Ban tổ chức cho biết thêm, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2022 (năm thứ 33) đã được quận Đồ Sơn chuẩn bị chu đáo, đúng theo quy chế, kế hoạch tổ chức lễ hội, đảm bảo các điều kiện về an ninh, an toàn.
Các trận thi đấu diễn ra bình thường, an toàn, tuy nhiên đến trận thi đấu thứ 8 (kháp đấu cuối của vòng 1/16) giữa "ông trâu" số 9 và "ông trâu" số 15, vừa vào sân "ông trâu" số 15 đã lao tới "ông trâu" số 9 và giao tranh quyết liệt. Do không đủ sức chịu đựng, "ông trâu" số 9 đã phải bỏ chạy. Thời điểm này "ông trâu" số 15 chạy theo, sau đó liên tục chạy nhiều vòng sân thi đấu, có biểu hiện choạng trâu, khó bắt...
Trước đó, Ban Tổ chức Lễ hội đã tổ chức xét nghiệm nước tiểu cho 16 "ông trâu" tham gia Lễ hội, các "ông trâu" đều đảm bảo điều kiện tham gia.
Thực hiện Điều 11, Điều 22 của Quyết định số 635/QĐ-UBND, ngày 6/5/2020 của UBND quận Đồ Sơn về "Quy chế Tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn", do "ông trâu" số 15 có những biểu hiện bất thường như trên, để đảm bảo an toàn, Ban tổ chức Lễ hội đã quyết định không cho "ông trâu" số 15 tiếp tục tham gia Lễ hội và đã được sự đồng tình ủng hộ của chủ trâu, nhân dân và du khách dự Hội.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, do "ông trâu" số 15 khi vào sân với số lượng khán giả đông hò reo, cổ vũ cùng với tiếng trống chiêng, cờ hội nhiều màu sắc đã gây ra tình trạng hoảng loạn của "ông trâu".
Năm 2012, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia". Lễ hội trở thành điểm hẹn của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội cũng như các du khách trong và ngoài nước.
Chặng đường khôi phục, phát triển Lễ hội đã khẳng định các giá trị văn hóa độc đáo, riêng có, sức sống nội sinh mạnh mẽ của Lễ hội trong lòng nhân dân; đồng thời thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hải Phòng nói chung, quận Đồ Sơn nói riêng; sự tham gia tích cực của cộng đồng, các doanh nghiệp, cá nhân trong việc giữ gìn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.