Như thông tin TTXVN đã phản ánh, từ đầu tháng 5/2015, trên vùng canh tác gần 3.400 ha cà phê của huyện Mường Ảng, vùng chuyên canh cây cà phê lớn nhất của tỉnh Điện Biên, đã xảy ra tình trạng cây bị cháy lá - táp ngọn. Nhiều hộ dân trồng cà phê cho rằng, cây chết do dùng loại phân bón NPK Sông Gianh. Qua công tác kiểm tra, cơ quan chuyên môn đã xác định hiện tượng trên là do sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt và kỹ thuật canh tác sai quy trình chứ không phải do phân bón. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty Sông Gianh vẫn cam kết sẽ đi cùng người dân vì sự phát triển của cây cà phê bằng các biện pháp hỗ trợ cần thiết.
Trong những ngày vừa qua, Tổng Công ty Sông Gianh (Chi nhánh Hà Nội) đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, cùng Phòng N ông nghiệp huyện Mường Ảng đi kiểm tra thực tế tại 2/3 vườn cà phê thử nghiệm bón phân theo đúng kỹ thuật. Qua kiểm tra, không thấy có biểu hiện cây khô cành – khô quả và chết như từng xảy ra trước đây ở các vườn khác, chỉ xuất hiện 1 số ít cây bị táp lá, héo ngọn. Tuy nhiên, các cán bộ kỹ thuật trong đoàn đã khẳng định hiện tượng này chủ yếu là do bệnh thán thư đã ủ bệnh trong cây, nên khi bón phân vào làm cây phát bệnh. Thực tế cho thấy tại các vườn bón loại phân khác cũng đều xảy ra tình trạng này ở mật độ cao.
Tại vườn thực nghiệm của mình, ông Hà Văn Hoan, ở khối 4, thị trấn Mường Ảng, chủ hộ có diện tích cà phê lớn nhất ở khu vực này cho biết: “Năm nay không phải riêng phân Sông Gianh bị táp lá. Tôi đi xem nhiều vườn, thấy dùng phân nào cũng bị táp lá, nguyên nhân là do khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng và khô hạn. Những năm trước đây khi dùng các loại phân khác như Đầu Trâu, Quế Lâm... cũng bị táp lá như vậy. Tôi thí điểm ở đây bằng phân Sông Gianh 12.5.10+TE lấy lại của nhà anh Thùy (Nguyễn Văn Thùy- khối 4- thị trấn Mường Ảng, trước đây bón, cây bị chết). Nhưng sau khi bón, vườn của tôi vẫn không sao cả. Theo tôi, nếu nhà nào bỏ phân gần gốc quá, mà cây đã yếu, bị bệnh thì sẽ bị táp lá”.
Sau khi xuất hiện đơn thư của một số hộ dân phản ánh hiện tượng cây cà phê bị cháy lá, khô cành- khô quả và chết sau khi bón phân Sông Gianh , ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên đã gửi các mẫu phân lấy trực tiếp của người sử dụng đi thử nghiệm tại Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Kết quả cho thấy, phân bón Sông Gianh sử dụng tại địa bàn đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đã đăng ký.
Về vấn đề này, ông Phạm Văn Đông, ở khối 5 - thị trấn Mường Ảng cho biết, ông vừa bón phân Sông Gianh 12.5.5 được 14 ngày trên diện tích 1,5ha, không thấy hiện tượng gì vì thời điểm thích hợp, điều kiện thời tiết cho phép. Trong khi đó, do thời tiết khắc nghiệt, nhất là thời điểm bà con lấy phân về để bón từ 15/3 đến trung tuần tháng 4 là cao điểm của nắng nóng nên mới xảy ra hiện tượng trên. Phân Sông Gianh nhiều chất Amoniac, bốc nhanh, nên cây nào khỏe mạnh thì không ảnh hưởng, nhưng cây nào bị ủ bệnh sẽ bị chết. Bên cạnh đó, do phương pháp bón, người dân vẫn bón theo phương pháp truyền thống như các loại phân khác (đào hố 20 - 30cm, đổ vào đó 1 bát chứ không rắc, lấp đất sơ sài) nên gặp nắng nóng, cây không chịu được, phía nào bón là phía đó bị táp.
Sau khi đi khảo sát thực tế, ông Trần Kim Khoán, Phó Giám đốc kỹ thuật Tổng Công ty Sông Gianh (Chi nhánh Hà Nội) cam kết, với tư cách là đơn vị sản xuất, Tổng Công ty sẽ chia sẻ, giúp đỡ hỗ trợ bà con (chứ không phải bồi thường). Theo đó, cứ 1 kg phân đã bón xuống, Tổng Công ty sẽ hỗ trợ 0,5 kg phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh. Đây là 1 loại phân hữu cơ theo dây chuyền công nghệ của Canada mà Tổng Công ty đã sử dụng thành công ở nhiều nơi… Năm tới, Tổng Công ty sẽ làm mô hình trình diễn trên 1ha cà phê để kiểm định lại chất lượng phân Sông Gianh.
Trong vài năm gần đây, người trồng cà phê ở Mường Ảng đã sử dụng khá nhiều loại phân bón khác nhau như: Đầu Trâu, Lâm Thao, Quế lâm, Sông Gianh… Tuy nhiên, năm nào cũng xảy ra tình trạng cây bị cháy lá, táp ngọn sau khi bón phân. Năm nay, do tình hình thời tiết khắc nghiệt (nắng nóng, khô hạn kéo dài, mưa được 1-2 trận lại đổ nắng ngay) nên tình trạng trên xảy ra nhiều hơn. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ xảy ra cục bộ đối với một số hộ bón sai quy trình kỹ thuật, bón phân gà trước khi sử dụng phân NPK; các vườn có độ che bóng mát thấp; vườn có tỷ lệ sâu bệnh cao…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, Phòng Nông nghiệp huyện Mường Ảng cần vào cuộc tích cực hơn để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng trên. Nếu thói quen canh tác của người nông dân không còn phù hợp, cần phải thay đổi tư duy theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Đồng thời, chính quyền huyện cần quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo sản xuất của bà con theo diễn biến thực tế của tình hình thời tiết, sâu bệnh; tránh để năm nào cũng xảy ra tình trạng đơn từ kiện cáo của người nông dân đối với các doanh nghiệp sản xuất, người kinh doanh phân bón trên địa bàn.