Trong cái lạnh của vùng núi Jura, khoảng 40-50 sinh viên cùng cộng đồng người Việt tại thành phố Lausanne nhỏ bé đã có buổi giao lưu và ăn Tết Việt Nam đúng nghĩa trên đất nước Thụy Sĩ. Điều đáng chú ý là dù là Tết truyền thống của sinh viên Việt Nam, nhưng có khá nhiều bạn bè nước ngoài tới dự.
Những cô gái và em nhỏ đều mặc áo dài truyền thống với nhiều sắc màu sặc sỡ và đội khăn xếp. Các món ăn Việt Nam được các bạn sinh viên khéo léo chế biến từ những thực phẩm mua tại các cửa hàng châu Á, đều có đủ các món ăn chính ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, chả rán, xôi, bánh trôi và chè tráng miệng… Bên các bàn ăn được bày theo kiểu buffet, luôn có 1-2 bạn sinh viên Tây “thường trực” thưởng thức món ăn Việt với sự thích thú và tò mò.
Tiết mục đánh đàn tranh của sinh viên Việt Nam. |
Julien Despréaux, sinh viên người Pháp học tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (EPFL), tâm sự một trong những lý do anh đến tham gia là muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Anh tỏ ra khá ấn tượng với ẩm thực của Việt Nam, nhưng lý do quan trọng nhất khiến anh là thành viên thường xuyên của các sự kiện này là sự thân thiện và cởi mở của các bạn người Việt.
Đây là năm thứ hai Julien tới tham dự sự kiện hàng năm kể trên và năm nay Julien đến mang theo một số tiết mục ca nhạc để giao lưu với các bạn người Việt. Julien cho hay sinh viên người Việt trong EPFL không nhiều song sống khá gắn bó và thường tổ chức các sự kiện giao lưu. Được biết, EPFL là một trong hai viện Công nghệ Liên bang uy tín của Thụy Sĩ, viện còn lại là ETHZ nằm tại Zurich.
Hội sinh viên Việt Nam tại Lausanne, hay còn gọi là VNLausanne, thường xuyên có nhiều hoạt động để duy trì các nét đẹp truyền thống và cả hoạt động nhân đạo hướng về quê hương. Ý tưởng ban đầu của việc tổ chứcTết cho sinh viên là dành cho những bạn, gia đình không có điều kiện về nước ăn Tết.
Sau đó, mô hình được mở rộng ra tới cộng đồng người Việt tại Lausanne và cả vùng khác (có cả các bạn học tập ở Geneva tới tham gia sự kiện). Các sự kiện nay đã không chỉ bó hẹp trong các bạn sinh viên Việt Nam học tập tại Lausanne. Do vậy, dù là Tết của sinh viên nhưng có khá nhiều bạn đã ra trường và tiếp tục ở lại làm việc tại Thụy Sĩ và cả người Việt ở nơi khác tới tham dự.
Tiết mục văn nghệ của sinh viên Pháp. |
Đây cũng chính là những nhà “hảo tâm” cho Quỹ “Lá lành đùm lá rách” do vợ chồng Nguyễn Hoàng Minh và Nguyễn Anh Thư lập ra nhằm chia sẻ gánh nặng cho những gia đình gặp khó khăn ở quê nhà. Được thành lập từ năm 2010, quỹ trên có các cộng tác viên là những người thân và bạn bè ở đầu mối Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Hàng tháng, nhờ vào số tiền quyên góp được tại Thụy Sĩ, quỹ gửi về Việt Nam và từ đó xuất ra 15 triệu/tháng.
Số tiền này được chia đều cho 3 nơi để các tình nguyện viên mang tới các bệnh viện đưa trực tiếp cho những bệnh nhân nghèo. Minh cho biết để gây quỹ hội sinh viên tổ chức các hoạt động như bán hàng đồ truyền thống Việt Nam tại hội chợ của trường đại học, đồng thời kêu gọi sự đóng góp của các thành viên trong cộng đồng người Việt. Quy mô của quỹ hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn song các bạn hy vọng khi có ngày càng nhiều người biết tới, sẽ tăng thêm số tiền gửi về Việt Nam để giúp đỡ được nhiều hơn những người gặp hoạn nạn.
* Ấm áp Tết cộng đồng của người Việt tại Hàn Quốc
Đại sứ Phạm Hữu Chí phát biểu. |
Hòa chung không khí cả nước chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và đón chào Xuân mới Bính Thân 2016, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã tổ chức Tết cộng đồng tại thủ đô Seoul và chỉ đạo các ban ngành trực thuộc, Hội người Việt tổ chức nhiều hoạt động đón Xuân vui tươi, bổ ích cho cộng đồng người Việt trên toàn Hàn Quốc.
Tham dự Tết cộng đồng tại Khách sạn Lotte, thủ đô Seoul tối ngày 1/2 dưới sự chủ trì của Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí và Phu nhân Đào Thị Thực, có sự tham dự của toàn thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán và các ban ngành trực thuộc, đại diện ngoại giao đoàn và Đại sứ một số nước tại Seoul, Hội hữu nghị Hàn – Việt và nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, cùng hơn 300 bà con người Việt trên toàn Hàn Quốc.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Đại sứ Phạm Hữu Chí đánh giá cao cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc trong năm qua đã luôn đoàn kết, hỗ trợ đùm bọc lẫn nhau, nỗ lực để hòa nhập cuộc sống sở tại đồng thời có nhiều hoạt động hướng về quê hương đất nước, đặc biệt là các hoạt động hướng về Biển Đông, các hoạt động xã hội từ thiện.
Các vị khách mời nâng ly chúc mừng năm mới. |
Nhân dịp này, Đại sứ Phạm Hữu Chí cũng gửi lời cảm ơn đến các bạn bè Hàn Quốc và quốc tế đã cùng sát cánh vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị Việt-Hàn và dành cho Việt Nam sự ủng hộ về vật chất và tinh thần trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình diễn ra trong bầu không khí vui tươi, đầm ấm và thắm tình hữu nghị. Mọi người cùng nhau thưởng thức các tiết mục văn nghệ phong phú vừa mang đậm nét truyền thống Việt Nam với những làn điệu chèo, đàn tranh, cải lương… vừa thắm tình hữu nghị với những bài hát, âm nhạc truyền thống Hàn Quốc do cán bộ nhân viên Đại sứ quán và bà con kiều bào trình diễn.
Trước đó, trong các ngày 24 và 31/1, Đại sứ quán cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý lao động, Văn phòng quản lý lao động Việt Nam theo chương trình EPS tại Hàn Quốc và Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức các chương trình đón Xuân cho anh chị em lao động và bà con người Việt trên khắp mọi miền Hàn Quốc.
CLB phu nhân của ĐSQ trình bày ca khúc Arirang truyền thống của Hàn Quốc. |
Với Tết cộng đồng cho người lao động tại thành phố Hwaseong, chương trình Xuân quê hương, Xuân trên đất khách, Xuân sum vầy…, được tổ chức tại ba miền Bắc, Trung, Nam của Hàn Quốc tái hiện nhiều nét văn hóa và phong tục đặc trưng trong ngày Tết, đông đảo bà con người Việt đã cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong năm cũ và chúc nhau những điều tốt đẹp cho năm mới. Đây cũng là dịp để cộng đồng người Việt giao lưu và giới thiệu những nét đẹp trong văn hóa đón Tết cổ truyền của Việt Nam đến với người dân xứ sở Kim chi – đất nước có chung phong tục đón Tết cổ truyền âm lịch giống như Việt Nam.
Các hoạt động đón Xuân Bính Thân 2016 còn đặc biệt ý nghĩa hơn khi bà con cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc đã cùng chung tay quyên góp những tấm chăn, đôi tất, quần áo ấm… gửi về trong nước để cùng chia sẻ một cái Tết ấm cúng với đồng bào vùng Tây Bắc, đặc biệt là các em nhỏ, vừa phải hứng chịu đợt giá rét khắc nghiệt nhất trong nhiều năm qua.