"Nghệ thuật Việt Nam, cách tiếp cận mới" là tên một Hội thảo diễn ra ngày 4/9 tại Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia châu Á – Guimet. Đây là một hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện văn hóa nổi bật gồm triển lãm tranh sơn mài, các buổi hội thảo, thảo luận bàn tròn và chiếu phim tư liệu diễn ra trong các ngày 4, 5 và 6/9 tại nhiều bảo tàng và Viện nghiên cứu nghệ thuật tại Paris.Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại Pháp 2014 do Trung tâm Nghiên cứu về Viễn Đông thuộc trường Đại học Paris-Sorbonne tổ chức trên cơ sở phối hợp với nhiều đối tác Pháp và Việt Nam như Viện Pháp, chính quyền Vùng Ile-de-France và Thành phố Paris, Hội Hữu nghị Pháp-Việt, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Viện Khảo cổ học Việt Nam...
Quang cảnh buổi Hội thảo về Nghệ thuật VN tại Bảo tàng Guimet, Paris. |
Trong ba ngày, các nhà nghiên cứu và giới nghệ thuật Việt Nam, Pháp và nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Singapore sẽ trao đổi, thảo luận về nền nghệ thuật Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử và đương đại, trải rộng trên các lĩnh vực từ hội họa, điêu khắc, sơn mài, gốm sứ, thiết kế thời trang, đến khảo cổ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng bày tỏ niềm vui và tự hào khi các loại hình nghệ thuật Việt Nam được giới thiệu và trưng bày tại các địa chỉ văn hóa uy tín Viện Lịch sử Nghệ thuật quốc gia của Pháp (INHA), Bảo tàng Quai Branly, Bảo tàng Guimet…
Theo Đại sứ, nghệ thuật là tổng thể các nét riêng biệt cho phép một xã hội, một dân tộc khẳng định bản sắc; việc nghiên cứu, trao đổi và chia sẻ về nghệ thuật giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân và về các dân tộc khác, các nền văn hóa khác, vì nghệ thuật phản ánh vẻ đẹp và tâm hồn mỗi dân tộc đồng thời truyền tải các giá trị và nhận thức về thế giới của dân tộc đó.
Đại sứ nêu rõ: "Có thể nói đây là lần đầu tiên, nghệ thuật Việt Nam được đề cập một cách tổng thể trong khuôn khổ một hội thảo khoa học. Đây cũng là dịp để giới nghiên cứu và các nhà chuyên môn trao đổi về các nét đặc sắc của nghệ thuật Việt Nam, sự vận động và hội nhập của nghệ thuật Việt Nam, các hình thức và cách làm của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật, góp phần vào sự đa dạng các nền văn hóa của thế giới".
Về phần mình, ông Xavier Darcos, Chủ tịch Viện Pháp – đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại giao Pháp chịu trách nhiệm về triển khai mùa giao lưu văn hóa giữa Pháp và Việt Nam, bày tỏ sự hài lòng về việc thêm một hoạt động trao đổi văn hóa có ý nghĩa được tổ chức tại Paris, đáp ứng sự mong mỏi của công chúng Pháp là được "chia sẻ di sản tri thức của Việt Nam", đồng thời "góp phần vào thành công của Năm Việt Nam tại Pháp".
Ông cũng cho rằng trong quan hệ Pháp-Việt, còn rất nhiều ký ức cần phải được chia sẻ, được giới thiệu để người dân hai nước hiểu thêm về quá khứ, về lịch sử trong rất nhiều lĩnh vực nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong giai đoạn hiện nay.
Tin, ảnh: Bích Hà (
P/v TTXVN tại Pháp)