Người Việt xoay sở trong cơn khủng hoảng Ukraine

Cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị suốt 2 năm qua ở Ukraine không chỉ đẩy người dân nước này vào cảnh bần cùng mà còn khiến hầu hết người Việt kinh doanh tại chợ đối mặt với vô vàn khó khăn để tồn tại.

Hình ảnh cửa đóng then cài tại chợ Barabanshova .

Nhiều người đã trở về Việt Nam, những người còn ở lại bám trụ phải vất vả xoay sở mới có thể đảm bảo đủ nuôi sống gia đình. Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại các chợ đầu mối 2 thành phố Kharkov và Kiev.

Cần nói rằng, với những người am hiểu, chợ chính là niềm hy vọng, nơi kiếm tiền, nơi đảm bảo cuộc sống cho đại bộ phận người Việt kinh doanh ở Ukraine hay Nga. Tại chợ Barabanshovo ở thành phố Kharkov, quang cảnh một chợ đầu mối tấp nập, chuyên cung cấp hàng hóa tới Nga, Donbass và bán đảo Crimea trước đây nay không còn nữa. Hàng dãy container xưa kia phải bỏ rất nhiều tiền mới mua được thì nay "cửa đóng then cài" do các tiểu thương không chịu được tiền phí đã bỏ công, trả lại cho ban quản lý.

Anh Nguyễn Ngọc Năng, quê Bắc Giang cho biết: "Những lần khủng hoảng trước chỉ là khủng hoảng về kinh tế, còn giờ là khủng hoảng từ chính trị, chiến tranh mà ra nên hiện khó khăn hơn rất nhiều so với ngày trước. Buôn bán vẫn phải theo trào lưu của chợ. Khó thì mình phải hạn chế trong vấn đề chi tiêu, làm ăn thì tính toán cho kỹ. Nước đến đâu ta theo đến đấy".

Tuy đã sở hữu container bán hàng, không phải mất tiền đi thuê, song trong bối cảnh hiện nay chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, quê Nghệ An cũng chia đôi container, cho tiểu thương Ukraine thuê một phần để giảm bớt gánh nặng. Chị cho biết: "Người Việt Nam ở đây về cũng đông lắm rồi. Theo tôi phải hơn 1/3 về rồi. Đoàn kết thì từ khi xảy ra chiến tranh đến giờ, cá nhân tôi thấy bà con ta sống đoàn kết hơn. Các hội đoàn bây giờ lại lập rất nhiều. Chẳng hạn như Hội đồng hương Nghệ Tĩnh, Hải Phòng, Nam Định, tinh thần đoàn kết rất là tốt".

Tình người, những cử chỉ tương trợ giúp đỡ của cộng đồng, Hội người Việt tỉnh Kharkov phần nào giúp bà con có thêm hy vọng khi trụ lại. Anh Nguyễn Văn Trọng, quê Gia Lâm, sang Ukraine lao động từ năm 1986. Năm 2015, con trai út Nguyễn Hoàng Duy của anh bị bệnh tim đột quỵ, đột ngột qua đời đã được cộng đồng, Hội đứng ra lo tiền an táng cho cháu. Anh Trọng nói: "Cháu 17 tuổi, vừa làm hoàn chỉnh giấy tờ của Ukraine xong thì cháu ra đi. Anh em bạn bè thấy hoàn cảnh mình khó khăn thì người ra giúp đưa cháu tới nơi an nghỉ cuối cùng".

Anh cho biết thêm: "Ngày hôm nay Optom (ngày bán xỉ) đấy nhưng mà chưa được 1.000 hryvnya, mọi hôm như ngày này tháng trước ý thì còn được vài nghìn. Làm khó lắm. Anh em bạn bè bây giờ chỉ có bằng cách đùm bọc lẫn nhau thôi, chứ điều kiện của anh em cộng đồng mình bây giờ tất cả đều khó khăn. Ngay những đường rảnh trong chợ giờ cũng vắng tanh vắng ngắt, người không có. Bãi xe đông như thế bây giờ chỉ có lác đác một vài cái, đương nhiên là dân đi chợ bán hàng khó khăn hơn ngày xưa".

Tại chợ Troeshina ở thủ đô Kiev, vắng khách cũng là quang cảnh chung trong bối cảnh người dân Ukraine còn để tâm đến bữa ăn hằng ngày. Anh Tống Công Quang, quê Quảng Ninh, bày tỏ: "Về an ninh trong bối cảnh hiện nay, miền Đông đang có chiến tranh, chính phủ hiện hành cũng không ổn định, nên cả người dân Ukraine cũng như mình đi lại phải cẩn thận để lo an toàn cho mình, không yên bình như ngày xưa".

Quán hàng nước của chị Minh.

Bán hàng "đều tay" nhất có lẽ là quán "hàng nước" của chị Phạm Tuyết Minh, quê Hà Nội, ở cuối chợ. Theo lời bà con đi chợ, bán hàng nước giờ thu nhập còn ổn định hơn bán quần áo. Bản thân chị Minh trước đây cũng kinh doanh mặt hàng túi, song do không làm ăn được, cộng với sức khỏe yếu, chị được ban quản lý chợ cho phép chuyển đổi sang bán hàng nước.

Ngoài bán nước, chị còn nhận hâm đồ ăn cho người đi chợ để có thêm chút thu nhập ít ỏi. Chị Minh cho biết: "Một ngày doanh thu hôm nào giỏi lắm thì được 800-900 hryvna, nếu không thì được 400-500 hryvna. Thế nên cứ co kéo vào thì cũng hòm hòm. Chẳng để ra được đồng nào hết".

Không chỉ người dân Ukraine, mà cả những người Việt sinh sống ở đây đều mong mỏi, cuộc khủng hoảng hiện nay sớm kết thúc cho đời sống họ dễ thở hơn.
   

Bài và ảnh: Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)
Làng Sen Odessa: Khi lòng người Việt còn bất ổn
Làng Sen Odessa: Khi lòng người Việt còn bất ổn

Odessa - đầu mối thương mại, thành phố cảng sầm uất, "miền đất hứa" cách đây vài năm của những người Việt làm ăn sinh sống ở Ukraine nay trở nên ảm đạm trong bối cảnh khủng hoảng chính trị-kinh tế nặng nề tại quốc gia Đông Âu này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN