Cụ thể, dự thảo bổ sung:
- Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng: Người sống ở các xã An toàn khu, vùng An toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Đồng thời, các đối tượng này cũng được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
- Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng: Người dân tộc thiểu số thoát nghèo theo Quyết định 861/QĐ-TTg. Trong đó, mức hưởng của đối tượng này được đề xuất tại khoản 5 Điều 1 dự thảo là 95% chi phí khám, chữa bệnh.
Như vậy, so với quy định hiện nay tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Bộ Y tế đã đề xuất thêm đối tượng được hỗ trợ 100% chi phí đóng BHYT và đối tượng được hỗ trợ mức đóng như trên.
Trước đó, do sự thay đổi về tiêu chí hộ nghèo từ năm 2022 cũng đã kéo theo việc thêm rất nhiều hộ dân thuộc diện hộ nghèo và được hưởng những chính sách của Nhà nước, trong đó có chính sách về bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo Bộ Y tế, sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã có một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện tại cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng như tại các cơ sở y tế, như:
Chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho nhân dân các xã An toàn khu cách mạng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/3/2020. Phương thức đóng của một số đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc) chưa được quy định trong Nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Đo đó, dự thảo cho việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 146 đang được lấy ý kiến rộng rãi của người dân, chuyên gia.