Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí phát biểu tại lễ hội. |
Nhiều thuyền viên Việt Nam và một số gia đình đa văn hóa Việt – Hàn đang sinh sống và làm việc tại quận Seocheon đã cùng hòa chung không khí sôi nổi của ngày hội này.
Tham dự lễ hội có các nghị sĩ quốc hội Hàn Quốc, nghị sĩ tỉnh Chung Nam và đại diện chính quyền quận Seocheon. Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí vinh dự là quan khách nước ngoài duy nhất tham dự lễ hội và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của Ban tổ chức cùng toàn thể cộng đồng người nước ngoài tại lễ hội, đặc biệt là các lao động Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, ông No Park Rae, Quận trưởng quận Seocheon, nhấn mạnh lễ hội lần này không chỉ là nơi giao lưu giữa các nền văn hóa mà còn là dịp để địa phương tri ân những người lao động nước ngoài đã cùng góp sức xây dựng nên một Seocheon tươi đẹp như ngày hôm nay.
Ông No Park Rae cho biết, với dân số chỉ khoảng 60.000 người, quận Seocheon hiện có trên 12.000 lao động người nước ngoài, trong đó chủ yếu là người Trung Quốc, Campuchia, Indonesia và Việt Nam, làm việc trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy hải sản - vốn là một trong những thế mạnh kinh tế của địa phương.
Ông No Park Rae và các quan chức Hàn Quốc cũng đã dành sự tri ân đặc biệt đến Đại sứ quán Việt Nam và cá nhân Đại sứ Phạm Hữu Chí đã rất quan tâm đến đời sống của lao động của người Việt tại địa phương và không quản đường sá xa xôi đến chung vui tại lễ hội.
Màn trình diễn áo dài truyền thống của đoàn Việt Nam gây ấn tượng đặc biệt tại lễ hội. |
Phát biểu tại lễ hội, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí cảm ơn chính quyền quận Seocheon đã chăm lo và giúp đỡ các gia đình đa văn hóa và lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại địa phương, trong đó có nhiều thuyền viên Việt Nam.
Đại sứ nhấn mạnh: “Trong những năm qua, lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam, đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết sự thiếu hụt về lao động và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước Hàn Quốc, và đó cũng là vốn quý của quan hệ hữu nghị giữa Việt – Hàn”.
Đại sứ cũng không quên căn dặn anh em lao động Việt Nam tại Seocheon cố gắng làm việc chăm chỉ, chấp hành nghiêm túc các quy định, chính sách pháp luật của cả hai nước, đồng thời xây dựng mối quan hệ tốt với chủ sử dụng lao động, đoàn kết, gắn bó với người dân địa phương và người lao động các nước.
Hai tiếng “Việt Nam” càng trở nên thu hút hơn với màn trình diễn trang phục áo dài truyền thống của các anh chị em trong Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc và nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng từ hơn 1.300 khán giả có mặt trong hội trường nhà văn hóa quận Seocheon.
Bên ngoài hội trường, 2 gian hàng trưng bày các sản phẩm văn hóa của Việt Nam như đồ thủ công mỹ nghệ, áo dài truyền thống… cũng tấp nập khách tham quan và du khách xin chụp ảnh cùng các thiếu nữ Việt Nam.
Gian hàng trưng bày các sản phẩm văn hóa của Việt Nam thu hút nhiều khách tham quan. |
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, anh Nguyễn Văn Hưng, một thuyền viên đánh bắt xa bờ người Việt làm việc tại Seocheon, cho biết: “Thường các tàu đánh bắt xa bờ chỉ vào đất liền khoảng 2 lần trong 1 tháng nên anh em thuyền viên rất ít có điều kiện gặp gỡ bạn bè chứ chưa nói gì đến việc tham dự lễ hội. Công việc đi biển khá vất vả và cực nhọc, nhưng hôm nay chính quyền quận đã ghi nhận đóng góp của anh em và tổ chức lễ hội văn hóa này, đặc biệt lại được đón Đại sứ và đại diện Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc xuống thăm, nên chúng tôi rất vui”.
Quận Seocheon là một đô thị nhỏ, nằm ở mũi cực Nam của tỉnh Chung Nam, Hàn Quốc, với 5.000 ha nuôi trồng thủy sản trải dài trên 72 km dọc theo bờ biển. Trong lịch sử Hàn Quốc, Seocheon từng là trung tâm kinh tế, quân sự trọng yếu dưới thời Baekjae. Ngày nay, tại Hàn Quốc, Seocheon được biết đến là nơi có môi trường tự nhiên nguyên sơ được bảo tồn tốt và thế mạnh là kinh tế biển.
Tại Seocheon, hiện có hơn 500 lao động Việt Nam làm nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản gần bờ và thuyền viên đánh bắt xa bờ. Cùng với việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về giáo dục, y tế và việc làm, chính quyền quận Seocheon cũng đã đưa tiếng Việt là một trong 5 ngôn ngữ chính trên cổng thông tin điện tử của địa phương nhằm cung cấp thông tin và hỗ trợ nhanh nhất cho các lao đông Việt Nam đang làm việc tại đây.