Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, tác giả bài viết cho biết những điều tuyệt vời này xảy ra ở khu vực Lyublino của thủ đô Moskva, nơi có đông bà con Việt Nam làm ăn, kinh doanh. Những chiếc hộp đựng khẩu trang xuất hiện khắp nơi trong quận - tại lối vào các tòa nhà và trong các cửa hàng. Mỗi chiếc khẩu trang được xếp gọn gàng trong một chiếc túi. Và không giống như những người bán hàng rong ở bến tàu điện ngầm và bến xe lửa, không ai bị yêu cầu phải trả 250 rubble.
Bài báo nêu rõ: “Thông báo gắn trên hộp viết mỗi người lấy từ 1 - 2 khẩu trang. Trước khi dùng lần đầu và các lần tiếp theo, giặt nước nóng +60 độ và là bằng bàn là”. Bên cạnh dòng chữ này là lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam.
Báo “Sự thật Komsomol” cho biết một trong những người Việt đầu tiên khởi xướng phong trào này là Đinh Thị Minh Thùy, 28 tuổi. Hai năm trước, cô chuyển từ Việt Nam sang Moskva cùng với người yêu (nay đã là chồng của cô). Cô chưa đi làm và đang nỗ lực học tiếng Nga. Cô gái bắt đầu may khẩu trang từ cuối tháng 3. Ban đầu cô may cho gia đình và sau đó cô gửi một thông báo vào nhóm chat ở khu nhà cô. Họ đã rất ngạc nhiên, song đã tiếp nhận sự giúp đỡ của cô.
Minh Thùy chia sẻ: “Tôi chỉ muốn giúp mọi người một cái gì đó. Tôi có thời gian để tiếp tục may cho hàng xóm của tôi. Lúc đầu, tôi lo mọi người sẽ không chấp nhận khẩu trang tôi làm. Tuy nhiên, mọi thứ đều ổn. Một trong những người hàng xóm thậm chí đã mua bánh ga tô cho tôi”.
Sau đó, cô gái người Việt may thêm 100 chiếc khẩu trang nữa và đem đi phát tại một siêu thị gần nhà. Người quản lý cửa hàng cho phép cô đặt hộp khẩu trang bên ngoài lối vào. Trong 30 phút, tất cả khẩu trang đã phát hết. Minh Thùy kể lại: “Nhân viên bảo vệ cửa hàng đưa cho tôi 1.000 rubble, nhưng tôi nói - không mất tiền, tất cả đều miễn phí! Có những người không cần khẩu trang của chúng tôi, dù họ không có. Song chúng tôi không buồn, vì nhiều người đã nhận được khẩu trang và nói lời cảm ơn”.
Mỗi ngày Minh Thùy may được từ 20 - 30 khẩu trang. Cô cho biết do máy khâu đã cũ, không thể may nhiều hơn nên đã kêu gọi cộng đồng người Việt giúp đỡ. Nhiều người tại khu chợ Sadovod ở Lyublino, nơi có nhiều người châu Á, trong đó có người Việt, kinh doanh, đã đáp lại lời kêu gọi và chung tay may khẩu trang.
Báo “Sự thật Komsomol” cho biết, sau buổi phỏng vấn, cô gái người Việt đã hỏi phóng viên tờ báo cách cô có thể giúp các bác sĩ Nga. Cô hiểu rằng họ sẽ không nhận khẩu trang của cô vì đây không phải là khẩu trang y tế. Các phóng viên báo “Sự thật Komsomol” đã đảm bảo với nhà hảo tâm rằng các bác sĩ Nga có đủ trang thiết bị bảo vệ. Thùy mỉm cười và nói: “Vậy thì tôi có thể ngủ ngon rồi”.