Tại các cuộc gặp, đoàn công tác đã chia sẻ với bà con thông tin về tình hình đất nước; hoạt động của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các hoạt động nhằm tăng cường đoàn kết, bảo tồn văn hóa, tiếng Việt cho kiều bào, kết nối và phát huy nguồn lực của doanh nhân, trí thức kiều bào; chính sách về đại đoàn kết, hỗ trợ các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài; công tác bảo hộ công dân; về công tác thông tin đối với kiều bào.
Đoàn cũng phổ biến với bà con một số chính sách, quy định pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, các chính sách khuyến khích doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt là việc ủy ban đang kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét mở rộng quyền của kiều bào đối với đất đai và nhà ở, cụ thể là cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sử dụng đất ở ngoài dự án phát triển nhà ở để tạo dựng và sở hữu nhà ở như người Việt Nam ở trong nước. Đối với vấn đề quốc tịch, ủy ban cũng đang kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn quy định về nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài, vấn đề xác định quốc tịch Việt Nam và khai sinh cho trẻ em lai, trẻ em Việt Nam sinh ra ở nước ngoài…
Đoàn công tác đã dành phần lớn thời gian để trao đổi và ghi nhận nhiều ý kiến, đóng góp thiết thực của các chuyên gia, trí thức như đề xuất kết nối tinh hoa trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với doanh nghiệp trong nước để tạo điều kiện ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn; xây dựng cơ chế thông tin thông suốt, cụ thể giữa cung (đóng góp của các trí thức người Việt Nam ở nước ngoài) và cầu (nhu cầu của đất nước); thúc đẩy chuyển giao tri thức thay vì chuyển giao công nghệ, do tri thức có thể chuyển giao dễ dàng, nhanh chóng và không vướng vấn đề bản quyền như công nghệ; đẩy mạnh các hoạt động thực tế nhằm bảo tồn văn hóa và tiếng Việt cho các thế hệ con cháu của người Việt Nam ở nước ngoài; các vấn đề về hoạt động của thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Australia; vấn đề hoạt động của các hội đoàn; vấn đề dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt Nam tại Australia…
Thay mặt lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ nhiệm Mai Phan Dũng đánh giá cao những đóng góp và nhiệt huyết của các vị đại diện, các doanh nhân trí thức hoạt động trong các tổ chức hội đoàn và bày tỏ mong muốn các hội đoàn tiếp tục mở rộng mạng lưới thành viên, tập hợp rộng rãi hơn nữa, tăng cường kết nối với trong nước, cũng như với các hội đoàn kiều bào tại các địa bàn khác.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ mong muốn các hội đoàn Việt Nam tại Australia tiếp tục đạt được nhiều thành tích trong công tác và đóng góp hiệu quả hơn nữa cho sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt là thông qua các chương trình hợp tác song phương giữa Australia và Việt Nam trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và tiềm năng hợp tác như nông nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, phát triển nguồn nhân lực…
Phó Chủ nhiệm Mai Phan Dũng cũng cam kết với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, ủy ban sẽ nỗ lực hết sức mình để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vấn đề còn tồn tại, hỗ trợ thiết thực để kiều bào ta ở nước ngoài nói chung và ở Australia nói riêng có thể thuận lợi hơn trong quá trình hội nhập, phát triển ở sở tại và hướng về quê hương.
Tại các cuộc làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Australia, Phó Chủ nhiệm Mai Phan Dũng đã đề nghị các cơ quan đại diện quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và phối hợp triển khai một số hoạt động dành cho cộng đồng nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia, gắn với Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/8 vừa qua.
Đoàn cũng cho biết trong khuôn khổ giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp tổ chức các cuộc tọa đàm với các địa bàn để lắng nghe ý kiến của bà con, do đó đề nghị các cơ quan đại diện chú ý xem xét khả năng để cộng đồng tại Australia tham gia buổi tọa đàm này hoặc tập hợp kiến nghị của bà con gửi cho các cơ quan chức năng trong nước.
Với hơn 350.000 người, cộng đồng người Việt Nam tại Australia là một cộng đồng lớn, có những đóng góp tích cực về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa cho sở tại. Cùng với sự phát triển của cộng đồng, trong 10 năm qua, ngày càng có nhiều tổ chức hội, đoàn của người Việt được thành lập, quy tụ nhiều trí thức, doanh nhân, sinh viên, phụ nữ…, duy trì nhiều hoạt động tích cực hướng về quê hương như: kết nối, vận động nguồn lực cho phát triển đất nước; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, từ thiện… sôi nổi gắn kết cộng đồng; mua vaccine chuyển về trong nước trong thời kì đại dịch COVID-19; đóng góp ý kiến cho các chính sách quan trọng của đất nước.