Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba
Để hiểu được hành động của Arkhipov cần phải lật lại bối cảnh năm 1962, đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Năm đó có thể đã là năm cuối cùng của nhân loại. Kéo dài từ ngày 12 tới 28/10/1962, cuộc khủng hoảng là sự đối đầu giữa người Liên Xô và người Mỹ liên quan đến kế hoạch triển khai tên lửa đạn đạo ở Cuba.
Căng thẳng leo thang đến mức cuộc khủng hoảng này suýt biến Chiến tranh Lạnh thành một cuộc chiến hạt nhân. Trong thời Chiến tranh Lạnh, Cuba chịu ảnh hưởng của Mỹ nhưng cả đất nước đã đi theo con đường chủ nghĩa cộng sản dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo Fidel Castro và nghiêng về phe Liên Xô.
Quan hệ giữa Cuba và Mỹ xấu đi sau khi có thông tin Mỹ đang hậu thuẫn một cuộc xâm nhập Cuba cùng với những người Cuba lưu vong năm 1961. Đúng năm đó, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã đồng ý bí mật đặt tên lửa gắn hạt nhân ở Cuba, có thể đánh trúng mục tiêu của Mỹ.
Tháng 10/1962, một máy bay do thám Mỹ đã phát hiện ra các tên lửa này. Chính quyền Mỹ nổi giận vì cho là an ninh đang bị đe dọa nghiêm trọng. Dưới áp lực của phe đối lập, Tổng thống Mỹ John Kennedy đã phong tỏa Cuba để ngăn chặn bất kỳ vụ vận chuyển vũ khí nào trong tương lai. Ông cũng đòi nhà lãnh dạo Khrushchev dỡ bỏ những vũ khí đã được lắp đặt ở Cuba.
Căng thẳng leo thang, thế giới hướng tới một cuộc chiến tranh hủy diệt. Toàn bộ 42 tên lửa của Liên Xô đang chĩa về phía Mỹ. Các đồng minh của Mỹ có vũ khí hạt nhân như Thổ Nhĩ Kỳ và Italy cũng đe dọa có thể đánh trúng Moskva trong chưa đầy 16 phút. Liên Xô không lùi bước. Họ có đủ hạt nhân để không chỉ hủy diệt hầu hết các thành phố lớn ở Mỹ mà còn đủ để tiêu diệt toàn bộ đồng minh của Mỹ. Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng đó, Vasili Arkhipov xuất hiện.
Người hùng thầm lặng
Arkhipov là người có mặt trên chiếc tàu ngầm B - 59 của Liên Xô ở vùng biển Caribe khi tàu ngầm này bị Hải quân Mỹ phát hiện trong bối cảnh Mỹ đã phong tỏa Cuba, không cho phép phương tiện nào qua lại. Hải quân Mỹ đã thả bom phá tàu ngầm xuống bên trái và bên phải thân tàu. Bên trong, con tàu rung lắc dữ dội sau mỗi tiếng nổ. Điều mà người Mỹ không biết là tàu ngầm này mang theo ngư lôi hạt nhân chiến lược trong trạng thái sẵn sàng hoạt động.
Tàu ngầm B - 59 trồi lên mặt nước. |
Thuyền trưởng tàu ngầm Valentin Savitsky đang ở trong tâm trạng lo lắng, kiệt sức, thiếu thông tin trong suốt chuyến đi kéo dài cả tháng trời dưới biển. Ông cho rằng trên mặt đất đã xảy ra chiến tranh hạt nhân và đang nghĩ tới khả năng phóng ngư lôi. Theo chỉ thị từ trước, trong trường hợp mất liên lạc với mặt đất, tàu ngầm có quyền phóng ngư lôi mang theo tên lửa hạt nhân nếu cả ba người có quyền trên tàu đều đồng ý.
Nhiệt độ trong tàu ngầm lên tới gần độ C. Hệ thống điều hòa không khí đã hỏng, nhưng tàu không thể nổi lên mà không bị phát hiện. Thuyền trưởng cảm thấy giờ khắc cáo chung đã tới. Vadim Orlov, một sĩ quan tình báo có mặt trên tàu ngầm, nhớ lại: “Người Mỹ dùng thứ gì đó mạnh hơn lựu đạn để tấn công chúng tôi, rõ ràng là một quả bom phá tàu ngầm. Chúng tôi nghĩ vậy là hết”.
Về phần mình, thuyền trưởng Savitsky đã quyết định phóng và ra lệnh cho tên lửa gắn hạt nhân sẵn sàng. Thuyền phó cũng đồng tình với lệnh của ông Savitsky. 11 tàu Hải quân Mỹ đang lởn vởn gần đó đều là mục tiêu có thể của quả tên lửa. Hạt nhân của quả tên lửa có sức mạnh ngang quả bom Mỹ thả xuống Hiroshima.
Viên thuyền trưởng hét lên: “Có thể chiến tranh đã bắt đầu ở trên kia rồi. Chúng ta sẽ cho phát nổ ngay bây giờ. Chúng ta sẽ chết nhưng chúng ta sẽ chìm cùng tất cả. Chúng ta sẽ không trở thành nỗi xấu hổ của hạm đội”.
Nếu thuyền trưởng Savitsky phóng quả ngư lôi mang theo tên lửa gắn hạt nhân, ông sẽ làm bốc hơi một tàu khu trục hoặc một tàu sân bay Mỹ. Rồi Mỹ có thể sẽ phản ứng bằng bom hạt nhân phá tàu ngầm, kích hoạt một loạt diễn biến gây ra hậu quả hủy diệt.
Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra vì sự xuất hiện của Vasili Arkhipov. Lúc đó, sĩ quan này 34 tuổi, chỉ huy một đội tàu nhỏ chịu trách nhiệm bảo vệ ba tàu ngầm Liên Xô đang thực hiện sứ mệnh bí mật tới Cuba và ngang chức với thuyền trưởng Savitsky.
Arkhipov có thể là một trong những người hùng thầm lặng nhất lịch sử hiện đại. Trên tàu ngầm khi đó, ngoài một quan chức chính trị, Arkhipov là người duy nhất có quyền phủ quyết quyết định của thuyền trưởng Savitsky. Và anh đã phủ quyết trong khi cả hai người còn lại đều đồng ý.
Theo lý giải của Arkhipov, khi chưa nhận lệnh từ Moskva, hành động cực đoan phóng tên lửa hạt nhân có thể là thảm họa. Anh muốn lên mặt nước và liên lạc với Moskva để xin chỉ thị. Hơn nữa, tàu ngầm không gặp nguy hiểm vì người Mỹ chỉ thả bom về phía bên trái và phải thân tàu để bắn tín hiệu cảnh cáo và để buộc tàu phải trồi lên, chứ không phải là họ tấn công tàu.
Trong trường hợp mất liên lạc với mặt đất, tàu ngầm có quyền phóng ngư lôi mang theo tên lửa hạt nhân nếu cả ba người có quyền trên tàu đều đồng ý. |
Một cuộc cãi vã nảy lửa đã xảy ra. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã thống nhất với nhau. Tàu ngầm trồi lên mặt nước. Người Mỹ yêu cầu tàu ngầm quay trở về Liên Xô. Tàu ngầm Liên Xô đồng ý và cũng không thể làm gì khác vì tàu đang gặp trục trặc kỹ thuật. Hành động của họ bị coi là hèn nhát vì về lý thuyết, họ đã đầu hàng người Mỹ và hành động đó bị chế giễu. Người ta đồn rằng một đô đốc Liên Xô còn nói với thủy thủ đoàn tàu ngầm rằng: “Sẽ tốt hơn nếu các anh chìm cùng tàu”.
Tuy nhiên, quyết định không phóng tên lửa hạt nhân của Arkhipov có thể được coi là đã cứu cả nhân loại. Bất chấp một số người Liên Xô coi đó là hành động cúi đầu trước người Mỹ nhưng những gì Arkhipov đã làm vào ngày hôm đó đã khiến những người yêu chuộng hòa bình trên cả thế giới biết ơn anh.