Mặc dù ở nước ngoài, nhưng để nhớ về ngày Tết quê hương, những người Việt xa quê vẫn chuẩn bị mâm cơm cúng trong 3 ngày Tết với đầy đủ các món ăn truyền thống và quây quần bên bạn bè, đồng nghiệp cùng chúc Tết nhau như tại Việt Nam.
Chị Trần Tú Anh - trước đây làm biên tập viên của một đài truyền hình thường trú tại TP Hồ Chí Minh, hiện đang định cư tại thành phố Brentwood thuộc East Bay vùng vịnh San Francisco cho biết: "Gia đình tôi qua Mỹ định cư từ cuối năm 2012, đón Tết này là Tết thứ 6 ở Mỹ. Nói chung gia đình tôi vẫn duy trì thói quen làm một mâm cơm cúng đêm Giao thừa tiễn năm cũ và một mâm cơm cúng sáng Mùng 1 Tết để đón chào năm mới. Chúc thọ cha mẹ và lì xì mừng tuổi cho tụi nhỏ trong gia đình vào sáng Mùng 1 Tết. Sau đó cùng nhau ăn uống rồi đi hội chợ chơi".
Chị Tú Anh dù ở nước ngoài nhưng vẫn chuẩn bị mâm cơm cúng ngày Tết như ở quê hương. |
Chị Tú Anh cho biết, ở khu vực Bắc California này, cộng đồng người Việt thường mua sắm tại trung tâm thương mại Grand Century, chợ Lion Plaza và hệ thống cửa hàng Lee's Sandwiches. Những nơi này có bán các món ăn người Việt thường dùng trong dịp Tết, đặc biệt là có bánh chưng, bánh tét với size lớn hơn bình thường và có dán sẵn giấy đỏ để bà con mua về trưng Tết. "Gia đình tôi thường hay mua đồ cúng Tết ở cửa hàng giò chả Đức Hương và cửa hàng Lee's Sandwiches trên đường Story Road - San Jose. Giò chả, bánh chưng bên này rất ngon và giá cả cũng không đắt hơn ở Việt Nam bao nhiêu, chẳng hạn một đòn bánh tét nặng 2 kg có giá khoảng 12 đô la”, chị Tú Anh cho hay.
Theo chị Tú Anh, Tết Nguyên đán thường rơi vào tháng 1 hoặc tháng 2 không trùng với Tết dương lịch nên bà con kiều bào ở Mỹ vẫn phải đi làm. Tuy nhiên, nếu ngày 30 và Mùng 1 Tết rơi đúng và ngày cuối tuần thì sẽ có hội chợ Tết của cộng đồng người Việt. Nếu Tết rơi vào giữa tuần thì hội chợ Tết sẽ được tổ chức vào dịp cuối tuần trước Tết vài ngày hoặc cuối tuần sau Tết vài ngày ở những khu vực tập trung nhiều người Việt sinh sống như San Jose (Bắc California) và quận Cam (Nam California). Đôi khi, hội chợ Tết còn được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng, sau Tết 2 tuần nhưng vẫn thu hút đông đảo kiều bào tham dự. Hội chợ Tết Mậu Tuất 2018 được tổ chức trong 3 ngày (16, 17 và 18/2) cũng tại những vùng đông người Việt sinh sống.
Gia đình chị Tú Anh quây quần bên mâm cơm ngày đầu năm mới. |
Trong khi đó, anh Nguyễn Đăng Khoa (quê ở Bà Rịa – Vũng Tàu) hiện đang làm việc tại Nhật Bản cho biết, Tết Mậu Tuất 2018 là năm thứ 5 anh làm việc và sinh sống ở Nhật Bản. Anh Khoa sang Nhật theo diện du học sinh, sau đó làm việc và định cư tại Nhật Bản.
Anh Khoa chia sẻ, năm nào cũng vậy, Tết đến anh rất nôn nao hướng về quê nhà, nơi có bố mẹ già và những người thân yêu của mình. Buồn hơn nữa là người Nhật không ăn Tết âm lịch như người Việt mà chỉ Tết cổ truyền “xài chung” cùng với Tết dương lịch nên vào thời điểm Tết Nguyên đán của Việt Nam, anh Khoa vẫn phải đi làm. Tuy nhiên, để cảm nhận đủ đầy hương vị Tết, anh Khoa và các bạn sinh viên người Việt cũng đặt mua bánh chưng, mứt và gia vị của Việt Nam. Sau đó góp chung và cùng nhau nấu nướng các món ăn trong ngày Tết Việt Nam để trong đêm Giao thừa, họ tụ họp lại kể chuyện cho nhau nghe chuyện công việc, quê hương và dành cho nhau những lời chúc Tết ý nghĩa nhất.
“Năm đầu tiên đón Tết ở đây tôi rất nhớ gia đình, nhớ mọi thứ ở quê nhà, nhớ những buổi chiều cùng đám bạn rủ nhau đi tắm biển Vũng Tàu, đi chợ mua quần áo Tết và nhớ lũ bạn vẫn cùng nhau đi chơi hội đầu Xuân. Sang năm thứ hai tôi dần quen và bây giờ đã 5 năm rồi, nhất định Tết năm tới tôi sẽ về đoàn tụ với gia đình”, anh Khoa chia sẻ thêm.
Chị Cẩm Ly gặp mặt bạn bè trong những ngày đầu năm mới để cùng chúc Tết nhau. |
Đối với những người định cư ở nước ngoài, năm đầu tiên đón Tết ở khu vực ít người Việt sinh sống cũng rất buồn và nhớ Tết quê. Chị Cẩm Ly (quê ở Khánh Hòa) theo chồng định cư tại thành phố Falun (Thụy Điển) từ năm 2013. Falun là một thành phố nhỏ và ít người nhập cư từ châu Á. Chị Cẩm Ly cho biết, Tết đầu tiên chị nhớ quê hương vô cùng nên cũng muốn làm món gì đó mang hương vị Tết. Ngặt nỗi mới sang nên chị không biết nhiều về các nguồn đặt mua thực phẩm từ châu Á nên chỉ nấu ít chè đậu, mua trái cây cúng ông Táo và nấu món miến măng gà, làm ít nem rán đãi gia đình. Đến năm thứ 3, chị quen hai bạn Việt Nam sống cùng thành phố, qua người bạn chị biết thêm một số anh chị kiều bào khác sống tại thành phố Borlänge kế bên.
“Chúng tôi đã lên ý tưởng cùng nhau ăn Tết. Mỗi gia đình tự nấu một món và mang đến góp vui với các gia đình khác tại phòng tiệc của chung cư tại trung tâm Borlängre. Ngoài vài gia đình Việt Nam còn có thêm các gia đình Trung Quốc và Triều Tiên tham gia. Buổi tiệc rất vui và ấm cúng với mâm cỗ đầy đủ các món ngon ngày Tết”, chị Cẩm Ly vui vẻ cho biết. Theo chị Ly, Tết năm nay, chị tiếp tục làm các món ngon và cho các con mặc áo dài chụp ảnh kỷ niệm, sau đó cả nhà cùng chúc Tết gia đình, bạn bè tại Việt Nam qua Facebook.
Theo gia đình qua Berlin (CH Liên bang Đức) định cư năm 1997, chị Ngô Vân Anh (quê Hưng Yên) hầu như lúc nào cũng đau đáu nghĩ về quê hương. Vân Anh kể, sang Berlin từ năm 15 tuổi, thời gian đầu vất vả lắm, lại không thông thạo tiếng Đức nên hòa nhập với môi trường mới thật khó khăn. Nhưng điều làm Vân Anh buồn nhất là 19 năm rồi không được ăn Tết cùng mẹ và em trai ở quê nhà. Điều an ủi nhất với Vân Anh là nơi cô sống có nhiều người Việt nên những ngày Tết các gia đình này thường tụ họp với nhau để ôn lại không khí Tết cổ truyền quê hương.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu người đang định cư ở 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, việc đi lại giữa Việt Nam với các nước bây giờ dễ dàng như "đếm ngón tay", tuy vậy đâu phải cứ nhớ Tết quê là lên máy bay trở về được. Vì thế, mỗi dịp Tết đến Xuân về họ lại đau đáu nỗi nhớ quê hương.