Chuyện về cuộc đời Yoshiko Kawashima giống như lấy từ một tạp chí viễn tưởng vào những năm 1930: Một nàng công chúa Mãn Châu mặc nam phục, cưỡi ngựa băng qua thảo nguyên trốn chạy, trở thành gián điệp cho người Nhật, đóng giả làm gái mại dâm ở các vùng trồng thuốc phiện của Trung Quốc và Siberia, rồi bị bắt và xử tử. Tất cả được đặt trong bối cảnh cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911, cuộc xâm lược Trung Quốc của Nhật Bản và Thế chiến thứ II.
Yoshiko Kawashima sinh ra trong Hoàng tộc Mãn Thanh vào năm 1907, là con gái của Túc Thân vương Thiện Kỳ. Năm nàng tiểu Cách cách Hiển Dư (tên thời nhỏ của Yoshiko) mới 4 tuổi, đế chế Mãn Thanh bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Tân Hợi 1911, nền Cộng hòa ra đời và gia đình cô mất hết quyền lực. Thời điểm đó, hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc Phổ Nghi chỉ là một đứa trẻ, nhưng người mẹ làm nhiếp chính đã đồng ý thoái vị. Đổi lại, các nhà Cách mạng đồng ý tha mạng cho cả Hoàng tộc.
Hoàng tộc nhà Thanh bị phế truất, các thế lực lân bang đã nhanh chóng đánh hơi được một lợi thế trong bối cảnh mới này. Một điệp viên Nhật Bản tên là Naniwa Kawashima đã nhanh chóng tiếp cận cha của Hiển Dư - Túc Thân vương Thiện Kỳ. Túc Thân vương là người luôn canh cánh trong lòng giấc mộng khôi phục thời kỳ vàng son của triều Thanh, nên ông đã gửi hết con cái sang nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản, để tìm kiếm các thế lực có thể giúp khôi phục quyền lực. Năm 1915, Naniwa thuyết phục được Thân vương giao Hiển Dư cho ông ta nuôi nấng. Naniwa đổi tên Hiển Dư, năm đó mới 8 tuổi, thành Yoshiko và đưa cô tới Tokyo để nuôi dạy như con gái mình.
Cuộc đời cô gái trẻ Yoshiko hầu như chưa bao giờ yên ả. Túc Thân vương Thiện Kỳ mất năm 1921, không gặp lại cô con gái mà ông đã phải từ bỏ, mẹ Yoshiko tự sát sau cái chết của chồng. Người cha nuôi Naniwa thì truyền bá cho Yoshiko tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản, và cả chủ nghĩa phát-xít cũng như hàng loạt những suy nghĩ bạo lực, chuyên chế, tàn bạo…. Cách giáo dục đó đã khiến Yoshiko ngày càng trở nên ương bướng và hoang dại.
Khi Yoshiko lớn lên cũng là lúc Naniwa bắt đầu có những cảm xúc rất khó chịu với cô. Ông ta ám chỉ với bạn bè rằng đang cân nhắc việc cưới Yoshiko và trở nên ghen tuông dữ dội, thậm chí sử dụng bạo lực, nếu nghi ngờ cô đang tán tỉnh một người đàn ông khác.
Lối thoát duy nhất của Yoshiko lúc này là con đường học tập, bao gồm cả theo học những môn võ thuật Nhật Bản như Kendo, Judo, cũng như trau dồi một nền tảng rộng lớn về khoa học xã hội. Sau này, Yoshiko tiết lộ đã bị cha dượng hãm hiếp năm 17 tuổi, khiến cô phải rời bỏ nhà.
Kể từ đó Yoshiko cắt tóc ngắn và bắt đầu ăn vận như một người đàn ông, biến mất trong thế giới ngầm phóng túng của Tokyo. Có tin đồn rằng cô đã sống với những người tình giàu có, cả nam và nữ, để có người hỗ trợ trong thời kỳ hoang dại này trước khi chấp nhận quay trở lại với cha nuôi.
Cho đến năm 1927, lòng trung thành đã kéo Yoshiko trở lại thế giới chính trị theo một cách truyền thống với những nàng Cách cách. Cô được anh trai cùng cha nuôi sắp xếp một cuộc hôn nhân khi trở về Trung Quốc.
Vào khoảng thời gian này, Yoshiko sử dụng một cái tên Trung Quốc là Dongzhen, hay “Ngọc phương Đông”. Qua cuộc hôn nhân sắp đặt, cô trở thành thành viên trong gia đình một vị tướng gắn liền với phong trào độc lập của Mông Cổ. Hầu hết các nguồn tin đều cho rằng chồng cô là hoàng tử Ganjuurjab, con trai của tướng quân đội Nội Mông Jengjuurjab.
Tuy nhiên cuộc hôn nhân nhuốm màu sắc chính trị kéo dài chỉ được 2 năm thì Yoshiko quyết định chạy trốn khỏi vùng thảo nguyên Mông Cổ để trở về Thượng Hải mà không một lời từ biệt. Lúc ra đi, năm 1929, cô mới 22 tuổi.
Cô gái độc thân Yoshiko chuyển đến Thượng Hải, sống ở khu phố người nước ngoài và tham gia vào hoạt động chính trị ngầm và gián điệp trong vùng.
Yoshiko vẫn giữ mối liên hệ với người Mông Cổ và các thành viên hoàng tộc Mãn Thanh, đặc biệt là người anh họ, Hoàng đế Phổ Nghi, đã bị phế truất khỏi ngai vàng. Ngoài ra, Yoshiko theo đuổi con đường hợp tác với người Nhật để lấy thông tin tình báo, hòng phục vụ ý đồ gây dựng lại Thanh triều, thực hiện di nguyện của cha mình. Thế nhưng, sự thật là cô không những không khôi phục được triều Thanh mà còn giúp cho quân đội Nhật bành trướng thế lực hơn. Nàng Cách cách dần lún sâu vào con đường làm gián điệp cho Nhật Bản, chống lại chính người dân của đất nước mình.
Năm 1932, các cuộc biểu tình và làn sóng bạo lực chống Nhật Bản đã bị quân đội Nhật sử dụng như một sự biện minh cho cuộc xâm chiếm Thượng Hải, trong cái gọi là “Biến cố Thượng Hải". Nhờ có sự trợ giúp đắc lực của Yoshiko, Nhật Bản gần như khống chế toàn bộ Thượng Hải, uy hiếp nghiêm trọng thủ đô của Trung Quốc lúc bấy giờ là Nam Kinh. Vì vậy, người ta cho rằng Yoshiko chính là người đã gây ra những sự kiện có tác động rất xấu tới Trung Quốc.
Một năm trước đó, năm 1931, người Nhật đã xâm chiếm Mãn Châu, dựng lên một quốc gia bù nhìn mới ở đây gọi là Mãn Châu Quốc. Nhờ ảnh hưởng của Yoshiko, người Nhật thuyết phục Phổ Nghi trở thành người đứng đầu Mãn Châu Quốc.
Yoshiko lúc này là một nhân vật tích cực ở quốc gia mới. Nhật Bản cũng lập ra một lực lượng quân sự bù nhìn gọi là An Quốc quân và phong cho Yoshiko chức Tổng tư lệnh. Cô thường mặc quân phục nam giới, chỉ huy đội quân của mình trong nhiều hoạt động đàn áp các đội du kích chống Nhật.
Yoshiko còn được báo chí Nhật Bản ca ngợi là “Joan of Arc” (một nữ anh hùng dân tộc Pháp) của Mãn Châu Quốc. Cô trở nên nổi tiếng, thậm chí còn trở thành nhân vật nữ anh hùng trong một số tiểu thuyết.
Yoshiko ban đầu có mối quan hệ thân thiết với lực lượng quân đội Nhật Bản điều hành Mãn Châu. Tuy nhiên vai trò mới là nàng Cách cách của người Mãn dường như đã đánh thức lòng trung thành với di sản nhà Thanh của cô. Yoshiko bắt đầu phản đối sự kiểm soát của Nhật Bản và các chính sách tàn bạo mà họ sử dụng để đàn áp bất kỳ sự bất đồng nào. Vì vậy năm 1934, Yoshiko bị người Nhật bắt giam.
2 năm sau, cô được tha và trở về Thiên Tân, tiếp tục hoạt động gián điệp cho người Nhật. Nhưng trong suốt quãng thời gian sau đó, quân Nhật và lực lượng phát-xít thắng thế trên toàn thế giới, Trung Quốc nằm hoàn toàn dưới ách thống trị của người Nhật. Yoshiko không còn phát huy được vai trò nữa, cô đã quá nổi tiếng để làm tình báo, và quá không đáng tin cậy để được sử dụng cho mục đích tuyên truyền.
Sự kết thúc của Thế chiến 2 với thất bại của phát xít Nhật cũng là sự sụp đổ của Mãn Châu Quốc. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc kiểm soát Mãn Châu. Trên thực tế nơi này đã trở thành căn cứ chính của họ trong hai năm nội chiến với Quốc dân Đảng để giành quyền kiểm soát Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc nhanh chóng tổ chức truy lùng Yoshiko. Tháng 11/1945, cô bị bắt tại Bắc Kinh. Nàng Cách cách Mãn Thanh bị giam trong 2 năm rưỡi trong một phiên tòa kéo dài. Luật sư bào chữa cho rằng, với tư cách là một công dân Nhật Bản nhập tịch, Yoshiko không phải là một kẻ phản quốc mà là một tù nhân chiến tranh, và cần phải đưa ra xét xử tại tòa án quốc tế.
Tuy nhiên, lý lẽ này không được công nhận, Yoshiko bị kết án tử hình vì tội phản quốc. Bản án được thực hiện vào ngày 25/3/1948. Mong muốn cuối cùng của cô là được hành quyết kín cũng không được chấp thuận, thay vào đó, Yoshiko Kawashima bị xử tử công khai bằng một phát súng vào gáy. Thi thể cô sau đó được bêu nơi công cộng để răn đe.
Có thông tin cho rằng thi thể Yoshiko đã được một nhà sư Nhật Bản mang đi hỏa táng, sau này chôn cất tại đền Shorinji ở tỉnh Nagano.