Mối đe dọa đối với ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ bắt nguồn từ chuỗi cung ứng xuyên biên giới phức tạp mà ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đã xây dựng và phát triển trong 40 năm qua.
Kể từ khi ông Trump công bố kế hoạch sẽ áp đặt thuế quan 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada trong tuần này, các giám đốc điều hành và nhà phân tích đang cố gắng đánh giá thiệt hại tiềm tàng đối với ngành công nghiệp, vốn đã đang phải đối mặt với nhu cầu xe điện “èo uột”.
Ông Dan Levy, nhà phân tích tại Barclays, cho biết mọi người nhìn chung đều hiểu rằng việc áp thuế 25% lên tất cả các loại xe hoặc linh kiện/phụ tùng từ Mexico và Canada có thể gây ra sự gián đoạn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của sự gián đoạn này.
Những “ông lớn” nào chịu ảnh hưởng nặng nề nhất?
Mexico và Canada là các trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều hãng xe tại Mỹ, điều đó đồng nghĩa với việc hầu hết các nhà sản xuất lớn trên thế giới đều dễ bị tổn hại trước tác động của thuế quan. Theo nhà phân tích Daniel Roeska của Bernstein, khoảng 40% ô tô và xe tải mà Stellantis bán tại thị trường Mỹ được nhập khẩu từ Mexico hoặc Canada. Tỷ lệ này lần lượt là 30% và 25% đối với GM và Ford. Barclays ước tính rằng lợi nhuận của ba nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Detroit có thể bị “bốc hơi” bởi các khoản thuế này, nếu các công ty không nhanh chóng thực hiện các bước để giảm thiểu tác động.
Trong số các nhà sản xuất ô tô châu Âu, Volkswagen chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi 45% doanh số bán hàng tại Mỹ đến từ những chiếc xe được sản xuất tại Mexico và Canada, mặc dù thị trường Mỹ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu của tập đoàn. Các hãng xe Nhật Bản như Nissan và Honda cũng sản xuất một lượng ô tô đáng kể tại Mexico để xuất khẩu sang Mỹ.
Tác động lên chuỗi cung ứng tại Mexico và Canada
Mối đe dọa thuế quan không chỉ ảnh hưởng đến xe xuất khẩu mà còn đến từng bộ phận linh kiện. Chuyên gia James Picariello của BNP Paribas cảnh báo việc áp thuế lên linh kiện từ Mexico sẽ là "thảm họa", đẩy chi phí cuối cùng lên người tiêu dùng.
Hầu hết ô tô lắp ráp tại Mỹ đều phụ thuộc rất nhiều vào các bộ phận linh kiện từ Canada và Mexico. Theo hồ sơ của Cơ quan An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ, chỉ có /141 mẫu xe lắp ráp tại Mỹ có động cơ và hộp số được sản xuất trong nước. Số liệu từ cơ quan quản lý này cũng cho thấy các bộ phận linh kiện từ Mexico chiếm hơn 15% tổng giá trị của các linh kiện trong 42 mẫu xe.
Các tờ khai hải quan từ Mexico cho thấy sự đa dạng trong nguồn cung linh kiện từ Mexico sang Mỹ, với 35.000 tờ khai trị giá 700 triệu USD chỉ trong tuần cuối tháng 8/2024. OECD cũng chỉ ra linh kiện từ Mexico và Canada chiếm 10% giá trị ô tô lắp ráp tại Mỹ năm 2020, cộng thêm 5,4% từ Trung Quốc.
Công ty dữ liệu Export Genius tổng hợp số liệu cho thấy các tờ khai này tiết lộ rằng các nhà sản xuất Mỹ đã mua nhiều loại phụ tùng, bao gồm hệ thống lái, các bộ phận dùng trong cổng sạc xe điện và tay vịn.
Việc tăng thuế quan cũng là lời cảnh tỉnh về chuỗi cung ứng gắn kết giữa ba thành viên USMCA. Mexico và Canada chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu phụ tùng ô tô sang Mỹ, đạt gần 100 tỷ USD. Áp thuế đồng nghĩa với tăng chi phí cho mọi xe lắp ráp tại Mỹ. Các giám đốc điều hành cho biết kế hoạch của ông Trump cũng có thể buộc ngành công nghiệp ô tô phải tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.
Tổng thống Mexico, bà Claudia Sheinbaum, kêu gọi đối thoại với ông Trump và cảnh báo rằng đề xuất thuế quan "vô nghĩa", sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát và gây mất việc làm ở cả hai quốc gia. Bà cũng đề cập đến khả năng trả đũa, mặc dù với dòng chảy xuất khẩu khổng lồ sang Mỹ, nền kinh tế Mexico vẫn dễ bị tổn thương hơn trước các mối đe dọa thuế quan.
Một giám đốc điều hành tại một nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản cho biết, Tổng thống đắc cử Trump có thể sử dụng mối đe dọa về thuế quan đối với Mexico và Canada để buộc các nhà sản xuất ô tô ngừng sử dụng phần mềm và các công nghệ khác được sản xuất tại Trung Quốc.
Trong năm nay, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc , bao gồm cả việc áp thuế 100% đối với xe điện của Trung Quốc, mặc dù những loại xe này chỉ chiếm 1% thị trường xe điện của Mỹ trong năm 2023.
Việc cấm phần mềm Trung Quốc sẽ buộc các nhà sản xuất ô tô phương Tây và châu Á khác phải tìm kiếm các nhà cung cấp mới cho những công nghệ này, một thách thức đáng kể do những tiến bộ mà các công ty Trung Quốc đã đạt được.
Đòn giáng vào người tiêu dùng
Hiệp định thương mại tự do với Mỹ, đầu tiên là Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và sau đó là USMCA, đã biến ngành công nghiệp ô tô non trẻ của Mexico thành ngành sản xuất quan trọng nhất của đất nước và là biểu tượng cho năng lực xuất khẩu của nước này. Nhưng 30 năm sau khi NAFTA được thành lập, ông Trump đã đặt tất cả vào thế khó.
Trong thế giới cạnh tranh khốc liệt của sản xuất ô tô và xe tải, mức thuế 25% có thể làm tê liệt ngành công nghiệp Mexico, vốn đã mất nhiều năm để hội nhập chặt chẽ với Mỹ, điểm đến của gần 80% tổng số xe sản xuất tại Mexico.
Thuế quan cao hơn cũng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ. Mặc dù công ty nhập khẩu hàng hóa trực tiếp vào Mỹ phải trả thuế, nhưng chi phí đó chắc chắn sẽ được chuyển cho người tiêu dùng thông qua việc tăng giá.
Điều đó có thể ảnh hưởng đến nhiều loại xe bán tải phổ biến ở các vùng nông thôn của Mỹ, những nơi đã bỏ phiếu áp đảo cho ông Trump. Đáng chú ý, Toyota Tacoma, Ford Maverick, Ram của Stellantis và Chevrolet Silverado và GMC Sierra của GM đều được sản xuất tại Mexico.
GM có thể giảm một số chi phí từ những chiếc xe bán tải có lợi nhuận cao của mình, nhưng các nhà sản xuất khác chưa chắc có thể làm được điều tương tự.
Ông Francisco Gonzales, người đứng đầu Ngành Công nghiệp Phụ tùng Ô tô Quốc gia của Mexico, cho biết hợp tác khu vực trên khắp Bắc Mỹ giúp giảm chi phí cho khách hàng. Các nhà sản xuất ô tô "không thể sản xuất mọi thứ ở một quốc gia duy nhất, vì điều đó khiến họ không có khả năng cạnh tranh".
Doanh nghiệp có thể làm gì để giảm thiểu tác động?
Các nhà sản xuất ô tô có thể tăng cường sản xuất tại Mỹ, giảm thiểu cú sốc tài chính bằng cách cắt giảm chi phí hoặc tăng giá bán. "Bộ ba Detroit", gồm GM, Ford và Chrysler, có đủ công suất dự phòng tại Mỹ để chuyển đổi sản xuất từ Mexico và Canada.
Tuy nhiên, đối với các đối thủ cạnh tranh châu Âu, đây sẽ là một bài toán tốn kém và mất thời gian hơn. Volkswagen có thể chuyển một phần hoạt động sản xuất sang nhà máy xe điện mới của mình tại Nam Carolina, nơi dự kiến sẽ sản xuất dòng xe mang thương hiệu Scout. Ngược lại, BMW và Mercedes-Benz có rất ít công suất dự phòng tại các nhà máy của họ ở Mỹ.
Một giám đốc điều hành tại một nhà sản xuất ô tô châu Âu cho biết các công ty ô tô biết cách cắt giảm chi phí và họ có khả năng để “vực dậy từ bờ vực” đáng kinh ngạc. Ông Michael Leiters, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất siêu xe Anh Quốc McLaren, nhận định: "Rõ ràng là chủ nghĩa bảo hộ và thuế quan hoàn toàn không tốt cho nền kinh tế”.