà con.
Bên cạnh đó, với sự nỗ lực của Đại sứ quán và các cơ quan liên quan, không có trường hợp nào bị kẹt tại các sân bay ở Đức khi các nước hạn chế hàng không, đóng cửa biên giới. Theo ghi nhận của Đại sứ quán, cho đến thời điểm này này đã có vài chục trường hợp bà con người Việt mắc COVID-19. Về trường hợp một người Đức gốc Việt không may qua đời ở München do SARS-CoV-2, đại diện Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán tại Frankfurt đã thăm hỏi, động viên và sẵn sàng có những trợ giúp cần thiết cho gia đình bệnh nhân xấu số này.
Đại sứ quán cũng đã làm việc với Bộ Y tế liên bang Đức để trao đổi nhằm nâng cao sự phối hợp giữa hai nước trong phòng chống dịch, đồng thời đề nghị phía Đức quan tâm, giúp đỡ bà con cộng đồng trong trường hợp có những rủi ro liên quan sức khỏe và tính mạng. Theo ông Đặng Chung Thủy, sự hợp tác giữa Đức và Việt Nam rất chặt chẽ trong suốt thời gian dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ nhau ở cấp chính phủ về trang thiết bị y tế, hợp tác trong nghiên cứu khoa học chống dịch, trong khi cộng đồng người Việt ở Đức cũng tích cực chung tay may khẩu trang, cung cấp các suất ăn miễn phí cho các bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên Đức ở tuyến đầu chống dịch. Theo ông, đây chính là những ví dụ sinh động của quan hệ hai nước khi hai bên thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay.
Trong hơn một giờ trao đổi, các đại biểu đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về dịch bệnh cũng như tình hình bà con và doanh nghiệp người Việt ở Đức. Đã có nhiều câu hỏi được gửi trực tiếp tới ban tổ chức và hàng nghìn lượt người xem trực tuyến khi buổi hội thảo được phát trên trang fanpage của VGI Network.