Thi thể "Romeo và Juliet" bên nhau ở Sarajevo năm 1993.
|
Từ năm 1992, quân đội Bosnia Serb (VRS) bao vây thủ đô Sarajevo, người dân sống trong cảnh lạnh lẽo vì không có điện, mùa đông phải đốt sách, vỏ xe để giữ ấm. Cặp đôi Bosko Brkic và Admira Ismic quyết định chạy trốn khỏi đây. Do có nhiều nguồn tin từ bạn bè cho rằng con đường qua khu vực Sniper Alley sẽ an toàn nên vào tháng 5/1993, cả hai lên đường vượt cây cầu Vrbanja để tới vùng lãnh thổ Grbavica.
Theo Dino Kapin, Chỉ huy đơn vị Croatia đồng minh với các lực lượng quân đội Bosnia, vào khoảng 5h chiều ngày 19/5/1993, một người đàn ông và một phụ nữ được trông thấy đang đi qua cầu. Người đàn ông bị trúng đạn và ngã gục trên con đường huyết mạch Sniper Alley của thủ đô Sarajevo. Một tiếng súng nữa xé toang không gian và người phụ nữ hét lên, cô bị thương và ngã xuống nhưng vẫn còn sống. Đó chính là “Juliet” Admira Ismic. Cô trườn tới ôm chặt lấy người yêu dấu nhất của cuộc đời. Theo những người chứng kiến, sau khi bị bắn khoảng 15 phút, cô gái qua đời khi đang ôm lấy người yêu. Cứ như thế và mãi mãi, cái chết đã không chia lìa được họ.
Khi hai thi thể được di dời trong một lệnh ngừng bắn 7 ngày sau đó, "Romeo và Juliet" vẫn ôm chặt nhau. Hình ảnh của đôi tình nhân đã trở thành biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu trong một cuộc chiến tranh vô nghĩa, trở thành “Romeo và Juliet” của Sarajevo.
Mẹ của Bosko Brkic gọi mối tình của con trai là “biểu tượng hòa bình”, nhưng bà từ chối so sánh nó với kiệt tác của Shakespeare. Bởi tình yêu của đôi trẻ không bị ngăn cấm, mà luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình. Cho đến giờ, mẹ của Brkic vẫn giữ liên lạc với cha mẹ của Ismic. Trong khi đó, trả lời NBC News, bà Nera Ismic, mẹ của Admira vẫn còn đau lòng khi nói về “sự mất mát vô nghĩa” của “hai đứa trẻ”. “Nụ hôn đầu tiên của chúng là vào đêm giao thừa năm 1984”, bà kể.
Năm đó, tại thành phố Sarajevo đã diễn ra Thế vận hội Mùa đông. Và không ai ngờ rằng chỉ vài năm sau, cuộc chiến vô nghĩa đã biến thành phố này thành nơi chết chóc đau thương. Khoảng 100.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Bosnia kéo dài gần 4 năm, trong đó có 14 người trong gia đình Ismic. Tính riêng tại thủ đô Sarajevo, có ít nhất 12.000 người đã thiệt mạng.
“Mỗi lần rời khỏi nhà, tôi sẽ tạm biệt mọi người bởi vì tôi không biết rằng mình có thể quay trở lại hay không. Mỗi người dân đều có một viên đạn mang tên mình trên đó”, bà Nera Ismic, năm nay đã ngoài 70 tuổi, nói.
Theo nhiều người dân ở Sarajevo, bài học về cái chết của “Romeo và Juliet” thời hiện đại cần được khắc ghi ở Bosnia ngày nay – một đất nước bị chia rẽ bởi các nhóm sắc tộc và tôn giáo.