Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh may mắn được làm học trò của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân khi quá trình học đại học và ở lại công tác tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) trong thời gian thầy Quân giữ cương vị Hiệu trưởng nhà trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong chia sẻ: Vừa tốt nghiệp đại học, tôi biết đến đổi mới giáo dục đại học khi được làm thư ký cho “Hội thảo Thanh Đa” năm 1982, do thầy Quân chủ trì. Hội thảo được tổ chức với nội dung chính là thay đổi chương trình đào tạo của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Với vai trò chủ trì hội thảo, thầy Quân đã gợi mở và đề cập đến vấn đề rất mới trong giáo dục đại học khi đó, đó là đào tạo như thế nào để đáp ứng yêu cầu của xã hội. Dưới sự chủ trì của thầy Quân, hội thảo đã thảo luận rất nhiều nội dung mới mẻ như đào tạo hẹp hay rộng, chương trình đào tạo rộng là như thế nào, hẹp như thế nào; kỹ sư có cần học môn quản lý không và thay đổi chương trình ra sao để người kỹ sư có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Hội thảo đó đã giúp tôi mở mang kiến thức, tư duy về giáo dục đào tạo, về quản lý.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong, thầy Trần Hồng Quân là người có tư duy rất mới và độc đáo. Cần phải có thêm thời gian để có thể đánh giá toàn diện, nhưng những ý tưởng, nền móng và các vấn đề về đổi mới giáo dục mà thầy Quân đặt ra từ rất lâu, nhưng nay vẫn phù hợp với thực tiễn phát triển. Đặc biệt, thầy có nhìn nhận và đánh giá rất rõ về giáo dục đại học. Đây không chỉ đơn giản là bậc học giảng dạy sau giáo dục phổ thông, mà thầy đánh giá giáo dục đại học có vai trò dẫn dắt. Hơn thế nữa, thầy Quân còn kết nối giáo dục phổ thông với giáo dục đại học. Thầy cũng có nhìn nhận đúng mức về nguồn lực của xã hội trong phát triển giáo dục đại học, trong đó nguồn lực công, nguồn lực tư ra sao và sự phối hợp giữa nguồn lực công và tư như thế nào.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong chia sẻ: “Khi thầy Quân nhận nhiệm vụ ở Trung ương, tôi không có nhiều điều kiện gặp gỡ thường xuyên, nhưng thầy có ảnh hưởng lớn đến tôi, tôi học tập được rất nhiều điều từ thầy. Đó là tư duy mạch lạc, rõ ràng, có tính hệ thống, đặc biệt khi trình bày về những vấn đề có ảnh hưởng đến nhận thức, quan điểm, phương pháp luận trong giáo dục. Trong mỗi bài trình bày, vẫn là giọng nói nhỏ nhẹ, chậm rãi nhưng lại hết sức thuyết phục bởi sự rõ ràng, sâu sắc, chắc chắn trong mọi vấn đề”.
Trải qua nhiều vị trí quản lý ở nhiều trường đại học từ công lập đến tư thục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong nhận thấy rằng những quyết sách của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân khi ở cương vị quản lý ngành giáo dục đã đóng góp rất lớn cho sự phát nền giáo dục nước nhà, đặc biệt là giáo dục đại học. Ngay cả khi đã nghỉ làm công tác quản lý, nhưng Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân vẫn luôn nghĩ ngợi về giáo dục, “chăm chút” cho giáo dục bằng những ý kiến đóng góp rất sắc xảo. Các thế hệ những người làm công tác giáo dục sau này đã học được rất nhiều từ thầy Quân.
“Rồi nhiều người sẽ viết về thầy Quân, sẽ có nhiều công trình đánh giá lại những công việc, những đóng góp của thầy với giáo dục nước nhà. Nhưng với riêng tôi, trong lòng người học trò nhỏ này, thầy Quân là người thầy vĩ đại. Thầy Quân ra đi là sự mất mát rất lớn” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thanh Phong rưng rưng xúc động.
Nói về một trong những cải cách táo bạo và ấn tượng nhất của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân khi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), đó là chính sách bầu cử Hiệu trưởng các trường đại học lần đầu tiên được thực hiện vào năm 1989. Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh là trường đầu tiên tổ chức, sau đó lần lượt nhiều trường đại học trong nước khác triển khai chính sách này.
Khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống vinh dự là một trong bốn ứng viên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Các ứng viên đến từng Khoa để thuyết minh, trao đổi về quan điểm, chính sách giáo dục, quản lý của mình để vận động phiếu bầu. Tất cả giảng viên, nhân viên, đại diện sinh viên của trường đều được trực tiếp tham gia bầu Hiệu trưởng nhà trường. Giảng viên, nhân viên làm việc trên 5 năm mỗi người được tính một phiếu bầu, dưới 5 năm thì 2 người một phiếu; đại diện sinh viên cũng được tính phiếu bầu theo một tỷ lệ nhất định. Chính sách bầu cử Hiệu trưởng do Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân đưa ra rất tiến bộ, tạo ra không khí dân chủ, thúc đẩy phát triển ở các trường đại học. Những Hiệu trưởng được bầu vào thời điểm đó đều rất xuất sắc trong chuyên môn và quản trị.
“Khi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân là người đưa ra nhiều chính sách quan trọng, thúc đẩy đổi mới, tạo chuyển biến quan trọng cho giáo dục đại học trong nước. Khi nghỉ hưu, công tác ở Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, ông vẫn đóng góp rất nhiều ý kiến để phát triển giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống chia sẻ.
Trong dịp đến thăm, chúc mừng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm 2019, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thời điểm đó là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ, Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao những đóng góp của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân trong sự nghiệp giáo dục nước nhà, ở nhiều giai đoạn và trên nhiều cương vị khác nhau. Khi là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hay khi về nghỉ chế độ, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân vẫn dành nhiều thời gian, tâm huyết cho nền giáo dục; nhất là đã có những ý kiến đóng góp quý báu trong xây dựng chính sách phát triển ngành giáo dục, xây dựng đội ngũ, chăm lo cho học sinh, sinh viên.