Người Việt ở Séc: Dẫu khó khăn vẫn có Xuân an vui

Dù năm 2016 làm ăn khó khăn và tồn tại nhiều lo ngại cho việc kinh doanh trong tương lai nhưng nhìn chung cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc vẫn đón năm mới 2017 theo tinh thần “Xuân an vui”.

Hát Quan họ trong lễ đón chào năm 2017 của cộng đồng người Việt tại tỉnh Pardubice.

Ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc cho biết, mong muốn và cũng là nhiệm vụ của Hội cũng như của 50 chi hội địa phương và 30 tổ chức thành viên là để tất cả 65.000 người Việt ở khắp mọi nơi trên đất nước Séc đều được đón năm mới một cách vui vẻ và yên bình.

Người Việt ở Séc đón Giáng sinh và Năm mới dưới nhiều hình thức và quy mô. Trước hết là ở quy mô chi hội cấp tỉnh, cấp huyện và thành phố của Hội Người Việt Nam.

Ban chấp hành các chi hội có trách nhiệm hằng năm đứng ra tổ chức một số hoạt động giao lưu chính nhân các dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, Giáng sinh và Năm mới dương lịch, Quốc khánh, Trung Thu, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Ngày Quốc tế phụ nữ, Ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam…

Việc chọn ra sự kiện nào để tổ chức, hình thức và quy mô ra sao phụ thuộc vào số lượng người tham gia, điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí. Năm nay cộng đồng Việt Nam tại tỉnh Pardubice đón năm mới 2017 cùng với việc tổ chức Đại hội lần thứ nhất Hội Người Việt Nam cấp tỉnh.

Bên cạnh các chi hội địa phương là các hội thành viên của Hội Người Việt Nam như Hội Phật tử, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Thanh viên –sinh viên... Năm nay Hội Phật tử tổ chức lễ đón năm mới cho bà con phật tử với tên gọi Xuân an vui.

Bên cạnh chương trình văn nghệ là bài thuyết giảng về đạo làm người của các Đại đức được mời từ Việt Nam sang.

Những năm gần đây các hội đồng hương cũng tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu nhằm tăng thêm tình cảm gắn bó giữa các hội viên. Hội Đồng hương Quảng Bình là một trong số đó. Hội thường kết hợp lễ đón Giáng sinh và Năm mới với việc tổng kết hoạt động trong một năm.

Những cuộc gặp gỡ, giao lưu nhân dịp năm mới cũng là một cách thức để người Việt tạm quên đi những vất vả trong năm 2016 và “xốc” lại tinh thần để đương đầu với những khó khăn trong năm 2017.

Nhìn từ góc độ hiệu quả kinh doanh, năm 2016 là năm khá chật vật với cộng đồng Việt Nam tại CH Séc. Mô hình kinh doanh theo hộ gia đình của người Việt đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và không cân sức với các “đại siêu thị” của nhiều tập đoàn xuyên quốc gia. Sự cạnh tranh này diễn ra từ lâu nhưng mỗi năm lại tăng thêm một mức độ.

Lễ đón Giáng sinh và Năm mới của những người con Quảng Bình tại Séc.

Trong mấy năm qua hình thức làm ăn chủ yếu của các tiểu thương Việt là kinh doanh thực phẩm và hàng vải bình dân ở quy mô nhỏ và trung bình. Theo con số thống kê từ hai năm trước, cứ năm cửa hàng bán thực phẩm, hoa quả, thuốc lá và rượu thì có một thuộc về những người nhập cư châu Á, chính xác là người Việt.

Tỷ lệ này đã tăng vào thời điểm hiện nay. Hai phần ba các cửa hàng thực phẩm kiêm tạp hóa của người Việt rộng không quá 50m2, số còn lại có diện tích từ hơn 50 đến 100m2. Nhưng để tồn tại và phát triển trong thời buổi hiện nay thì không gian như vậy là quá chật hẹp, không có đủ mặt hàng để khách hàng nhắm tới.


Những năm vừa qua là thời kỳ các “ông lớn” trên thị trường bán lẻ xuyên quốc gia đổ bộ ồ ạt vào Séc. Họ ở vị thế “đá chọi trứng” so với các tiểu thương Việt nói riêng và các ông chủ nhỏ ở Séc nói chung. Hàng hóa ở các đại siêu thị phong phú, có nguồn gốc rõ ràng giá không đắt. Các trung tâm mua sắm lớn thường xuyên có các đợt giảm giá để câu khách và chi rất nhiều tiền cho quảng cáo.

Bên cạnh sự cạnh tranh từ các đại siêu thị thì sự cạnh tranh nội bộ của người Việt với nhau trong năm 2016 cũng gay gắt hơn trước. Đơn giản là các cửa hàng mở ra càng nhiều mà lĩnh vực kinh doanh của cộng đồng người Việt lại rất hạn hẹp – thực phẩm, hàng vải, làm nail, nhà hàng…

Tại con phố trung tâm ở một thị trấn nhỏ thuộc huyện Louny, tỉnh Usti, CH Séc, cứ dăm chục bước chân chúng tôi lại gặp một cửa hàng thực phẩm của người Việt. Dân chỉ có vài nghìn mà riêng cửa hàng của chủ Việt đã hơn chục, tính trung bình mỗi cửa hàng phục vụ chưa đầy 100 người.

Các cửa hàng cố hút khách bằng cách hạ giá, đến mức giá nhập và giá bán chênh nhau rất ít, có mặt hàng giá bán bằng giá mua. Nhiều cửa hàng thực phẩm của người Việt còn tồn tại được là do những ông chủ, bà chủ không thuê nhân viên để giảm chi phí và vợ chồng, con cái thay nhau làm việc từ sáng sớm đến 10, 11 giờ đêm, không nghỉ cuối tuần, ngày lễ.

Tuy nhiên, thử thách lớn hơn đối với cộng đồng người Việt tai CH Séc đang ở phía trước, từ tháng 3/2017, khi luật về thống kê doanh thu trực tuyến (EET) được áp dụng rộng rãi. Các chi phí tăng, trong có thuế doanh thu, trong khi hàng hóa tiêu thụ chậm là bài toán khó đối với những người kinh doanh nhỏ ở Séc nói chung và các tiểu thương Việt nói riêng.

Tin, ảnh: Quang Vinh (P/v TTXVN tại CH Séc)
Hợp tác kinh tế Việt – Séc theo mô hình địa phương với địa phương
Hợp tác kinh tế Việt – Séc theo mô hình địa phương với địa phương

Ngày 22/12, tại thành phố Karlovy Vary Đại sứ Trương Mạnh Sơn và ban lãnh đạo tỉnh cùng tên đã có buổi làm việc về thúc đẩy hợp tác đầu tư - thương mại – du lịch giữa Việt Nam theo mô hình địa phương với địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN