Vườn ươm chuyên gia hạt nhân Việt

Nằm cách thủ đô Moskva khoảng 100km về phía Tây Nam, Đại học năng lượng hạt nhân Obninsk (IATE) là một chi nhánh của Đại học tổng hợp nghiên cứu hạt nhân quốc gia (MEPhI) danh tiếng.

Ngôi trường này có bề dày lịch sử từ năm 1953 và là nơi chủ yếu đào tạo các chuyên viên chuyên ngành khai thác nhà máy điện hạt nhân của LB Nga.

Một buổi học của các sinh viên Việt Nam.


IATE đã "xuất xưởng" hàng trăm chuyên viên cho các nhà máy điện hạt nhân của Nga, Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Trung Quốc và Iran. Hiện tại trường có một lượng lớn các sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh cùng hơn 200 sinh viên Việt Nam thuộc tất cả các hóa, từ dự bị đại học tiếng Nga cho tới năm thứ 4.

Hiệu trưởng trường, bà Natalia Ayrapetova cho biết: "Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm đào tạo chuyên viên cho các quốc gia tham gia phát triển năng lượng hạt nhân. Tôi muốn nhấn mạnh, chúng tôi không chỉ đào tạo chuyên viên khai thác nhà máy điện hạt nhân mà cả chuyên viên cho các cơ quan hành pháp, Bộ Năng lượng, các cơ quan kiểm tra, giám sát. Nghĩa là sinh viên của chúng tôi có thể làm việc tại tất cả các cơ quan liên quan trong quá trình phát triển năng lượng hạt nhân của một nước".

Theo bà Ayrapetova, "tất cả sinh viên Việt Nam theo học các ngành liên quan đến khai thác, sử dụng nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên trong hướng này cũng có những chuyên ngành chỉ chuyên về khai thác, đảm bảo an toàn phóng xạ, và đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân".

Được biết trước khi bắt đầu chương trình học tập chính, các em sinh viên sẽ học dự bị một năm. Tiêu chuẩn chung về đào tạo tiếng Nga của trường là sinh viên phải biết được khoảng 2.000 cụm từ kỹ thuật đặc biệt.

Bà Ayrapetova cho biết: "Những sinh viên Việt Nam đầu tiên sẽ ra trường năm 2017, và có thể trở về Việt Nam làm việc. Để có thể thực sự kết thúc chương trình đào tạo và làm việc tại cơ sở hạt nhân, các sinh viên cần đi thực tập tại các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động ở LB Nga, ngoài ra đó cũng chính là các tổ máy sẽ được xây dựng ở Việt Nam".

Bà nói rõ: "Sinh viên sẽ trải qua ba kỳ thực tập: thực tập làm quen, tới một nhà máy điện hạt nhân tại 1 thành phố, để có thể xem các xưởng sản xuất ở đó. Lần thực tập này kéo dài khoảng 2 tuần. Sau đó là thực tập sản xuất vào năm thứ 5, làm quen với các thiết bị chính nhà máy điện hạt nhân. Cuối cùng là đợt thực tập trước khi tốt nghiệp, dài nhất gắn liền với các chủ đề trong đồ án".

Sinh viên Việt Nam trao đổi với giáo viên.


Cô Yulia Rastopchina, Trưởng bộ phận Đào tạo quốc tế kiêm Trưởng khoa tiếng Nga thì cho biết: "Hiện chúng tôi đang đào tạo sinh viên của Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh. Ở mỗi nước đó có các dự án khác nhau. Các lò phản ứng này khác nhau chút ít dù đều ứng dụng công nghệ VVER. Điều kiện xây dựng và thương mại theo thỏa thuận cũng khác nhau. Tuy nhiên các sinh viên học tập cùng với nhau, theo cùng một chương trình. Sự khác biệt duy nhất có thể của các sinh viên nước ngoài là họ được đào tạo theo chủng loại lò phản ứng cụ thể".

Đánh giá về các sinh viên Việt Nam, cô Rastopchina chia sẻ: "Điều khác biệt ở sinh viên Việt Nam là họ rất yêu lao động, có kỷ luật, có trình độ toán, lý, kiến thức rất tốt. Nên các thầy cô giáo rất hứng thú khi dạy họ".

Tới thăm Khoa Thiết bị và Vận hành máy năng lượng hạt nhân, Trưởng khoa, Giáo sư Sergey Leskin cho biết: "Từ năm thứ 4, các em sẽ học các môn như vật lý lò phản ứng, định luật các lò phản ứng,..., bắt đầu học cấu trúc lò phản ứng hạt nhân và đã chuẩn bị tiệm cận các dự án, chính là những dự án các em phải hiểu rõ như một chuyên gia".

Đề cập tới những thuật ngữ chuyên ngành, em Nguyễn Trị, sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Xây dựng, vận hành và điều khiển nhà máy điện hạt nhân cho biết: "Tụi em phải hiểu được những thuật ngữ. Khi họ phát âm ra mình phải mường tượng được nó. Nghĩa là mình học thuật ngữ theo cách trừu tượng. Ví dụ như lò hơi thì mình phải xem xem trên thực tế nó như thế nào, phải tưởng tượng ra hình ảnh của nó... Có một số từ em rất bối rối không biết dịch ra tiếng Việt như thế nào. Em phải bỏ qua bước dịch. Song phát âm nó ra là em phải hiểu bộ phận đó là bộ phận nào và để làm gì".


Một tiết mục biểu diễn văn nghệ ngoại khóa của sinh viên Việt Nam.


Em Phạm Đình Thắng, sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành điện hạt nhân nói: "Những bạn đang học năm thứ nhất, thứ hai khó khăn lớn nhất là rào cản về ngôn ngữ. Bọn em bắt buộc phải học tốt tiếng Nga mới tiếp thu được kiến thức thầy cô truyền đạt. Còn lên năm 3, năm thứ 4 bắt đầu vào chuyên ngành. Khó khăn là môn điện hạt nhân là môn rất mới, chưa từng được dạy và học ở Việt Nam một cách chính thống, cho nên tài liệu bằng tiếng Việt hầu như là không có. Tụi em phải đọc bằng tiếng Nga, một số từ chuyên ngành không dịch ra tiếng Việt. Cho nên tụi em phải mày mò và những từ không hiểu có thể hỏi người Nga".

Em Thắng chia sẻ: "Sau 3 năm nữa, thời điểm chúng em tốt nghiệp nhà máy vẫn chưa xây xong, cho nên chúng em muốn học cao hơn, sâu hơn, nghiên cứu rõ hơn về môn này, để sau khi quay về Việt Nam đã có vốn kiến thức vững chắc, có thể hoàn toàn độc lập làm việc mà không cần sự giúp đỡ của các chuyên gia Nga sang, đảm bảo nhà máy vận hành một cách tốt nhất".

Hòa cùng các sinh viên trong buổi sinh hoạt văn nghệ ngoại khóa tưng bừng và dí dỏm, tôi cảm nhận được sức trẻ, sự hăng hái của của thế hệ trẻ Việt Nam ở đây, hệt như sự mới mẻ của ngành điện hạt nhân Việt Nam.


Bài, ảnh: Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)


Ấn tượng công nghệ hạt nhân Nga
Ấn tượng công nghệ hạt nhân Nga

Để tìm hiểu rõ hơn về quy trình vận hành các tổ máy điện hạt nhân, nhóm phóng viên TTXVN đã tới thăm nhà máy điện hạt nhân (AES) Novovoronezh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN