Tham dự buổi gặp mặt có cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam cùng nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nghiên cứu sinh người Việt đến từ các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu và công ty hàng đầu của Đức, cùng các nước nói tiếng Đức khác là Áo và Thụy Sĩ, trong đó có Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thính thuộc Đại học Kỹ thuật Dortmund, Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Thành Trung thuộc Đại học Kỹ thuật Hamburg...
Chào mừng các trí thức đến với buổi gặp mặt, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng bày tỏ niềm vui khi cuộc gặp mặt đã diễn ra sau thời gian dài lên ý tưởng và chuẩn bị. Với mong muốn các nhà khoa học đang hoạt động tại Đức có thể đóng góp nhiều hơn cho quê hương, trong phát biểu đề dẫn, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đã gợi mở rất nhiều vấn đề để những người tham gia có thể trao đổi, thảo luận.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, kêu gọi và tạo điều kiện tốt nhất cho các tầng lớp tri thức đang sinh sống, làm việc và học tập ở ngoài nước cùng đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Ở một quốc gia có trình độ phát triển cao như Đức, các nhà khoa học người Việt có nhiều điều kiện tiếp xúc, nghiên cứu, tiếp thu các thành tựu khoa học kỹ thuật, qua đó có thể góp phần giúp đỡ quê hương bằng nhiều hình thức khác nhau.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, các nhà khoa học đánh giá nhiều người Việt Nam hiện rất thành công tại Đức, có nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học cũng như triển khai thực tiễn; có vị trí tại các viện nghiên cứu, trường đại học và công ty lớn; có uy tín trong giới khoa học... Đây chính là "sức mạnh mềm" của người Việt tại Đức, và bài toán đặt ra là làm sao có thể tận dụng được những chất xám quý giá này, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh mới.
Cũng tại buổi gặp mặt, một số nhà khoa học đã chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm trong một số lĩnh vực như tìm kiếm nguồn tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học và ứng dụng hướng về trong nước, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng số hóa mà nước Đức được xem là nơi khởi nguồn...
Tại buổi gặp mặt, các nhà khoa học cũng đã thống nhất hình thành Ban Vận động, tiến tới thành lập Hội trí thức Việt Nam tại Đức, dựa trên tinh thần rộng mở và nguyên tắc tự nguyện.