Người Việt ở Vitré đón Tết

Nhân một chuyến đi công tác đầu năm mới 2013, chúng tôi có dịp được tham dự Tết cổ truyền Quý Tỵ với bà con lao động người Việt Nam tại Vitré, một trong 18 thành phố chính của tỉnh Ille-et-Vilaine (thuộc vùng Bretagne rộng lớn), cách thủ đô Paris (Pháp) hơn 300 km. Họ là những người sang Pháp lao động theo chương trình hợp tác từ năm 2002, trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thịt gia súc, gia cầm tại các công ty Pháp như Go Interim, Euroviande, Codeviande... 

Bà con người Việt tại Vitré quây quần gói bánh chưng.



Không khí vào những ngày giáp Tết âm lịch của bà con lao động nơi đây thật đầm ấm và vui vẻ, và càng trở nên sôi nổi, nhộn nhịp hơn khi lần đầu tiên họ được đón các nhà báo Việt Nam cùng đến tham dự. Tất cả đón tiếp chúng tôi trong sự nồng ấm và tình cảm như những người thân trong gia đình đi vắng lâu ngày, nay được trở về sum họp.

Khác với mọi năm, Tết thường được tổ chức ở hội trường lớn hơn, nhưng năm nay được tổ chức tại nhà anh Lê Anh Tuấn và chị Ngô Thị Nguyệt, một trong những gia đình sang Pháp sớm nhất để lập nghiệp trong lĩnh vực này. Ngôi nhà được xây dựng trong một khuôn viên rộng thoáng và giản dị như chính tấm lòng của anh chị và của những người con đất Việt sống và làm việc xa quê hương đất nước từ nhiều năm nay, như anh Nguyễn Trắc Hảo, anh Phạm Bá Năm, chị Vũ Thị Thủy, anh Nguyễn Trọng Thắng, anh Nguyễn Xuân Cường hay bác Trần Việt Hùng, Kim Bùi Thái…


Những cuộc hội ngộ như thế này cũng là
dịp để những người lao động quanh năm vất vả có thể ngồi lại bên nhau ôn lại những kỉ niệm, tận hưởng một cái Tết ấm áp tình anh em và được sống với một không khí rất “quê” nơi đất khách, và làm vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương xứ sở da diết.

Đến tham dự Tết với các bạn ở “làng” Vitré, chúng tôi không chỉ được thưởng thức những món ăn cổ truyền măng khô, nem, miến, thịt gà luộc với lá chanh, giò, chả…, mà còn được chứng kiến các bạn tổ chức Tết với đầy đủ các “khâu” từ A đến Z - từ khâu chế biến thịt lợn để gói bánh chưng, gói giò, rửa lá dong, vo gạo, hấp đỗ xanh, gói bánh chưng, rồi nổi lửa luộc bánh, vớt bánh… Được sống cùng các bạn trong không khí này, chúng tôi cũng có cảm giác như đang được đón Tết tại chính gia đình mình vậy !


“Bật mí” cho phóng viên TTXVN tại Pháp biết những kỹ thuật làm giò, anh Lê Anh Tuấn cho biết công thức gói giò về cơ bản cũng giống như ở Việt Nam nhưng ở quê nhà có đầy đủ lá chuối, lạt và một số thứ “phụ kiện" khác nên nhìn cái giò đẹp và “chuẩn” hơn. Bên này, lá chuối rất ít, phải mua từ những chợ châu Á ở Paris (khoảng 300.000 đồng/kg) hoặc gửi từ Việt Nam sang.

Để đỡ tốn lá, các anh đã phải dùng khuôn bằng nhôm đặt làm từ Việt Nam. Vì không có cối giã, các bạn phải xay thịt bằng cái cối rất tự tạo - đó là một moteur điện được nối với một cái xoong nhôm không to lắm. Mỗi lần xay thịt chỉ đủ gói một cây giò khoảng một cân. Dù không dùng bất cứ chất phụ gia nào, nhưng các sản phẩm vẫn rất tuyệt vời về chất lượng.


Bác Kim Bùi Thái, một trong những người nhiều tuổi nhất ở đây, không giấu nổi vui mừng và cảm xúc của mình khi được cùng lớp thanh niên con cháu mình chuẩn bị cho Tết. Bác Thái nhấn mạnh bác luôn mong muốn và khuyến khích các thế hệ con cháu gói bánh chưng để dâng lên bàn thờ thắp hương tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên và nhớ về cội nguồn mỗi khi Tết đến xuân về. Đây là một phong tục, một nét đẹp riêng biệt của văn hóa Việt Nam cần được các thế hệ con cháu gìn giữ và phát huy. Vì thế, dù ở cách xa Vitré 80 km, bác vẫn dậy từ rất sớm để đến với buổi lễ Tết này.


Theo bác Thái, cách gói bánh chưng cũng được truyền lại từ nhiều thế hệ ông bà tổ tiên. Cũng như gói giò, cái khó nhất của gói bánh là phải tìm mua cho được lá dong và lạt. Ở Vitré, lạt có thể được thay thế bằng dây nylon, chứ lá dong thì phải nhập từ Việt Nam vì không có gì thay được. Dù vậy, không chỉ có bánh chưng, nhiều Tết trước đây bác cùng các bạn thanh niên còn gói cả bánh tét của miền Nam, bánh gai và bánh mật của miền Bắc.


Về phần mình, anh Nguyễn Trắc Hảo cho biết khi được ngồi "canh" nồi bánh chưng, anh khó tránh khỏi chút ngậm ngùi khi nghĩ về không khí đón Tết ở quê nhà. Quê anh dịp Tết, gia đình nào cũng phải có bánh chưng. Có nhiều gia đình dù thường ngày kinh tế gặp không ít khó khăn nhưng vẫn cố gắng làm cho được một nồi. Bánh chưng cùng với mâm ngũ quả, giò, chả,… được dâng lên bà thờ để bày tỏ lòng thành kính đối với các bậc tiền bối và ông bà tổ tiên.


Ở đây, nhiều bạn bè Pháp cũng được mời tham dự Tết của Việt Nam. Mỗi lần như vậy, các bạn Pháp lại có thể hiểu được sâu sắc hơn những phong tục tập quán và nét đẹp truyền thống của đất nước và con người Việt Nam, như thờ cúng tổ tiên, mừng tuổi trẻ em, người già, mọi người đều chúc nhau một năm mới với nhiều điều tốt đẹp hơn.



Lê Hà – Nguyễn Tuyên

Phố phường Hà Nội rực rỡ đón Tết
Phố phường Hà Nội rực rỡ đón Tết

Khoảng hơn tuần nay, đi dọc các trục phố chính Hà Nội, mọi người đã cảm nhận không khí Tết đang về. Phố phường được trang hoàng đầy màu sắc, và việc dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến phố cũng được khẩn trương triển khai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN