70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào:

Quan hệ đoàn kết đặc biệt và Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào tạo thành sức mạnh to lớn (Phần 2)

Bất chấp nguyện vọng chính đáng của nhân dân ba nước Đông Dương, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp ngang nhiên nổ súng đánh chiếm thành phố Sài Gòn, rồi mở rộng chiến tranh ra toàn Nam Bộ, Nam Trung Bộ của Việt Nam và Campuchia, Hạ Lào để áp đặt lại ách thống trị của chúng.

Chú thích ảnh
 Các đồng chí trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào yêu nước làm việc với chuyên gia Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Phần 2: Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào

Trước nguy cơ mất còn nền độc lập dân tộc của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, ngày 25/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc, chủ trương: “Thống nhất mặt trận Việt - Miên - Lào chống Pháp xâm lược”. Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc của Đảng bước đầu xác lập và định hướng liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia. Tiêu biểu cho tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của liên quân Lào - Việt trong năm đầu cuộc kháng chiến là trận đánh địch ở Mường Láp (Sầm Nưa) ngày 20/10/1945, tiếp đó là trận chiến đấu kiên cường bảo vệ Thà Khẹc ngày 21/3/1946...

Ngày 20/1/1949, Đội Látxavông (tiền thân của Quân đội nhân dân Lào) thành lập tại vùng căn cứ Xiềng Khọ (Hủa Phăn), do đồng chí Cayxỏn Phômvihản Tổng Chỉ huy. Sự kiện trọng đại này đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang kháng chiến Lào.

Từ những diễn biến mới của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định, các lực lượng quân sự của Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng, mang danh là Quân tình nguyện. Tháng 4/1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định mở Chiến dịch Thượng Lào giành thắng lợi. Từ đó, hậu phương kháng chiến của Lào nối với vùng tự do của Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa Việt Nam - Lào, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương phát triển.

Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954. Tháng 12/1953, một bộ phận quân chủ lực Việt Nam phối hợp với Quân đội Lào Ítxalạ và Quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch sông Nậm U ở phía tây Điện Biên và nhiều chiến dịch ở Trung Lào, Hạ Lào thăng lợi, góp phần đập tan kế hoạch tập trung quân của tướng thực dân Pháp Nava.

Cuối năm 1953, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm giải phóng hoàn toàn vùng Tây Bắc Việt Nam, tạo điều kiện cho quân và dân Lào giải phóng vùng cực Bắc Lào. Ngày 13/3/1954, quân và dân Việt Nam tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính Việt Nam, quân và dân Lào liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự từ Bắc xuống Nam Lào để kiềm chế lực lượng địch, đồng thời ủng hộ Chiến dịch Điện Biên Phủ 300 tấn gạo và 400 viên đạn pháo 105 mm... góp phần tạo nên chiến thắng to lớn “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp bị tiêu diệt hoàn toàn. Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và cũng là thắng lợi của quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, mà Việt Nam làm trụ cột trong sự nghiệp kháng chiến chống kẻ thù chung.

Cuối năm 1954, Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết khẳng định tiếp tục tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Chính phủ Kháng chiến và Bộ Quốc phòng Lào đề nghị Việt Nam xây dựng kế hoạch và cử đoàn cố vấn quân sự giúp Lào củng cố, xây dựng Quân đội Pathết Lào.

Từ năm 1960, đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn đẩy mạnh đánh phá, ngăn chặn vận chuyển của Đoàn 559 trên tuyến Đông Trường Sơn. Để đáp ứng yêu cầu chi viện ngày càng lớn cho chiến trường miền Nam Việt Nam và cách mạng Lào, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào thống nhất chủ trương mở đường vận chuyển chiến lược sang phía Tây Trường Sơn. Việc chuyển hướng vận chuyển chiến lược sang Tây Trường Sơn không chỉ tạo ra thế và lực mới cho cách mạng hai nước Việt Nam, Lào, mà còn thể hiện ý chí quyết tâm cao của hai Đảng và nhân dân hai nước Việt - Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập, tự do.

Chú thích ảnh
Hoàng thân Souphanouvong với các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, năm 1950. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sau Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào, ngày 5/9/1962, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tại cuộc hội đàm (7/1963), Trung ương Đảng Nhân dân Lào đề nghị Việt Nam tăng cường lực lượng chuyên gia giúp Lào toàn diện, từ chủ trương, chính sách đến tổ chức thực hiện; trong đó, về quân sự, giúp Lào thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản là xây dựng chính trị, tư tưởng, tổ chức Đảng trong quân đội và củng cố, phát triển phong trào chiến tranh du kích. Đồng thời, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân đội Pathết Lào mở nhiều chiến dịch, chủ yếu ở khu vực đường 9 - Trung Lào, Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, đập tan các cuộc tấn công lấn chiếm của địch.

Đặc biệt, đầu năm 19, bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân giải phóng Lào giành thắng lợi ở chiến dịch Nặm Bạc, giải phóng hoàn toàn khu vực Nặm Bạc - Khăm Đeng với hơn một vạn dân, nối liền vùng giải phóng Thượng Lào thành khu vực liên hoàn, tạo thế vững chắc cho hậu phương cách mạng Lào, hỗ trợ thiết thực cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Campuchia. Tiếp theo là các trận đánh ở Cù Kiệt (10/1969 - 4/1970), chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (3/1971), giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, trong đó có vùng chiến lược Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, bảo vệ vững chắc và thông suốt tuyến vận tải chiến lược Tây Trường Sơn.

Đến cuối năm 1972, lực lượng vũ trang cách mạng Lào có hơn 3 vạn quân tập trung và hơn 5 vạn dân quân du kích đủ sức hoàn thành nhiệm vụ. Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp chặt chẽ với bộ đội Lào đập tan nhiều cuộc hành quân lần chiếm của địch ở Luổng Phabang, tây Mương Xủi - Xala Phu Khun, đông và nam Thà Khẹc, nam Đường số 9, nam Pạc Xê, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng và hỗ trợ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân Lào ở vùng địch kiểm soát.

Cách mạng Lào phát triển đã hỗ trợ tích cực cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam (30/4/1975) và quân, dân Lào nổi dậy giành chính quyền, thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (12/1975) là thắng lợi to lớn của quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu thủy chung, nghĩa tình son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào.

Chú thích ảnh
 Liên quân Lào - Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, gần nửa triệu lượt quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Việt Nam vượt qua dãy núi Trường Sơn hùng vĩ sang giúp cách mạng Lào, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả và góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản đánh giá: Trong lịch sử của cuộc cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương trong sáng về tinh thần quốc tế vô sản cao cả, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện như Việt Nam - Lào. Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào vô cùng tự hào thấy rằng: Qua những thử thách gay go, quyết liệt trong nhiều thập kỷ, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân hai nước đã thề hy sinh tất cả, kể cả hy sinh xương máu của mình vì thắng lợi và độc lập dân tộc của mỗi nước... Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản khẳng định: “Núi có thể mòn, sống có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.

Tại cuộc Hội đàm giữa đại diện hai Trung ương Đảng năm 1971, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản nói: “Tuy Việt Nam có khó khăn nhưng đã không tiếc gì với Lào, chính cái đó đã góp phần tăng cường đoàn kết giữa hai Đảng. Đây là quan hệ đặc biệt trên thế giới không đâu có”.

Cảm ơn và đáp lại lời nói chân tình đó của Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn phát biểu: “Nhân dân Việt Nam hy sinh xương máu cho cách mạng Lào, nhân dân Lào cũng hy sinh tính mạng và của cải để giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Hai Đảng, hai dân tộc chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, nếu chỉ thấy sự giúp đỡ của một bên là không đúng. Đảng chúng tôi luôn luôn giáo dục cho cán bộ, đảng viên Việt Nam hiểu rõ điều đó”.

Quan hệ đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu thủy chung Việt Nam - Lào đã góp phần xây dựng lực lượng cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào không ngừng phát triển, lớn mạnh. Thực tế cho thấy, hai nước Việt Nam - Lào đoàn kết và liên minh chiến đấu dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của nhau, đã tạo nên sức mạnh to lớn đánh thắng các đế quốc xâm lược hung hãn, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại, vì độc lập, tự do, hòa bình và tiến bộ xã hội. Đó chính là cơ sở vững chắc để tăng cường, phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào lên tầm cao mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển của mỗi nước. (Hết)

TTXVN/Báo Tin tức
Quan hệ đoàn kết đặc biệt và Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào tạo thành sức mạnh to lớn (Phần 1)
Quan hệ đoàn kết đặc biệt và Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào tạo thành sức mạnh to lớn (Phần 1)

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã có sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Những năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được tiếp tục quan tâm vun đắp, củng cố, tăng cường; là tài sản vô giá, là quy luật giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng, phát triển của mỗi nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN