Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 đã đem lại nhiều ảnh hưởng, trở thành "nhịp cầu" góp phần gắn kết chặt chẽ người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc. Đó là cảm nhận chung của những “thủ lĩnh cộng đồng” người Việt Nam ở hai nước LB Nga và Ukraine.
Ông Trần Phú Thuận, Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại LB Nga nhớ lại người Việt Nam tất cả đều rất phấn khởi khi nghe tin Nghị quyết 36 được triển khai thực hiện, vì nghị quyết này khẳng định rõ ràng mỗi người Việt Nam sống ở nước ngoài đều là bộ phận không thể tách rời và có quyền lợi như công dân Việt Nam.
Hơn 10 năm qua, bà con Việt kiều ngày càng thấm sâu hơn, cảm nhận sức lan tỏa lớn hơn của nghị quyết này. Ông nhắc tới những sự kiện nổi bật như việc Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức trại hè thiếu nhi; tổ chức chương trình “Xuân quê hương” vào dịp giáp Tết để kiều bào về đón tết cùng với lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam, để nói lên những nguyện vọng và mong ước xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh.
Đặc điểm của cộng đồng người Việt Nam ở LB Nga rất khác so với ở các nước khác. Cộng đồng này được thành lập những năm 1990-1991 và chủ yếu là những người được Nhà nước Việt Nam cử sang học tập và lao động, nên có thể nói cộng đồng người Việt ở Nga rất gắn kết với Việt Nam. Tỷ lệ người Việt tại LB Nga muốn ở lại gắn bó lâu dài với nước sở tại không nhiều.
Tất cả những người Việt tại LB Nga khi đã tích tụ được vốn liếng đều có có xu hướng đầu tư về Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga đều có đầu tư nhất định ở Việt Nam. Chính vì thế, theo ông Nhuận, cộng đồng những người Việt tại LB Nga có kế hoạch đầu tư ở Việt Nam rất mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, cụ thể là chính sách đầu tư vào bất động sản.
Một yếu tố nữa là nguồn tài nguyên sinh viên đi học ở nước ngoài, mà LB Nga là một trong những nước chủ chốt đào tạo sinh viên cho Việt Nam. Với vai trò là Bí thư chi bộ Đại học Đường sắt Moskva (MIIT) và Cố vấn Ban cán sự Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh tại LB Nga, ông hy vọng Nhà nước có kế hoạch rõ ràng, cụ thể để sử dụng hiệu quả sinh viên được cử sang học tập. Sinh viên Việt Nam khi tốt nghiệp về nước cần được định hướng, hướng dẫn cụ thể để các em tìm được chỗ làm phù hợp, đóng góp hiệu quả cho đất nước.
Trò chuyện với ông Nguyễn Như Mạnh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Odessa, Ukraine, người đã định cư lâu năm ở quốc gia Đông Âu và theo dõi rất sát sao, thường xuyên vấn đề, ông cho biết người Việt Nam ở nước ngoài rất cảm ơn Nhà nước về Nghị quyết 36. Ông Mạnh cũng nêu hàng loại các sự kiện mà người Việt ở Odessa được Nhà nước tổ chức để về thăm quê hương, báo cáo điển hình, học tiếng Việt để sang dạy cho con em người Việt. Ông Mạnh nhấn mạnh với Nghị quyết 36, Nhà nước thể hiện luôn quan tâm đến người Việt Nam ở nước ngoài, có hình thức hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, như trong vấn đề quốc tịch hay thị thực.
Ông Vũ Huy Dương - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội người Việt Nam tỉnh Kharkiv, Ukraine, chia sẻ là một đảng viên, ông cảm nhận được sự quan tâm của Đảng và chính phủ qua Nghị quyết 36 và nghị quyết này đã được Đảng bộ Kharkiv quán triệt sâu sắc. Nhiều người Việt Nam sinh sống ở Kharkiv cũng đã cảm nhận được rõ sức lan tỏa của nghị quyết thông qua các hoạt động triển khai cụ thể. Đại diện người Việt Nam tại Kharkiv năm nào cũng tham dự chương trình “Xuân quê hương” ở Việt Nam, đồng thời hằng năm cũng có 2 thiếu niên người Việt ở Kharkiv được về Việt Nam tham dự trại hè thiếu nhi.
Đối với cộng đồng người Việt ở LB Nga hay ở Ukraine, việc Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 đi vào cuộc sống đã tạo nên những thay đổi đáng kể, khiến người Việt xa quê thêm gắn bó với quê hương, đất nước. Còn các "thủ lĩnh" của cộng đồng người Việt ở nước sở tại như ông Thuận, ông Mạnh hay ông Dương đều bày tỏ mong muốn Nhà nước có những điều chỉnh phù hợp để có thể thúc đẩy hiệu quả hơn nữa các đường lối chính sách này, để những "nhịp cầu" Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 kết nối bền chặt thêm những người con mang dòng máu Việt ở khắp thế giới.