Nữ sinh Việt Nam tham dự Đề án âm nhạc tại Hamburg

Nguyễn Hoàng Khánh Minh, nữ sinh Việt Nam vừa tốt nghiệp khoa âm nhạc và giáo dục, Đại học Cambridge (Anh) mới đây đã được mời tham dự Đề án âm nhạc tại Hamburg (CHLB Đức).


Khánh Minh là 1 trong 16 bạn trẻ của 14 quốc gia trên thế giới được lựa chọn để mời tham dự Đề án trong tổng số gần 1.500 người từ 70 quốc gia đã đăng ký. Đây là một đề án trong Chương trình tạo dựng giấc mơ (DreamMaker-Programm) do Học viện D&F đề xướng và tổ chức.


Các học viên tham dự Đề án có xuất xứ và nghề nghiệp khác nhau, có người là nhạc công nhạc Jazz, có người là luật sư, có người là giám đốc của một chiến dịch chống tự tử... nhưng tất cả có điểm chung là say mê âm nhạc: Có người thích hát, có người thích chơi nhạc cụ, sáng tác trong một ban nhạc hoặc theo nghề giáo dục âm nhạc.


Khánh Minh (ngoài cùng bên phải) nghe các tình nguyện viên giải thích về những hình ảnh họ đã vẽ ra khi nghe bài hát “Bèo dạt, mây trôi“.


Người hướng dẫn cho các học viên là nhạc trưởng nổi tiếng người Đức Christoph Poppen. Yêu cầu của ông đối với các học viên là mặc dù nhiều người chưa từng tới châu Âu và không ai biết tiếng Đức, họ cần phải luyện tập, tổ chức và biểu diễn các tiết mục đồng ca với trên 20 bạn trẻ người Hamburg. Nhạc trưởng Poppen sẽ hỗ trợ, truyền bá cho họ những kinh nghiệm và kỹ năng quan trọng, cần thiết khi thực hiện một dự án âm nhạc với mọi người. Ngôn ngữ giao tiếp chung là tiếng Anh.


Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần trong chương trình đào tạo kéo dài một năm. Mục tiêu thực sự của thời gian 10 tuần thực hiện đề án ở Hamburg là các học viên phải tự suy nghĩ, soạn thảo ra một kế hoạch giấc mơ cho một dự án âm nhạc riêng của mình, mà họ sẽ thực hiện trong vòng 10 tháng sau khi trở về nước và thông qua dự án này, sử dụng âm nhạc làm phương tiện để thúc đẩy những chuyển biến tích cực trong xã hội.


Trong buổi trình diễn kết thúc khóa học ở Hamburg ngày 25/11, bên cạnh các tiết mục đồng ca cùng với các bạn, Khánh Minh đã đề nghị một số tình nguyện viên lên sân khấu, vừa nghe bản nhạc "Bèo dạt, mây trôi" của Việt Nam, vừa sử dụng bút màu để vẽ những hình ảnh, màu sắc mà họ hình dung ra khi nghe một bản nhạc mà họ không hiểu lời, qua đó muốn chứng minh rằng những giai điệu, âm điệu của một bài hát có thể tạo nên những hình ảnh tương đồng ở người nghe.

 

Khánh Minh và các học viên cùng trình diễn một bài đồng ca khi báo cáo tổng kết Đề án.

 

Khánh Minh cho biết, khóa học ở Hamburg rất bổ ích vì các học viên có thể tiếp thu nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế không được giảng dạy tại trường đại học. Cô ấp ủ dự án khi trở về Việt Nam tập hợp một số em nhỏ đang học nhạc để cùng nhau luyện tập và biểu diễn, vì hiện nay nhiều em chỉ biết tự học một mình, thiếu sự giao tiếp và trao đổi với nhau. Khánh Minh mong muốn sớm áp dụng được những kiến thức đã học tại Đại học Cambridge và những kinh nghiệm thu được trong thời gian ở Hamburg để góp phần thúc đẩy việc học âm nhạc tại Việt Nam.


Ông Florian Hoffmann, đồng sáng lập Học viện D&F cho biết, ông rất mừng vì các học viên quốc tế ham học hỏi và có nhiều ý tưởng thú vị. Đặc biệt, ông đánh giá cao sáng kiến của Khánh Minh muốn tạo ra một sân chơi, một môi trường luyện tập, học hỏi lẫn nhau cho trẻ em Việt Nam. Ông hy vọng dự án của Khánh Minh sẽ được hưởng ứng tích cực tại Việt Nam và sẽ thu được những kết quả tốt đẹp.


Bài và ảnh: Văn Long (P/v TTXVN tại Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN