Đầu năm 1973, chúng tôi vào học ở khóa GP11 ở Tam Hiệp, Quốc Oai, Hà Tây (cũ). Sau gần 1 năm rèn trí, chúng tôi được lệnh chuẩn bị đi chiến trường.
Xe cơ quan chở chúng tôi lên Lương Sơn, Hòa Bình, vào học tại Trường 105 dành cho cán bộ, viên chức, dân chính Đảng vào Nam công tác. Đúng là một mái trường rèn chí khí, luyện sức bền.
Xe xuyên qua những dãy phủ kín tán cây rừng, lội qua suối đưa chúng tôi tới trường. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một khẩu hiệu to trước sảnh: "Các đồng chí hãy ăn hết tiêu chuẩn, ăn hết định lượng, ăn vì miền Nam ruột thịt". Thật không ngờ trong lúc đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn gian khổ, mọi người dân đều thắt lưng buộc bụng, thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người, tất cả vì miền Nam thân yêu, thế mà Đảng và Nhà nước đã dành cho chúng tôi quá ưu tiên.
Vào trường, sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, chúng tôi được tập rèn thể lực, sáng đi bộ qua 3 đèo, 7 suối. Ban đầu chỉ mang 5 viên gạch, dần dần lên 10 viên và 15 viên. Chiều về thì học chính trị luyện chí. Ban đầu học cách đi đứng - đi không dấu, nấu không khói. Sau học cách đi dân vận và học tránh địch là chủ yếu.
Sau gần 2 tháng rèn chí, luyện bền, chúng tôi được phân ra thành các đại đội, trung đội; được nhận quân tư trang và các vật dụng cần thiết để vào Nam. Tôi được nhận một khẩu AK47 và 3 băng đạn. Ngày chuẩn bị lên đường, lãnh đạo cơ quan và Ban tổ chức lên thăm động viên tinh thần, chúc chúng tôi dồi dào sức khỏe và yên tâm lên đường nhận nhiệm vụ. Ban đầu thông báo là chúng tôi sẽ đi trước tháng 12/1973, nhưng tình hình chiến trường có nhiều chuyển biến và Hiệp định Paris đã được ký kết nên hoãn ra Tết mùng 5 âm lịch sẽ tập trung lại để đi.
Sau 1 năm xa cách được về quê ăn Tết cùng cha mẹ trong bộ quân phục người lính có gì vui và vinh dự hơn. Chúng tôi đã ăn một cái Tết vui vẻ, trọn vẹn và ấm áp. Đúng sáng mùng 5 âm lịch 1974, chúng tôi tập trung ở núi Nùng để điểm quân. 17h cùng ngày toàn đoàn lên xe đưa chúng tôi về Trạm giao liên Thường Tín. Ở lại Thường Tín 1 ngày, 19h chúng tôi bắt đầu hành quân ra ga trong màu áo lính dưới vành lá ngụy trang.
Chúng tôi ra đi trong niềm vui phấn khởi, chẳng ai nghĩ là mình đang ra chiến trường. Sân ga trong màn đêm rộn ràng tiếng nói, tiếng cười, kẻ chạy xuôi, người chạy ngược. Ôi vui như đêm hội.
21h đêm tàu lầm lũi đưa chúng tôi xuống về phía Nam, thỉnh thoảng lại kéo lên một hồi còi vang vọng trong màn đêm thăm thẳm. Tàu về qua quê tôi Cầu Cấm anh hùng đã chịu đựng bao bom rơi, đạn nổ. Tàu qua quê mẹ lúc 3h sáng, tôi vội vàng vứt một lá thư viết vội, không quên bỏ mấy chục bạc vào trong (có 2 chục thôi, nhưng đó là gần 1 tháng lương của tôi lúc đó), nhờ bác gác tàu và người đi đường ai nhặt được thì đưa tới cho cha mẹ già của tôi, để cha mẹ tôi biết là tôi đã đi chiến trường.
Thật không ngờ, chiều hôm sau có người vào Vinh - trạm liên lạc Nghi Phú, thăm tôi. Ôi, trong gian khổ đói nghèo mới hiểu hết lòng nhau. Bác gác tàu nhặt được và đưa cho người thân của tôi. Cảm ơn bác! Trong đêm đen mịt mù gió núi, lòng tham đã không bị đánh mất, tấm lòng người càng trong sáng hơn. Qua đó càng làm điểm tựa cho lòng tự tin của tôi để đi vào chiến trận.
21h đêm, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Xe ZIN 2 cầu đón chúng tôi tại Trạm liên lạc và đưa chúng tôi vào Hà Tĩnh. Cứ thế, ngày nghỉ đêm đi. Qua Quảng Bình, xuôi dòng sông Nhật Lệ đi lên miền Tây về phương Nam. Trải qua gần 1 tháng, chúng tôi cũng vào được Cần Đăng Tân Biện. Nghỉ ngơi xả láng được mấy ngày, chúng tôi lại tiếp tục hành quân về Lò Gò Xa Mát 1 đêm, sáng hôm sau chúng tôi được người liên lạc Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) dẫn đường về căn cứ. Tưởng gần, ai ngờ cũng phải cuốc bộ gần 1 ngày đường.
Căn cứ TTXGP đóng trong một rừng già thưa thớt, các lán ở xa nhau nép mình dưới tán cây rừng. Chúng tôi được nghỉ ngơi mấy hôm. Những ngày đầu công tác của chúng tôi là làm nhà ở. Nói là nhà nhưng chỉ có 4 - 6 cây cột trên lợp lá trung quân, xung quanh không hề có vách che. Đơn giản là thế nhưng cũng gần 1 tháng làm mới có chỗ ở cho 3 - 4 người.
Lo chỗ ở xong, lại lo cái ăn, vì thêm người thì thêm miệng ăn. Chúng tôi lại lo phá rẫy tìm nương, kiếm thêm cân sắn, mớ rau. Ở rẫy chủ yếu là trồng rau và bầu bí. Nước uống cũng là nguồn đòi hỏi cấp bách. Làm rẫy thì phải có giếng để lấy nước ăn và tưới cây, vì vậy phải đào giếng. Phần lớn các đơn vị trong cơ quan đều làm rẫy sát ven sông Vàm Cỏ Đông để có nước và đặt vó bắt cá, thả câu.
Ổn định xong chỗ ăn, chỗ ở, Đoàn GP11 chúng tôi được phân về các đơn vị như điện báo về B82 làm công tác điện báo viên kiêm sửa chữa máy ảnh + têlêtíp..., còn chúng tôi học vô tuyến điện được phân về B81 tăng cường cho các tổ thu, phát tin - ảnh; nhận sự chỉ đạo từ Hà Nội và phát tin - ảnh chiến sự, chính trị từ miền Nam ra Bắc.
Tôi may mắn được về tổ Têphôtô và trực tiếp phát bức ảnh phi công Nguyễn Thành Trung (sau này là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) phản chiến hạ cánh an toàn ở sân bay Cần Đăng, kịp thời ra Bắc để động viên khí thế cho quân và dân ta.
Tiếng súng ngày càng dồn dập, quân ta liên tiếp tấn công địch. Để đảm bảo có các bản tin nhanh, chính xác, kịp thời gửi về Tổng xã Hà Nội, TTXGP cử nhiều đoàn gồm phóng viên, kỹ thuật, điện báo bám sát mặt trận từng mũi tiến công. Song song với các đồng chí ra trận, cơ quan còn cử một số cán bộ phóng viên, kỹ thuật đi xây dựng phong trào "3 cùng" (cùng ăn - cùng ở - cùng chiến đấu) với dân.
Cục diện chiến trường ngày càng quyết liệt, căng thẳng, có lợi cho chúng ta. Trung ương Đảng quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. TTXGP được tăng cường thêm sức người, sức của, máy móc tốt hơn được đưa vào. Đồng chí Đào Tùng - Tổng biên tập VNTTX và một số cán bộ, phóng viên kỹ thuật vào tận B2 (cứ) để chỉ đạo công việc và trực tiếp ra trận. Khí thế ở cơ quan càng gần ngày thắng lợi càng rộn rịp, sục sôi khí thế tấn công. 30/4 là ngày vui trọn vẹn - đất nước khải hoàn ca - non sông thu về một dải.
Sau 45 năm đất nước được thống nhất, nay cùng đồng đội, bạn bè may mắn được sống, được mời vào đón nhận danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" do Đảng và Nhà nước phong tặng cho TTXGP. Ngồi trên máy bay từ Hà Nội đi Sài Gòn chỉ vẻn vẹn chưa đầy 2 tiếng đồng hồ so với 20 năm dân tộc ta phải chiến đấu gian khổ, hy sinh, để được bước vào Sài Gòn, lòng bồi hồi xúc động, lại nhớ về các anh, các chị, những đồng đội đã ngã xuống cho đất nước được hưởng độc lập tự do. Vinh dự này, công lao này có công đóng góp lớn của các anh, các chị. Các anh, các chị ngã xuống được đất mẹ thân yêu ôm trọn cùng với bộ quân phục mầu xanh của "Anh lính Cụ Hồ", "Anh Giải phóng quân".