Đại diện Đại sứ quán Việt Nam thăm anh lao động tại công trường Khenchela. Ảnh: Thanh Bình - Quang Hồng (P/v TTXVN tại Algiers) |
Chuyến thăm với mục đích gặp gỡ và thăm hỏi, cũng như tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của anh em lao động sau khi xảy ra vụ hai công nhân Việt Nam là Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Anh bị phía nhà thầu Trung Quốc hành hung hôm 16/9 vừa qua tại công trường này.
Tại cuộc gặp, ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria cho biết ông thấy xót xa vì vụ việc đáng tiếc đã xảy ra, đồng thời khẳng định Đại sứ quán đã làm việc với các cơ quan chức năng kể cả cảnh sát Algeria để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của lao động Việt Nam, đảm bảo không tái diễn tình trạng bạo lực.
Ông Dũng cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã gửi công hàm tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Algeria về vụ việc và cơ quan ngoại giao trên đã triệu tập đại diện của công ty Đông Nhất Giang Tô lên làm việc.
Ông Dũng đề nghị anh em lao động cần cân nhắc lại về việc đề nghị được đưa về nước và đề xuất anh em xem xét có thể chuyển sang công trường khác để tiếp tục làm việc; đồng thời khẳng định sẵn sàng tiếp nhận thông tin từ phía anh em lao động để tham gia giải quyết công việc hiệu quả nhất, những ai quyết tâm về thì đề nghị Simco Sông Đà đưa về, nhưng phải có đơn viết đề nghị để làm căn cứ.
Về phần mình, phần lớn các công nhân lao động mà Công ty Simco Sông Đà đưa sang đây đều bày tỏ mong muốn Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria và Simco Sông Đà giải quyết cho anh em về nước.
Các lao động trên cho biết những nguyên nhân dẫn đến những sự việc đáng tiếc vừa qua là do hồ sơ hợp đồng không khớp vì theo hợp đồng ký ở Việt Nam là làm công nhật nhưng sang đến công trường là làm khoán; chế độ lương thấp không đảm bảo công sức lao động của anh em; sức ép công việc; công trình khó làm; chế độ ăn uống không đảm bảo.
Các lao động cho biết nguyện vọng được về nước là tâm tư, nguyện vọng của từng cá nhân và không có ai tác động. Các lao động tại đây cũng đã gửi tới đại diện Công ty Simco Sông Đà một đơn viết tay đề nghị Simco Sông Đà đưa lao động về nước và tố cáo Giám đốc Công ty Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) tổ chức cho công nhân Trung Quốc hành hung người lao động Việt Nam và bỏ đói lao động Việt Nam, trong đơn có danh sách những người có nguyện vọng về nước.
Ông Đỗ Văn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động số 3 thuộc Công ty Simco Sông Đà cho biết Simco Sông Đà có trách nhiệm trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người lao động; tìm kiếm giải pháp để anh em có thể tiếp tục lao động tại công trường hoặc có thể chuyển sang một công trường khác hoặc giải pháp cuối cùng là để anh em về nước theo nguyện vọng.
Ông Hải khẳng định bảo đảm an toàn tính mạng đối với lao động; việc hành hung sẽ không tái diễn vì các cơ quan chức năng liên quan đã cùng làm việc nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; đồng thời nhấn mạnh hợp đồng lao động với anh em là lao động công nhật chứ không phải làm khoán.
Simco Sông Đà đảm bảo không để xảy ra tình trạng anh em lao động bị đói do chủ cắt cơm, đồng thời ứng trước 500 USD cho anh em sử dụng trong trường hợp bị chủ cắt cơm. Ông Đỗ Văn Hải cũng đã đề nghị anh em cân nhắc kỹ càng đối với quyết định ở lại làm việc hay về nước, vì nếu đơn phương phá vỡ hợp đồng thì phía chủ lao động sẽ phạt 6.000 USD/người, và nhiều phức tạp khác sẽ nảy sinh.
Ông Đỗ Văn Hải cam kết sẽ tiếp tục làm việc cùng lãnh đạo Công ty Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Về trường hợp của 2 lao động bị hành hung là Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường, hiện tình hình sức khỏe của 2 người này đã ổn định. Cả hai hiện nay đang được điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Algiers. Anh Đậu Hoàng Anh đã được phẫu thuật ở tay trái và mọi chi phí do phía công ty Simco Sông Đà chi trả.