Không ít đơn vị căn cứ lương tối thiểu để xây dựng mức trả lương
Bên cạnh mức lương tối thiểu tháng, từ năm nay còn có mức lương tối thiểu giờ để bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng nhưng giá xăng kéo theo giá cả sinh hoạt tăng khiến cho cuộc sống của người lao động vẫn còn khó khăn. Do đó, toạ đàm “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều" giới thiệu rõ hơn về mức lương tối thiểu, mức lương cơ bản và mức lương đủ sống của công nhân lao động.
TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Tiền lương là mối quan tâm của mọi người lao động. Khi tôi đi gặp người lao động, công nhân, họ hay hỏi tôi bây giờ lương thấp quá. Nhưng bên quản lý cho biết hiện mức lương đã trả cao hơn lương tối thiểu vùng. Về khái niệm và thực tiễn, thế nào là mức lương tối thiểu (MLTT), mức lương cơ bản, tiền lương thực nhân, hay lương đóng bảo hiểm cần thống nhất thêm.
Về cách tính tiền lương tối thiểu ở Việt Nam hiện nay, về cơ sở pháp lý, Bộ luật Lao động điều 91 quy định rõ MLTT trả thấp nhất cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở thấp nhất để các bên đàm phán, thương lượng mức lương thực tế.
Nhưng hiện nay, khả năng đàm phán của người công nhân rất thấp, hầu như không có, trong khi người sử dụng lao động lại đưa ra lý do mức lương căn cứ lương tối thiểu vùng cộng thêm 5,7% để trả cho người lao động. Đây thường là căn cứ đóng bảo hiểm cho người lao động phổ thông, còn lãnh đạo, quản lý có thể có mức lương khác.
Đáng chú ý, nhiều người lao động đi vay tiền để giải quyết vấn đề đời thường trước mắt. Đối với họ, nếu phát sinh con ốm trong khi không làm thêm giờ, chắc chắn tháng sau là nợ tiền thuê nhà, vay nợ để mua gạo. Với phần lớn công nhân, theo điều tra, 30% công nhân vì thu nhập quá thấp luôn trong tình trạng khó khăn, túng thiếu. Đối với họ, đa phần đều không có tiền tích luỹ, nhà ở; cùng với đó là ốm đau bệnh tật, đóng học cho con phải đi vay tiền.
Nhiều công nhân lao động còn phải cắm sổ BHXH, chứng minh nhân dân (CMND) để đi vay tiền chỉ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, mua gạo…
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng: Việt Nam là một trong những nước thực hiện theo Công ước số 26 của ILO về lương tối thiểu. Khi đó, xây dựng lương tối thiểu dựa trên 6 nhóm yếu tố: Nhu cầu sống của người lao động và gia đình họ; chỉ số giá sinh hoạt; khả năng chi trả của DN; tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc điểm về cung cầu lao động và các chi phí xã hội khác có liên quan đến người lao động (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp), chi phí đào tạo, chi trả liên quan đến các chính sách về thị trường lao động; DN tái đào tạo chiếm đến 25 -30% tổng chi phí liên quan đến người lao động...
“Khái niệm tiền lương tối thiểu là do tổ chức người lao động đưa ra. Lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người làm việc trong điều kiện bình thường. Chúng ta cũng phải phân biệt các yếu tố trong cơ cấu tiền lương gồm có tiền lương cơ bản, các phần chi phí daonh nghiệp (DN) trả cho người lao động và tiền lương gắn với năng suất lao động. Quy định của Bộ luật Lao động về tiền lương tối thiểu hiện nay là người lao động làm việc 26 ngày/tháng, 8 giờ/ngày thì DN mới đảm bảo tiền lương tối thiểu cho người lao động” bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.
“Trong thời gian qua, cách tiếp cận tiền lương tối thiểu chưa phải là tối ưu nhưng là phương pháp tiếp cận khá tốt, đi theo khuyến nghị của ILO; dựa trên 2 nguồn số liệu rất cơ bản là điều tra mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê và điều tra lao động việc làm. Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy, chi phí về mức sống thấp đi do người lao động không khai báo 25 - 30% chi phí khác; chi phí tiền nhà, họ khai báo rất thấp”, bà Hương thông tin.
Bà Hà Thị Phương Anh, Chủ địch Công đoàn cơ sở Công ty may liên doanh Plummy cho rằng: Mức thu nhập tối thiểu tại Công may liên doanh Plummy ở thời điểm hiện tại trên 5,3 triệu/tháng. Mức bình quân chung theo khảo sát của Công đoàn cơ sở 6 tháng đầu năm 2022 là 5, triệu đồng/ tháng/48h lao động/tuần. So mức lương tối thiểu vùng 2 năm trước tôi khẳng định người lao động có thể tiết kiệm chi tiêu, và có thể dự phòng. Tuy nhiên với thời điểm hiện tại, thực sự tiền lương với người lao động là không đủ sống.
“Tôi chưa tính đến những phát sinh ốm đau, hay cưới giỗ, thăm hỏi, quê quán, tôi đang nói đến sự leo thang của giá cả thị trường dẫn đến thu nhập của người lao động (NLĐ) phải thực sự tiết kiệm tối đa chi phi để trang trải cuộc sống gia đình. Tôi dám chắc 50% NLĐ cuối tháng phải vay tiền để chi tiêu vì những khó khăn phát sinh trong cuộc sống”, bà Hà Thị Phương Anh cho biết.
Bà Hà Thị Phương Anh dẫn chứng, khi người lao động đi làm ở các DN, họ không thể gửi con tại trường công lập. Bởi tại trường công lập, phụ huynh phải đón con muộn nhất là 5 giờ. Tuy nhiên, người lao động làm việc tại các DN thường xuyên phải tăng ca đến 6 – 7 giờ tối. Công nhân tại các DN bắt buộc phải gửi con tại các trường tư thục. Do vậy, chi phí cũng sẽ tăng lên. Chưa tính đến kinh phí đi lại, ăn uống. Tính toán với một gia đình cơ bản (2 vợ chồng, 2 con) thì mức chi phí sẽ vào khoảng 12 triệu đồng/tháng – tương ứng với thu nhập của 2 vợ chồng; chưa tính đến việc người lao động phải chi trả tiền thuê nhà, khoản chi phát sinh trong cuộc sống.
Sớm ban hành Luật lương tối thiểu
Về cách tiếp cận lương tối thiểu tháng của Việt Nam, khi xây dựng chính sách xã hội, dựa trên điều kiện hợp đồng lao động. Tuy nhiên, thực tế ký hợp đồng lao động, lương chỉ khoảng 60% và thực hiện trong nhóm DN nhà nước, PDI. Nhưng điều quan trọng là chúng ta chưa xây dựng được luật về lương tối thiểu. Cho nên, mỗi năm cần đợi Hội đồng tiền lương quốc gia họp và đề xuất mức và thời điểm điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Những điều chỉnh chủ yếu tập trung vào mức điều chỉnh theo chỉ số CPI, tăng trưởng kinh tế và chưa đánh giá toàn diện đến tăng lương tối thiểu, tăng chi phí lao động và tương quan cung cầu lao động.
Theo bà Hương, tiền lương tối thiểu là mức thấp nhất được luật hóa để cho người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật làm việc giản đơn trong điều kiện làm việc bình thường; là sàn thấp nhất, lưới bao phủ thấp nhất; DN không có quyền trả thấp hơn mức lương tối thiểu. Tiền lương đủ sống là khả năng tiền lương bù đắp các bao phủ tất cả những chi phí cần thiết trong ngân sách cần thiết của người lao động và gia đình họ là: Ăn, mặc, ở, đi lại, giao tiếp xã hội, an sinh xã hội, phát triển nhân lực và hòa nhập xã hội. Mức sống đó phải được điều chỉnh theo sự phát triển kinh tế.
Mức lương đủ sống phụ thuộc vào quy mô của hộ gia đình, bao gồm số trẻ em trong hộ gia đình và độ tuổi, chi phí của bố mẹ và con cái; thuộc khu vực sinh sống, nhóm ngành nghề làm việc. Như vậy mức lương đủ sống cho biết khả năng bảo đảm các chi phí cần thiết của người lao động và gia đình họ. Trong thực tiễn, chưa nhiều Chính phủ chuyển từ kiểm soát lương tối thiểu sang lương đủ sống. Để lương tối thiểu đảm bảo đủ sống thì phải nhanh chóng thực hiện lương tối thiểu giờ. Hiện nay trong thị trường lao động, một người lao động có thể đóng các vai khác nhau, chúng ta cứ căn cứ vào việc người lao động phải có hợp đồng lao động thì đẩy người yếu thế ra khỏi lưới an sinh. Do vậy, rất cần nhanh chóng ban hành luật Lương tối thiểu.
“Thực tế, mong muốn của người lao động rất nhiều. Nhưng tôi mong rằng, sau khi có Nghị định về tăng lương tối thiểu vùng và đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân lao động ngày 12/6, Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ có giải pháp để tiếp tục tháo gỡ, có chính sách tốt nhất cho người lao động. Để qua đó, người lao động có động lực tiếp tục cùng với lãnh đạo DN, toàn hệ thống chính trị - xã hội góp phần để phát triển nhà máy nói riêng và kinh tế đất nước nói chung”, bà Hà Thị Phương Anh kiến nghị.