Đại gia đình Séc – Việt đón Xuân mới. |
Khi tôi đến, chị Vera đang thoăn thoắt cắt bánh chưng bằng dây lạt tước nhỏ. Cái cách chị túm dây, lật bánh thật khéo như một bà nội trợ đảm đang ở phố cổ Hà Nội. Cỗ Tết cũng đầy đủ các món như ở Việt Nam – bánh chưng, xôi gấc, giò lụa, canh măng, gà luộc, thịt lợn kho tàu, nem rán…
Nói về món nem rán thì chị Vera đã có tiếng trong cộng đồng người Việt – nem thơm phức, vỏ màu vàng ruộm, nhân thịt mềm, chỉ cần cắn một miếng đã cảm được vị giòn của bánh đa nem ngấm nước chấm chua ngọt. Xôi gấc do chị đồ bằng nồi cơm điện cũng rất khéo – xôi có màu đỏ au, hạt xôi dẻo, không nát và thơm nức mùi gấc đặc trưng.
Có lời đồn rằng các nhà hàng Việt ở Praha rất “cảnh giác” với một “cô Tây” chuyên khám phá bí quyết các món đặc sản của họ. Chị Vera thừa nhận, chỉ cần nếm qua một món ăn lạ nào đó là chị cũng có thể đoán ra nguyên liệu và cách thức chế biến. Chị cũng có ý định mở một quán ăn Việt ở thị trấn Dobris nhưng chưa phải là bây giờ.
Các món ăn Việt do chị Vera Dinh chế biến cho cỗ tất niên phải nói là rất ngon và không bị “lai Tây”. Nhưng điều tôi ấn tượng nhất là cách chị “huấn luyện” đại gia đình bên ngoại dùng đũa như những người Việt.
Chị tâm sự: “Vào dịp Giáng sinh thì tôi mời rất nhiều họ hàng bên ngoại và một ít người nhà anh Honza (cách gọi thân mật anh Đinh Hóa). Còn dịp Tết ta thì tôi hẹn những người thân nhất bên nhà vợ đến để cùng tôi tiếp đãi khách nhà trai. Ai cũng phải ăn món ăn Việt hết và ai cũng phải dùng đũa cho đúng “nếp nhà”.
Thực ra chị Vera nghe tiếng Việt rất tốt, còn nói thì chưa được nhiều. Nhưng chị nói tiếng Việt từ nào là “chết” từ ấy, vừa chuẩn về phát âm, lại rất hợp ngữ cảnh.
Người mẹ Séc này cũng hết sức khuyến khích các con học tiếng “cha đẻ”. Chị thường bảo cậu con trai cả tên là Filip (năm nay 11 tuổi): “Con mang họ Đinh của bố, vậy con là người Việt. Người Việt mà không biết tiếng Việt là mất gốc”. Nhờ sự giáo dục này mà Filip luôn tự nhận là người Việt “xịn” dù ngoại hình giống bên ngoại nhiều hơn.
“Thuyền theo lái, gái theo chồng”. Quan niệm này bị nhiều người Việt Nam cho là lỗi thời. Song chị Vera, một phụ nữ Séc sinh ra và lớn lên ở một đất nước đề cao nữ quyền, lại tự giác thực hiện khá triệt để.
Chị và các con rất thích về quê chồng dù đó là miền quê nghèo ven sông Lam, bão lụt liên miên. Mỗi lần về Việt Nam là cả nhà dắt díu nhau đi thăm hỏi bằng hết anh em họ hàng theo đúng phong tục đôi khi hơi nhiêu khê của người dân xứ Nghệ.
Chị Vera và anh Đinh Hóa. |
Và mặc dù là tín đồ đạo Thiên Chúa nhưng chị rất chịu khó hương khói cho cụ thân sinh ra anh Đinh Hóa. Rằm, mồng một có lọ hoa tươi và đĩa hoa quả đặt lên bàn thờ. Ngày giỗ, ngày Tết chị soạn mâm cơm cúng, không quá thịnh soạn nhưng với tấm lòng thành.
Điều đáng quý là không chỉ chị Vera mà những người thân của chị đều mong ngóng Tết Việt vì họ cảm nhận được ý nghĩa nhân văn của bữa cơm tất niên trong các gia đình Việt Nam. Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của hai người trong số họ.
Bà Vera Janeckova, mẹ chị Vera: “Tôi thích Tết Việt Nam vì con rể tôi là người Việt. Hàng năm gia đình con gái tôi tổ chức đón Tết rất vui vẻ, đầm ấm. Tôi cũng thường xem chương trình Tết Việt Nam trên truyền hình, rất hay”.
Anh Jarda Janecek, anh trai của chị Vera: “Tôi thích Tết Việt Nam. Hàng năm gia đình chúng tôi vẫn tụ tập vào khoảng tháng 2 để đón Tết Việt. Đó là một dịp có ý nghĩa để gia đình tụ họp, cùng đón chờ điều mới mẻ và thú vị đến với chúng tôi. Tôi cũng thích văn hóa phương Đông với ẩm thực độc đáo”.